Cần thêm nửa năm để xúc tiến mạnh việc đón tàu container
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.
Mỗi tàu container thực hiện trả hàng/bốc hàng tại Cảng Chân Mây với tần suất 2 chuyến/tuần sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến. Ảnh minh họa
Theo đó, hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container; đối với container 40 feet là 1.100.000 đồng/container.
Theo dự kiến, sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ tàu container, dự tính riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng sản xuất men frit dự kiến có khoảng 25% lượng hàng đi/đến cảng Chân Mây, tương đương khoảng 4.500 Teus/năm (loại container 20 feet); Hàng sản xuất ngành sợi dự kiến có khoảng 12,5% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng 2.250 Teus/năm (loại container 40 feet); Hàng sản xuất ngành may mặc dự kiến có khoảng 5% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng 950 Teus/năm (loại container 40 feet); Hàng sản xuất, lắp ráp ngành cơ khí dự kiến có khoảng 50% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng tương đương khoảng 900 Teus/năm (loại container 20 feet).
Dự kiến, tổng nguồn chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này khoảng hơn 18,3 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Tổng giám đốc CTCP Cảng Chân Mây cho biết khoảng 2 năm qua, cảng đã xúc tiến nhiều hoạt động để thu hút các hãng tàu và doanh nghiệp có hàng container trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận.
“Khi mở các tuyến tàu container ra vào cảng Chân Mây sẽ giảm áp lực lên hạ tầng đường bộ, cho hàng đi các tỉnh như Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng…
Việc cần làm nhất hiện nay là làm việc với các hãng tàu, doanh nghiệp để định hướng lại về phương thức vận chuyển. Có lẽ cần thêm nửa năm mới xúc tiến mạnh hơn khi mở tuyến vận tải mới”, ông Chương chia sẻ và cho biết thêm, với độ sâu luồng lạch hiện tại, cảng Chân Mây hiện có thể đón được tàu 50.000 DWT đầy tải.
Tiềm năng lớn
Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp, đóng vai trò trung chuyển container, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch và phục vụ giao thương hàng hóa, tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT, tàu hàng container có sức chứa đến 4.000 Teu, tàu khách đến 225.000 GT. Đến nay, cảng Chân Mây đã đưa vào hoạt động 3 bến.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Chân Mây năm 2021 là hơn 3,34 triệu tấn, với 884 lượt tàu thông qua. Trong 8 tháng đầu năm 2022, có hơn 2,55 triệu tấn hàng hóa thông qua, với 589 lượt tàu. Hiện nay, hàng hóa qua cảng chủ yếu là hàng rời.
Cảng Chân Mây được quy hoạch đóng vai trò trung chuyển container, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch
Bộ GTVT đã có quyết định cho phép, giai đoạn đến năm 2030 khu bến Chân Mây được bổ sung thêm 3 bến (bến số 4, số 5, số 6) đồng thời chấp thuận chủ trương bến 4, 5 khu bến Chân Mây được bổ sung công năng khai thác hàng container với tổng chiều dài 540 m cho cỡ tàu đến 70.000 tấn.
Trong Tờ trình về đề nghị ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến Cảng Chân Mây, UBND tỉnh Thừa thiên Huế đánh giá, với lợi thế gần khu vực Trung Hạ Lào, cảng Chân Mây đang có những cơ hội rất lớn trong việc tiếp cận và thúc đẩy xúc tiến hàng container quá cảnh của thị trường tiềm năng này.
Trong đó, vùng Đông Bắc Thái Lan (chiếm 1/3 diện tích của Thái Lan) nằm ven sông Mê Kông có biên giới chung với Lào, gần biển Đông hơn vùng vịnh Thái Lan; có đường sắt nối với Vientiane về phía Bắc.
Ngoài ra, vùng Đông Bắc Thái Lan có xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ 17% - 18% so với cả nước. Khả năng hấp dẫn của Cảng Chân Mây với Thái Lan có thể kể đến một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Thái Lan gồm Nongkhai, Sakhonakhon và Nakhonphanom. Khoảng cách tới các cảng của Việt Nam khá ngắn, từ 200 - 300km nên được nhận định là khá hấp dẫn và dự kiến cùng thị trường Lào sẽ trở thành thị trường hàng container tiềm năng của Cảng Chân Mây.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện chưa có tuyến vận tải container tại khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Trong khi đó, khoảng thời gian gần đây, các hoạt động triển khai các dự án các khu công nghiệp tại Tỉnh Thừa Thiên Huế như KCN Phú Bài, Phong Điền và Chân Mây, hay KCN Nam Đông Hà và Quán Ngang tại Quảng Trị đang diễn ra khá sôi nổi.
“Sự hình thành các khu công nghiệp này sẽ tạo ra một lượng cầu rất lớn trong lĩnh vực vận tải biển”, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định và cho biết thêm, kinh nghiệm của các cảng lớn trên thế giới cho thấy, yếu tố thúc đẩy và thành công là có khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan… gần cảng.
Các cơ chế ưu đãi về thuế, khả năng thu hút hàng hóa sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn. Đây là một trong những cơ hội tốt cho cảng Chân Mây đầu tư mở rộng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập và trung chuyển, đáp ứng được những nhu cầu vận tải. Đó là điều kiện thuận lợi để xúc tiến mở tuyến vận tải hàng container qua cảng Chân Mây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận