Theo Cục Đường thủy nội địa VN, Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) có sự tham gia của 6 nước thành viên gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Trong khuôn khổ MCL, Dự án hỗ trợ kỹ thuật Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mekong - Lan Thương về vận tải đường thủy đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao Hợp tác MLC lần thứ 3 tổ chức tại Campuchia năm 2018, nguồn vốn Quỹ đặc biệt của MLC.
Cục Đường thủy nội địa VN được giao là chủ dự án, đồng thời là cơ quan chủ trì điều phối hợp tác trong khuôn khổ dự án với các nước MLC trong lĩnh vực vận tải đường thủy.
Dự án nhằm tiêu chuẩn hóa và thống nhất các quy định vận tải đường thủy liên quốc gia. Thực tế hiện nay sông Mê Kông - Lan Thương chảy qua 6 nước, các hoạt động GTVT thủy xuyên biên giới diễn ra tấp nập, đặc biệt tại các quốc gia phía hạ lưu.
Tuy nhiên, hoạt động vận tải xuyên quốc gia, nhất là hoạt động vận tải liên quốc gia trên sông Mekong - Lan Thương vẫn gặp nhiều khó khăn, do hệ thống quy định kỹ thuật áp dụng cho hoạt động vận tải thủy của các quốc gia còn tồn tại sự khác biệt.
Do vậy, với việc triển khai dự án sẽ xây dựng được danh mục, khuyến nghị các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về giao thông thủy phù hợp để sử dụng chung hoặc hài hòa giữa các quốc gia thành viên, hoặc áp dụng cho các thành viên chưa ban hành hệ thống văn bản, tiêu chuẩn.
"Mục tiêu tổng thể của dự án là thúc đẩy tự do giao thông thủy khu vực và hỗ trợ thương mại quốc tế cho các nước ven sông Mekong, đảm bảo phát triển vận tải thủy khu vực một cách an toàn, hiệu quả và bền vững", đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho hay.
Cơ quan này cũng cho biết, đã phối hợp với các đồng nghiệp của các nước MLC thực hiện các nghiên cứu và lập được dự thảo báo cáo dự án.
Để chuẩn bị cho hội nghị công bố báo cáo dự án (bản công bố cuối cùng) và kết thúc dự án, cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2024, Cục tiến hành họp song phương với các cơ quan quản lý nhà nước đồng cấp tại các nước hạ lưu sông Mekong gồm Cục Vận tải thủy Lào, Tổng cục Vận tải thủy - Hàng hải và Cảng Campuchia và Cục Hàng hải Thái Lan để cùng rà soát một lần nữa các nội dung đã thống nhất trong báo cáo dự án.
Các cơ quan này khẳng định, việc triển khai dự án không những góp phần tăng cường sự gắn bó hợp tác về kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường thủy mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động qua lại bằng đường thủy giữa các nước MLC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, logistics và bảo vệ môi trường.
Dự kiến hội nghị cuối kỳ và tổng kết dự án tổ chức tại Hà Nội sẽ diễn ra vào cuối tháng 9/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận