Tư vấn

Thực hư việc mã QR trở thành “vũ khí” của tin tặc

16/01/2025, 11:55

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về việc quét mã QR khiến điện thoại bị treo và mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận.

Tin đồn thất thiệt và nguy cơ từ tâm lý sợ hãi

Vừa qua, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội đã gây chấn động với câu chuyện "mất hơn 100 triệu đồng sau khi quét mã QR". Theo lời kể, mã QR này khiến điện thoại bị treo và tiền trong tài khoản "bốc hơi" ngay sau đó. Thông tin này nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, thổi bùng lo ngại về an ninh mạng trong các giao dịch trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), mã QR bản chất chỉ là công cụ trung gian để chuyển tải thông tin, không phải mã độc gây mất tiền. Rủi ro chỉ xảy ra khi người dùng quét mã QR dẫn đến link độc hại, cài đặt phần mềm giả mạo hoặc chuyển tiền theo hướng dẫn lừa đảo. Tin đồn này đã lợi dụng tâm lý hoang mang của người dùng để tạo nên sự sợ hãi không cần thiết.

Thực hư việc mã QR trở thành “vũ khí” của tin tặc- Ảnh 1.

Video có nội dung "mất trăm triệu đồng sau 5 giây quét mã QR để chuyển tiền" gây hoang mang cho nhiều người, nhưng chuyên gia nói đây là tin giả (Ảnh minh họa).

Việc phát tán thông tin thất thiệt này không chỉ gây rối loạn mà còn khiến nhiều người e ngại trong giao dịch trực tuyến, vô tình làm mất đi lợi ích của công nghệ mã QR trong cuộc sống hiện đại.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị người dùng có thể kiểm tra thông tin qua các kênh chính thống như trang web của cơ quan công an, ngân hàng, báo chí, truyền hình chính thống. Theo dõi các cảnh báo từ hiệp hội an ninh mạng hoặc các công ty an ninh mạng uy tín. Không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng để hạn chế phát tán các tin đồn gây hoang mang mà không có cơ sở.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo từ mã QR và số tài khoản

Dù mã QR không phải là công cụ tấn công trực tiếp, nhưng các kẻ gian vẫn có thể lợi dụng nó để đánh cắp thông tin. Một số đối tượng tạo mã QR chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo, từ đó lừa người dùng nhập thông tin tài khoản hoặc cài đặt phần mềm độc hại.

Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chiêu trò lừa đảo còn lợi dụng việc công khai thông tin tài khoản ngân hàng và số điện thoại trên mạng xã hội. Đối tượng sẽ nhập sai mật khẩu nhiều lần để khóa tài khoản, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu người dùng cài phần mềm độc hại nhằm "khôi phục tài khoản". Khi phần mềm này được cài đặt, kẻ gian có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị và đánh cắp dữ liệu.

Để phòng tránh, chuyên gia khuyến cáo người dùng không nhấp vào các link lạ, không cài đặt file từ nguồn không rõ ràng và tuyệt đối không cung cấp mã OTP qua điện thoại. Khi gặp sự cố tài khoản, nên đến trực tiếp điểm giao dịch hoặc liên hệ tổng đài chính thức của ngân hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.