Thị trường

Thực phẩm sạch nhọc nhằn đường vào siêu thị

25/10/2017, 06:54

Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp có chất lượng tốt nhưng gặp khó ở khâu phân phối...

18

Các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện chỉ giới thiệu sản phẩm qua internet và các hội chợ (Trong ảnh: Ông Lê Ngọc Anh đang giới thiệu nước mắm cho khách tham quan gian hàng tại một sự kiện)

Vào siêu thị, giá tăng gấp rưỡi

Dự án sản xuất gạo hữu cơ trên vùng canh tác rươi được Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới triển khai ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương từ tháng 6/2016 trên diện tích 50ha bãi ngoài đê có sự tác động của thủy triều và là nơi sinh cư của loài rươi. Dự án có thế mạnh là sự hỗ trợ về khoa học của các chuyên gia từ Viện Di truyền nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp, Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới. Bên cạnh đó, là sức hấp dẫn của mô hình canh tác đặc biệt: Lúa - rươi. Ngay trong vụ đầu tiên, công ty đã thu hoạch được 50 tấn thóc với chất lượng cao từ giống lúa thuần của Nhật Bản.

Tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối do Bộ Công thương tổ chức ngày 24/10, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới cho biết, công ty đã tìm tới các siêu thị có gian hàng bán thực phẩm hữu cơ như AEON để phân phối nhưng lại gặp trở ngại từ yêu cầu thủ tục. “Siêu thị yêu cầu công ty phải có giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhưng trong nước chưa có một cơ quan, tổ chức nào chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ cả”, ông Tuân nói. Do đó, nếu muốn phân phối vào hệ thống siêu thị, công ty phải nhờ các tổ chức nước ngoài đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

“Chúng tôi đã trao đổi với một số đơn vị nước ngoài nhưng chi phí rất lớn. Với diện tích 50ha, làm giấy chứng nhận lần đầu chi phí là khoảng 300 triệu đồng. Các năm sau sẽ đóng phí duy trì”, ông Tuân kể. Chi phí này là quá sức đối với đơn vị mới sản xuất như Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới bởi khi đó giá thành 1kg gạo sẽ không phải ở mức 40-50 nghìn đồng nữa mà đã tăng lên hơn 80 nghìn đồng. “Như thế thì người tiêu dùng sẽ thu hẹp lại rất nhiều. Hơn nữa mục tiêu của công ty là phải tăng gấp đôi diện tích, tăng sản lượng và tìm cách hạ giá thành để bán đại trà trong nước. Do đó, công ty đành phải bỏ qua kênh phân phối lớn là hệ thống siêu thị để đưa vào chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch như: Hello Măm, Clever Food, Big Green”, ông Tuân thông tin.

Mỗi doanh nghiệp đang “mò” một đường

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, phần lớn các nhà khởi nghiệp hiện nay vẫn chỉ có duy nhất kênh bán hàng qua internet như mạng xã hội facebook hay website để tiếp cận người tiêu dùng. Về lâu dài, họ mong muốn có một chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa vào hệ thống siêu thị. Bởi, những sản phẩm của startup luôn có sự sáng tạo, đầu tư về chất xám lớn. Nhưng chính vì đường vào siêu thị quá khó khăn nên các nhóm khởi nghiệp tự tìm hệ thống phân phối riêng, đi vào các thị trường ngách.

"Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cực kỳ khó khăn. Không những thế, khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nước mắm truyền thống còn khó khăn gấp bội. Những doanh nghiệp sản xuất nhỏ như nước mắm Lê Gia sẽ rất khó để tiếp cận hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, vì chiết khấu, thủ tục giao hàng và rất nhiều điều khoản khác. Vì vậy, muốn đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp như Lê Gia đều phải tự mày mò để tồn tại”.

Ông Lê Ngọc Anh
người sáng lập thương hiệu nước mắm Lê Gia

Hợp tác xã Hương Việt cũng ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm hữu cơ trên diện tích canh tác 70ha tại Bãi Tam (huyện Lý Nhân, Hà Nam). Tuy nhiên, theo đại diện của hợp tác xã này, họ có làm việc với siêu thị để phân phối thực phẩm nhưng hiện vẫn chưa đàm phán xong vì “liên quan tới một số thủ tục, yêu cầu và chiết khấu”. Chính vì thế, đơn vị này đã quyết định thực hiện luôn khâu chế biến thực phẩm thành các bữa ăn để phân phối vào các văn phòng, công ty.

Lựa chọn đưa gạo hữu cơ vào hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, ông Nguyễn Văn Tuân cho biết, các cửa hàng này có hệ thống giám sát riêng. Nhân viên giám sát sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp từ khâu chuẩn bị giống, sản xuất tới thu hoạch để đảm bảo đúng chất lượng sản phẩm như công bố. Đây cũng là cách làm phổ biến của các hệ thống phân phối thực phẩm sạch khi dựa vào uy tín đã xây dựng được với khách hàng. Tuy nhiên, cách làm này được cho là khá thủ công và không đồng bộ giữa các hệ thống.

Khắc phục điều này, ông Nguyễn Huy Minh, Giám đốc điều hành Shunsine Holding cho hay, đơn vị này đã và đang xây dựng một hệ thống điểm bán tích hợp đầu tiên tại Đông Nam Á để phân phối sản phẩm nông nghiệp và dược liệu Việt Nam do nông dân sản xuất, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp xã hội này đang xây dựng bộ tiêu chuẩn Vietfarm để hỗ trợ chứng nhận chất lượng các sản phẩm như gạo của Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới, hỗ trợ hệ thống phân phối, tư vấn thương hiệu… đi cùng với việc phát triển thương hiệu quốc gia “Tự hào Việt Nam” (Pride of Vietnam). Ông Minh cho biết, hiện bộ tiêu chuẩn Vietfarm đang được cơ quan chức năng làm các thủ tục cấp phép. Hiện đã có khoảng 200 doanh nghiệp tìm tới hệ thống điểm bán tích hợp nói trên và có hàng nghìn khách hàng là khách du lịch, người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam chấp nhận sản phẩm phân phối qua hệ thống này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.