Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt trên 5%
Sáng 8/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.
Thủ tướng cho biết, trong tháng 10 năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng đạt 86,3% dự toán. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình KT-XH vẫn còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng.
"Đồng thời theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024", Thủ tướng cho hay.
Tháo gỡ bất cập, vướng mắc để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm
Về các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần).
9 tháng qua, Việt Nam đã đưa vào sử dụng gần 660 km cao tốc, nâng tổng chiều dài các tuyến cao tốc toàn quốc lên 1.822 km. Các tuyến hoàn thành năm 2023 là Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu.
Nhiều dự án lớn được khởi công gồm 12 đoạn cao tốc Bắc Nam; 3 dự án trục Đông Tây; nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất; sân bay Long Thành. Dự kiến 5 cao tốc được khởi công cuối năm nay là đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; Rạch Sỏi - Bến Nhất; Gò Quao - Vĩnh Thuận; Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; Hòa Liên - Túy Loan; hoàn thành tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ trong đó có cầu Mỹ Thuận 2.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động "vượt nắng, thắng mưa", "xua tan dịch bệnh", làm việc "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, qua đó tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Tuy nhiên, một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều; việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu; một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ bốn làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập.
“Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai một số dự án; việc thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; chưa có quy chuẩn cho đường cao tốc; việc triển khai, quản lý, thi công, tư vấn, giám sát tại một số dự án còn hạn chế, bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Năm 2024, Chính phủ phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia và triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045; thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc...
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả và linh hoạt.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý các khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân; tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu.
Sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024; rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng năm tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư hai làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.
Nâng cao năng lực, chất lượng của chủ đầu tư, nhà đầu tư và tăng cường kiểm tra, giám sát... Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận