|
Tại phiên thảo luận tổ về Luật Quy hoạch chiều 23/5 vừa qua, Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) bức xúc thực trạng xây dựng Luật nhưng thiếu đánh giá tác động và lấy dẫn chứng đề xuất đánh thuế Tài sản, dự kiến đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng trở lên. “Trên mạng thì ném đá, nhân dân quần chúng hoang mang, hoảng sợ lo lắng, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng", ông Dũng nói và cho rằng phải kiểm điểm cán bộ tung ra thông tin này.
Vậy đề xuất này từ đâu ra? Và Thuế tài sản tại sao gây bức xúc lớn trong dư luận? Báo Giao thông điểm lại câu chuyện gây tranh cãi này:
Chiều 13/4, Bộ Tài chính bất ngờ tổ chức họp báo về dự án Luật Thuế Tài sản, cho biết, đang cân nhắc lấy ý kiến đánh thuế tài sản với máy bay, ô tô, du thuyền… có giá trị cao, đặc biệt, nhà ở cũng phải chịu thuế tài sản. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, nói: “Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà từ 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng, song chúng tôi nghiêng về phương án đánh thuế nhà từ giá trị 700 triệu đồng trở lên phải chịu thuế”.
|
Thông tin từ Bộ Tài chính ngay lập tức gây dậy sóng dư luận. Các chuyên gia đồng loạt phản ứng với chính sách này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ không đồng ý với cách đánh thuế nhà như trong đề xuất dự thảo, bởi khi đó chẳng ai muốn xây biệt thự và xây nhà có giá trị đặc biệt, dẫn đến kìm hãm sự phát triển thị trường bất động sản gắn liền với đất. Theo ông Võ, thuế đất cần đánh theo giá trị còn thuế nhà phải đánh theo diện tích mới góp phần hạn chế đầu cơ.
|
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng không đồng ý với phương án đánh cả thuế đất lẫn nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Theo ông Hiếu, bất cứ chính sách thuế tài sản nào cũng phải đáp ứng được hai nguyên tắc là hỗ trợ người dân mua nhà ở và công bằng. Nhiều nước chỉ đánh thuế đất, vì người có thu nhập, đã phải đóng thuế thu nhập rồi. Do đó, việc đánh thuế nhà (mua từ thu nhập đã chịu thuế) là đánh thuế kép, thuế chồng thuế.
|
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế tài sản như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ dẫn tới tình trạng tăng giá dây chuyền. Theo đó, người có nhà cho thuê sẽ phải tìm cách tăng giá thuê nhà. Người đi thuê nhà tìm cách nâng giá sản phẩm hay dịch vụ. Khi đó, những người chịu thiệt thòi chính là người tiêu dùng cuối cùng hoặc những người không có nhà phải đi thuê. Cực nhất là dân lao động hoặc sinh viên phải đi thuê nhà. Cuộc sống của số đông người nghèo, khi vật giá leo thang luôn là một thử thách khắc nghiệt.
|
|
Cùng ngày 17/4, phát biểu tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, đề xuất về thuế tài sản mới chỉ là nội dung đưa ra lấy ý kiến Quốc hội chứ chưa “chốt”, Quốc hội mới là cơ quan quyết định.
Bà Ngân cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần chủ động thông tin cho báo chí để thông tin nhiều chiều; giải thích rõ cho dân hiểu những nội dung đưa ra lấy ý kiến… Những phản ứng của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đã được người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe.
Tại cuộc làm việc với MTTQ ngày 17/4, Thủ tướng cho biết: Đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra công khai để lấy ý kiến nhân dân. Đây chưa phải kết luận cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe thêm.
|
Cũng tại phiên họp này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm: “Mới đây báo chí hỏi về thuế tài sản nhưng Uỷ ban Tài chính - Ngân sách không nhận được thông tin gì vì cái này mới ở Bộ Tài chính. Cơ quan quyết định luật và sửa luật chưa có thông tin, chưa thẩm định, chưa tiếp cận mà để thế này sẽ tạo dư luận không ổn khi đưa ra trái chiều với mong muốn của nhân dân”.
|
Ngày 17.4, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Trong quá trình thực thi chính sách, nghiên cứu và đề xuất chính sách thì họ (Bộ Tài chính) có thể đưa ra các phương án, các đề xuất. Nhưng vấn đề ở đây là cách thức thông tin, cách truyền thông điệp ra bên ngoài có gì đó không ổn".
Cũng theo ông Phúc, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và năm 2019 không có dự án luật nào như vậy được Chính phủ và các cơ quan hữu quan đề xuất".
|
|
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, chiều 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa đăng đàn họp báo giãi bày về Thuế Tài sản. Theo ông Dũng, mục tiêu xây dựng luật là để: Tăng cường quản lý Nhà nước về tài sản; Nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất, chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công; Điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người có thu nhập thấp.
|
Cũng liên quan đến nội dung này, tại hội thảo khoa học về dự án sửa đổi một loạt các luật thuế của Bộ Tài chính tổ chức hôm 9/5, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế nêu quan điểm: "Với người này thì hợp lý nhưng với người kia thì bất hợp lý. Nếu các bạn thấy không hợp lý thì các bạn phải chỉ ra cho chúng tôi". Ông Phụng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn cơ hội kinh doanh và có sở hữu tài sản giá trị cao. Vậy nên, chúng ta vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu". Song phát biểu của ông Phụng, một lần nữa gây phản ứng cho dư luận.
|
Sau tất cả, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 22/5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho rằng xét tất cả các yếu tố pháp lý thì việc đặt vấn đề thuế tài sản là đầy đủ. Song, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc bị phản ứng gay gắt là do cách giải thích, tiếp cận của anh em còn chưa tới nơi tới chốn nên tạo dư luận không tốt, thậm chí là bị… ném đá. “Chúng tôi chỉ đưa ra ý kiến rồi bà con cứ góp ý, rồi mình tiếp thu hoàn chỉnh, giải trình rồi mới trình ra. Còn cả một quá trình dài lâu nữa, còn ra Quốc hội nữa. Giả sử có làm được thuế đó bây giờ thì cũng là cho nhiệm kỳ sau đấy chứ không phải là bây giờ", Bộ trưởng phân trần.
Sau khi bị phản ứng, thậm chí “ném đá” - như chính thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, chắc chắn cơ quan này sẽ phải thận trọng khi xây dựng dự án Luật Thuế tài sản trên cơ sở lắng nghe thấu đáo ý kiến của cộng đồng.
Đây cũng là bài học cho các cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng chính sách sao cho tạo được sự đồng thuận, từ đó mới đi vào cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận