Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: VGP).
Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn dân, doanh nghiệp phải hành động với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ cần: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.
Chỉ đạo nhiều biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính như: Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định.
Thủ tướng giao Bộ Công thương sớm hoàn thiện, trình ban hành Cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Bộ Công thương cũng được giao ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái; hoàn thiện Chiến lược sản xuất hydrogen tại Việt Nam, đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định quản lý tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2024.
Bộ này cần chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tham khảo kinh nghiệm của các nước, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam bảo đảm việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xây dựng, ban hành hàng loạt đề án, chiến lược, kế hoạch hướng tới giảm phát thải:
- Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26
- Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
- Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
- Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030
- Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải
- Quy hoạch điện VIII
- Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26
- Đàm phán thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia G7.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận