Trong một thông báo công bố ngày 10/7, theo giờ Litva, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết: “Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt và sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan này để đảm bảo phê chuẩn”.
Ông Stoltenberg ca ngợi đây là “bước đi lịch sử” nhưng không nêu thời điểm cụ thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Với Phần Lan, quá trình Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh kéo dài khoảng hai tuần.
Ông Stoltenberg đưa ra phát biểu trên sau khi tham gia cuộc họp kéo dài hàng giờ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào đêm trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Vilnius, Litva.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp tại Vilnius, Litva ngày 10/7 (Ảnh: EPA-EFE).
Sau cuộc họp giữa Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Kristersson, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã ra tuyên bố chung.
Về phía Thụy Điển, Thủ tướng Kristersson cho rằng “đây là ngày tốt lành với Thụy Điển”, thể hiện “bước tiến lớn” hướng tới việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu.
Để đạt thỏa thuận với Ankara, Stockholm tái khẳng định không hỗ trợ các nhóm ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như tích cực hỗ trợ nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng EU nên mở đường cho Ankara gia nhập liên minh trước khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Thụy Điển đã cùng Phần Lan đệ đơn xin gia nhập NATO, kết thúc chính sách không liên kết về quân sự trong nhiều thập kỷ từ tháng 5/2022. Trong khi Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên mới của NATO từ tháng 4 vừa qua, Thụy Điển vẫn giậm chân tại chỗ do Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa chấp thuận đơn xin gia nhập liên minh của nước này.
Theo quy định của liên minh, đơn xin gia nhập NATO phải được tất cả thành viên của liên minh chấp thuận. Mãi đến đầu tháng 7, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới thông báo Budapest sẽ không ngăn cản việc Thụy Điển gia nhập NATO. Như vậy chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ là rào cản cuối cùng.
Sở dĩ Ankara chần chừ vì nước này cáo buộc Thụy Điển chưa hành động quyết liệt để chống lại các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ coi là tổ chức khủng bố.
Với động thái mới nhất khi Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO vào ngày 10/7, rào cản cuối cùng cản trở đất nước Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự đã được loại bỏ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", ông Biden nói.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Litva, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào tối 11/7.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận