Ngày 17/1, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (trực thuộc Bộ GTVT) ký cam kết tiến độ thi công năm 2024 với 4 nhà thầu xây lắp của dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Báo cáo kết quả thực hiện dự án trong năm 2023, ông Bùi Quốc Quân (Giám đốc dự án – Ban QLDA Mỹ Thuận) cho biết tổng sản lượng của 4 nhà thầu thuộc dự án thành phần đạt tỷ lệ 21% tổng giá trị hợp đồng (tương đương 913/4.354 tỷ đồng). Kết quả này chậm 80% so với phấn đấu sản lượng đặt ra.
Trong đó, nhà thầu Tân Nam đạt 23,1% tổng sản lượng, chậm 17% so với kế hoạch được duyệt. VNCN đạt 20% sản lượng, chậm 14%. Tổng công ty 36: sản lượng đạt 18,5%, chậm 16%. Tổng công ty xây dựng số 1 - CC1 đạt 24,7%, chậm 10%.
Khó khăn làm ảnh hưởng tiến độ hiện nay chủ yếu là vướng mặt bằng khu vực cầu Long Sơn và thiếu nguồn vật liệu. Thủ tục cấp phép mỏ tại An Giang còn chậm, còn các mỏ tại Đồng Tháp đã được cấp phép nếu khai thác theo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) sẽ không đảm bảo khối lượng thi công.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay vấn đề nguồn vật liệu đã dần được tháo gỡ. Trữ lượng cát tại Cần Thơ - Cà Mau đã chuẩn bị được 80%. Các đơn vị cần tập trung xử lý vướng mắc, xúc tiến theo kế hoạch.
"Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn của các nhà thầu về vấn đề vật liệu. Song, đơn vị nào không đảm bảo được khối lượng trong năm 2024, cần chủ động đề xuất giảm khối lượng giao lại đơn vị khác để không ảnh hưởng tiến độ chung", lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lưu ý.
Đối với các mỏ cát đã được giao, ông Thi đề nghị trước mắt cần tuân thủ khai thác công suất theo giấy phép. Trường hợp an toàn, các đơn vị có thể tăng mức khai thác nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ, có căn cứ. Còn với nguồn vật liệu đá, đất đắp, các đơn vị cần thống kê rà soát lại, sau đó có cuộc báo cáo, xin ý kiến Chính phủ đến các tỉnh có trữ lượng lớn hỗ trợ theo cơ chế đặc thù.
Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc trên cả nước. Số kilomét cao tốc đã hoàn thành hiện nay xấp xỉ 1.900, như vậy còn 1.100km. Trong số này, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km (tươg đương 10%) kế hoạch. Ông Thi cho rằng đây là vinh dự và là trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án để góp phần cùng toàn ngành hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nhắc nhở từ bài học thực hiện cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các đơn vị rút kinh nghiệm, tiếp tục nỗ lực hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như mục tiêu.
Đại diện 4 nhà thầu cũng có biên bản cam kết đạt mốc tiến độ thi công trong năm nay, theo nhiệm vụ từng đơn vị.
Chiều cùng ngày, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng ký cam kết tiến độ thi công năm 2024 với các nhà thầu thi công dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ông Trần Văn Thi đề nghị các đơn vị tập trung tăng ca kíp, đảm bảo tiến độ ngay từ đầu năm nay. Quá trình thực hiện, các nhà thầu đồng hành, chia sẻ mỏ cát với đơn vị còn khó khăn để đảm bảo mục tiêu, chất lượng chung cho dự án.
Một số hình ảnh qua cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Cần Thơ Hậu Giang:
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, rộng 17m, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng.
Dự án thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3.
Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang dài khoảng 37km (đoạn đi qua TP Cần Thơ 0,6km, đoạn qua Hậu Giang dài 37km), tiêu chuẩn 4 làn xe, nền đường rộng 24m. Giai đoạn một phân kỳ quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Công trình còn có tuyến nối dài khoảng 9,6km, gồm hai đoạn: Từ đường Nam sông Hậu đến nút giao IC2 dài khoảng 2,8km và từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1 khoảng 6,8km. Tuyến nối tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, rộng 12m.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.990 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư trước đó do bổ sung tuyến nối từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1. Kế hoạch hoàn thành vào năm 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận