"Sao con anh sốt muộn thế, sốt sớm có phải thuốc rẻ không (?!)”.
Trước tình hình dịch cúm A diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đổ xô đi mua thuốc điều trị cúm A Tamiflu, khiến giá thuốc “nhảy múa” tăng gấp 4-5 lần. Chị Vũ Dung (Hà Đông, HN) chia sẻ: “Con mình mới mắc cúm A hôm qua, lùng sục khắp nơi mới mua được Tamiflu với giá 105 nghìn đồng/viên ở tiệm thuốc gần nhà. Trước đó có người bạn chỉ ra nhà thuốc ở Vũ Tông Phan, thuốc ở đây bán tới 1.5 triệu đồng/vỉ (bán theo vỉ 10 viên)”.
Chị Nguyễn Ngọc Huyền (Thanh Xuân, HN) bức xúc: “Mới ngày thứ 7 mình còn mua được vỉ thuốc Tamiflu với giá 700 nghìn đồng, nhưng sáng nay ra hỏi mua hộ thì đã được báo với giá 1.2 triệu đồng/vỉ, chiều giá lại tiếp tục đội cao lên thêm 400 nghìn đồng/vỉ. Bệnh thì lan tràn mà giá thuốc thì cứ leo thang, quá mệt mỏi”.
Anh Lê Phương (Giảng Võ, Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện “cười ra nước mắt":: “Đêm qua cu Khoai nhà em sốt. Nghe đồn đang có dịch cúm A nên nhà em chạy xuống hiệu thuốc hỏi mua hộp thuốc Tamiflu. Chị dược sĩ báo giá 600 nghìn đồng/hộp nhưng mai mới có hàng. Sáng nay sốt ruột quá xuống sớm chị ấy bảo bây giờ 2 triệu đồng/hộp cơ, anh có mua không? Mà sao con anh sốt muộn thế. Sốt sớm có phải thuốc rẻ không (?)”.
Khảo sát của PV Báo Giao thông sáng 18/12 cho thấy, một số nhà thuốc tại khu vực quận Hai Bà Trưng báo không có thuốc Tamiflu; Nếu có hàng, giá cũng rất cao. Tại hàng thuốc trên phố Trần Xuân Soạn, dược sĩ nơi đây cho biết: "Giá cao đấy, 1.8 triệu đồng/vỉ, vì loại này nhập khẩu từ Ý. Nhưng thuốc cũng không có sẵn tại cửa hàng, nếu muốn mua thì đặt cọc chiều quay lại lấy".
Trong khi đó, giá thuốc Tamiflu bán theo đơn bác sĩ kê trong các bệnh viện chỉ có giá 48 nghìn đồng/viên.
Trao đối với PV Báo Giao thông, TS. BS Ðỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TW cho biết: Thời tiết Đông Xuân tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus cúm gây bệnh phát triển thành dịch bệnh. Bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều, nhất là hai tuần trở lại đây. Mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhi đến khám với các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm.
Tính trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của BV Nhi TW tiếp nhận 15-20 ca mắc mới. Đó là những trường hợp trẻ nhỏ bị cúm nặng, có biến chứng hoặc trên nền bệnh mãn tính khác. Còn các trường hợp lớn hơn, xét nghiệm có mắc cúm A hầu hết đều được bác sĩ cho điều trị tại nhà.
Còn tại BV Thanh Nhàn, các bác sĩ cho hay số trẻ nhập viện mỗi ngày gần đây ước chừn 100 ca trong khi ngày thường khoa nhi chỉ tiếp nhận khám 40-50 ca bệnh/ngày. Thời điểm hiện nay, bệnh nhi đi khám và nhập viện chủ yếu là do cúm A. Trẻ mắc cúm thường sốt cao 39-40 độ C, nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Bác sĩ khuyến cáo gì về việc dùng thuốc Tamiflu?
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.
Theo BS. Hải, thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi, trẻ nhỏ mắc cúm A trên nền bệnh nặng, chứ không phải cứ mắc cúm A là dùng loại thuốc này. Đặc biệt thuốc chỉ có tác dụng khi được bác sĩ chỉ định dùng trong thời gian 24h ngay sau khi sốt, phát hiện mắc cúm A.
“Việc mọi người lùng sục đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết, bởi 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi với việc điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị”, ông Hải khuyến cáo.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc...
Để phòng bệnh cúm, mọi người cần đảm bảo vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang khi đến chốn đông người. Bên cạnh đó nên tiêm phòng cúm A hàng năm, đặc biệt là cho trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận