Mừng được tăng lương lại lo đóng thuế
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (52,8 triệu đồng/người phụ thuộc/năm). Như vậy, đối với một công chức chưa có người phụ thuộc, nếu có mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Lương cơ sở tăng, đồng nghĩa tổng thu nhập của công chức sẽ tăng. Chia sẻ với Báo Giao thông, chị Nguyễn Hạnh, một công chức ở Hà Nội cho biết, trước thời điểm lương cơ sở tăng chị có tổng mức thu nhập là 13 triệu đồng/tháng. "Nhờ" có một người phụ thuộc là con, nên với mức thu nhập trên, chị không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, sau khi lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7/2024, mức thu nhập của chị sẽ tăng lên, ở mức 17 triệu đồng/tháng. Như vậy, chị phải chịu thuế thu nhập cá nhân sau khi trừ đi 11 triệu đồng giảm trừ gia cảnh của bản thân và 4,4 triệu đồng giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc. "Như vậy, việc tăng lương của tôi cũng không có ý nghĩa thực chất. Bởi ngoài việc phải đóng thuế, tôi còn phải tăng chi cho một loạt hàng hóa, sản phẩm tăng giá theo lương", chị Hạnh nói.
Anh Nguyễn Thanh Bình (Hoài Đức, Hà Nội) cũng chung băn khoăn về việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân sau khi tăng lương, cộng thêm khoản chi phí phát sinh do giá cả tăng giá.
"Chi phí nuôi một con nhỏ thực tế đã vượt xa con số 4,4 triệu đồng từ lâu. Do vậy, tôi cho rằng, nếu tăng lương cơ sở thì phải đi cùng với tăng mức giảm trừ gia cảnh thì mới có ý nghĩa. Có ý kiến đề nghị tăng mức giảm trừ tương đương với mức tăng lương cơ sở, tức ít nhất là 30% so với hiện nay", anh Bình kiến nghị.
Mức giảm trừ gia cảnh càng thêm lạc hậu
Trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân từ lâu đã không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu lại càng lạc hậu hơn khi lương cơ bản chính thức tăng.
Bên cạnh đó, cách tính mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng suốt từ năm 2020 đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng khi tăng lương cơ sở cũng là yếu tố tác động đến việc phải giảm trừ gia cảnh bởi nguyên tắc tiền lương được tính trên giá cả sức lao động và được hình thành trên cơ sở giá trị của sức lao động thông qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người có sức lao động.
"Mục tiêu của việc tăng lương là nhằm nâng mức sống của lao động. Mà khi mức sống tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân cũng phải tăng lên. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta cần thúc đẩy điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân", ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay, thuế thu nhập cá nhân có nhiều bất cập, vấn đề này đã được đề cập từ vài năm nay. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh (11 triệu đồng/người có thu nhập và 4,4 triệu đồng/người ăn theo) là quá thấp trong điều kiện nhu cầu đời sống ngày càng cao, thu nhập ngày càng tăng.
"Nếu chúng ta không điều chỉnh việc đó (thuế TNCN - PV) mà chỉ tăng lương 30% thì việc tăng lương không có ý nghĩa với người làm công ăn lương", ông Long nói và nhấn mạnh, việc điều chỉnh sớm bao nhiêu càng có ý nghĩa bấy nhiêu. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy người lao động làm việc thêm trách nhiệm, hiệu quả.
Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân: Phải chờ đúng lộ trình
Trước băn khoăn này của người lao động, ông Trương Bá Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính lý giải: Luật hiện hành quy định trong trường hợp CPI biến động 20% so với lần điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Tuy nhiên, qua dõi biến động CPI từ 2020 đến nay thì biến động chỉ số CPI chưa đến mức 20%.
Trước diễn biến của bối cảnh mới, ông Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến chỉ số giá, căn cứ vào quy định đã được nêu tại Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành và sẽ có phương án trong trường hợp biến động theo quy định.
Bên cạnh đó, trong 2024, sẽ tập trung sửa đổi 3 luật thuế là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Còn đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân đến năm 2025 sẽ sửa đổi theo đúng lộ trình được được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận