|
Bị phản ứng dữ dội về thuế Tài sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa đăng đàn khẳng định, Luật Tài sản, trong đó có chính sách thuế là nhằm mục tiêu điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, sau khi đăng tải bài phỏng vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (ngày 20/4), Báo Giao thông nhận được phản hồi của một số bạn đọc, phản bác quan điểm thuế tài sản không ảnh hưởng đến người nghèo, người có thu nhập thấp.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng tải bài viết của tác giả Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc một công ty in ấn tại TP HCM. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
"Với tình hình ngân hàng “vô can” trong việc mất tiền của khách, hoặc được phép phá sản; đồng tiền trượt giá và bấp bênh, chính sách hỗ trợ cho sản xuất thiếu đồng bộ…, để đảm bảo an toàn tài chính cho gia đình, tôi mua một căn nhà thứ hai ở chung cư, trị giá 2,5 tỷ đồng để cho thuê.
Giả dụ chính sách Thuế tài sản được thực thi, theo cách tính của Bộ Tài chính, mỗi tháng tôi sẽ phải đóng 600.000 đồng/thuế đất/tháng và hơn 700.000 đồng/thuế nhà/năm (xấp xỉ 120.000 đồng/mỗi tháng). Ngoài ra, tôi cũng vẫn phải trả chừng ấy cho căn nhà tôi đang ở (với giả dụ thuế tài sản 2 căn nhà của tôi là tương đương nhau).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, một căn chung cư giá 2,5 tỷ đồng sẽ phải chịu thuế trung bình 120 ngàn đồng/tháng |
Song chắc chắn tôi không bao giờ chịu sự thiệt thòi ấy, mà sẽ đưa tất cả số tiền đó vào giá cho thuê của căn nhà mới. Chưa hết, tôi sẽ cộng thêm 1 khoản phí nho nhỏ (trên dưới 200.000 đồng) để lỡ có phát sinh, đỡ phải ăn nói nhiều lời với khách thuê. Như vậy, số tiền “phụ trội” sẽ xấp xỉ 500.000 đồng. Chính phủ tìm cách tận thu, chẳng lẽ tôi lại ngồi im chịu thiệt hay làm không công để thu thuế dùm?
Bình thường, giá cho thuê nhà của tôi là 5 triệu đồng/tháng, sau khi thêm vào các khoản thuế phí phát sinh như trên, nhà tôi cho thuê sẽ phải tăng ít nhất lên 5,5 triệu đồng/tháng (tăng 10%).
Người đi thuê nhà bị tăng thêm 500 ngàn đồng họ cũng không chịu khoanh tay. Họ tìm cách gỡ lại số tiền ấy. Nếu thuê để bán hàng, họ sẽ tìm cách nâng giá sản phẩm hay dịch vụ. Khi đó, những người chịu thiệt thòi chính là người tiêu dùng cuối cùng hoặc những người không có nhà cho thuê. Cực nhất là dân lao động hoặc sinh viên phải đi thuê nhà. Cuộc sống của số đông người nghèo, khi vật giá leo thang luôn là một thử thách khắc nghiệt.
Trong bối cảnh vật giá leo thang, cuộc sống của người lao động thu nhập thấp luôn là thử thách khắc nghiệt |
Khi một sản phẩm bị tăng giá mà sản phẩm ấy không có thêm công năng sử dụng hay được tích hợp công nghệ mới trong đó, tức là nó vẫn chẳng có gì khác, ta nghĩ ngay tới sự mất giá của đồng tiền. 10 gói dầu gội đầu trước mua chỉ 50.000 đồng, giờ phải trả 55.000 đồng, trong khi đó lương không tăng. Khi ấy, người dân đã bị “móc túi” 5.000 đồng. Sức mua của đồng tiền dần yếu đi.
Chính phủ không chú trọng tới khoa học & công nghệ, không ưu tiên và thúc đẩy được sản xuất, không tạo được giá trị thặng dư cho sản phẩm nhờ vào công nghệ mới. Vẫn những thứ hàng hoá loanh quanh như vậy, thuế tăng chỉ có lạm phát nhiều hơn mà thôi.
Như vậy, nói “thu thuế tài sản không ảnh hưởng tới người nghèo” trong trường hợp này hoàn toàn không đúng.
Thuế không phải công cụ hữu hiệu để bù đắp thâm hụt ngân sách của các quốc gia nghèo. Nó chỉ đem lại sự trượt giá của đồng tiền và mâu thuẫn lợi ích ngày một tăng giữa người dân và chính phủ.
“Con đường” nào cho tăng trưởng kinh tế? Theo tôi, đó là Chính phủ nên bắt tay mạnh mẽ và chặt chẽ với các cường quốc về công nghệ trên thế giới. Khi đó, ta sẽ học tập được nhiều điều và sẽ được họ ưu tiên đào tạo và chuyển giao công nghệ ở một số lĩnh vực nền tảng cơ bản trong công nghiệp. Nhật, Hàn, Singapore, Đài Loan,... họ đã làm được điều này và đưa đất nước của họ vươn lên.
Người có nhà cho thuê sẽ tìm mọi cách tăng nguồn thu để bù vào thuế, như là tăng giá thuê nhà (ảnh minh hoạ) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận