Thời sự

Thương mại GMS cần vượt qua thách thức cách mạng 4.0

30/03/2018, 13:57

Các nước GMS cần vượt qua thách thức của cuộc cách mạng 4.0 để thúc đẩy thương mại phát triển.

phien-hop-hoi-dong-kinh-doanh-GMS.

Các diễn giả tham gia thảo luận về chủ đề: "Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS". Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10 đang diễn ra tại Hà Nội, hôm nay (30/3), Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS thu hút nhiều đại biểu tham dự.

Tại phiên họp dành cho các doanh nghiệp sáng nay, nhiều diễn giả, doanh nghiệp đến từ các nước đã thảo luận, tham gia nhiều ý kiến về tình trạng hội nhập kinh tế GMS, đâu là thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS. Cùng đó, các đại diện nữ doanh nhân, nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia thành viên GMS quan tâm thảo luận về các mô hình kinh doanh mới, sử dụng công nghệ để thay đổi tổng quan cạnh tranh kinh doanh.

Đặc biệt, chủ đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất là kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tư nhân GMS trong giai đoạn 2018–2020; Khu vực kinh tế tư nhân với tầm nhìn phát triển cho GMS trong thập niên thứ ba và các chương trình được tổ chức bởi khu vực tư nhân do hội đồng doanh nghiệp GMS (GMS-BC) tiến hành. Tại các phiên họp này, lãnh đạo, quan chức cao cấp chính phủ các nước đã có bài phát biểu quan trọng.

Trong bài phát biều khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực. "Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thành thức đổi mới GMS đều rất lớn", ông Lộc nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Việt Nam Nguyễn Chí Dũng nhận định, chặng đường 25 năm hợp tác và phát triển của các quốc gia tiểu vùng sông Mê-Kông mở rộng, những nét tương đồng về văn hóa đã gắn bó các nước sông Mê-Kông trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này là cơ sở đưa sự hợp tác về kinh tế trở thành bước phát triển tất yếu của các quốc gia trong khu vực.

"Trong một thập kỷ gần đây, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến, các quốc gia phải gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực. Đúng như tầm nhìn hợp tác đã đề ra, đó là “thịnh vượng, hội nhập và hài hòa" trên cơ sở trụ cột “3 C” là Kết nối (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness) và Cộng đồng (Community)”", ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, có rất nhiều thách thức phải đối mặt. Trong đó, sự phát triển của những công nghệ mang tính nền tảng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực phải thực sự nhạy bén để tiếp cận, khai thác và đưa vào ứng dụng những thành tựu công nghệ mới. Bên cạnh đó là những biến động về môi trường, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn nhân lực con người, yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng vẫn còn gặp nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục, thể trạng, y tế, là những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn lực này…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.