"Cha đẻ" Vision Zero
Ước tính trên toàn cầu, mỗi năm có 1,2 triệu người bị cướp đi sinh mạng do va chạm giao thông, hàng triệu người khác phải chịu chấn thương.
Mặc dù số người tử vong đã giảm nhẹ trong 13 năm qua, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến độ vẫn chậm và không đạt được mục tiêu.
Với thế giới, sự thay đổi của Thụy Điển là điều kỳ diệu, để lại bài học quý giá.
Theo hãng tin BBC, người đóng góp cho công cuộc này tại Thụy Điển chính là ông Claes Tingvall, "cha đẻ" của chiến lược Tầm nhìn không người thiệt mạng vì TNGT - Vision Zero.
Ông nảy ra ý tưởng vào năm 1995, khi là người đứng đầu cơ quan an toàn đường bộ của Cục Đường bộ Thụy Điển.
Không giống các lãnh đạo khác của Cục Đường bộ Thụy Điển, đi lên từ hàng ngũ kỹ sư hay viên chức giao thông đường bộ, ông Tingvall có nền tảng y khoa, có bằng tiến sĩ về dịch tễ học.
Ở thời điểm những năm 1990, các biện pháp an toàn đường bộ trên thế giới tập trung vào giải pháp công nghệ như dây an toàn, ghế ô tô cho trẻ em và túi khí nhưng lại ít chú ý đến yếu tố bên ngoài, như cột điện bê tông, kết cấu đường…
Nhận thấy cách tiếp cận này chưa đủ, ông Tingvall cho rằng, để giảm thiểu thương vong, cần tính đến mức độ xe chạy quá tốc độ, môi trường xây dựng trên đường phố và nhiều biến số khác như tình trạng đường sá, hành vi của người lái xe cũng như các tính năng an toàn trên xe.
Cách tiếp cận mang tính hệ thống này không phải là mới đối với các chuyên gia về an toàn giao thông nhưng khác với cách các quan chức nhìn nhận vụ những va chạm trên đường. Bởi trước đó, họ chủ yếu nhìn qua lăng kính hình sự, quy trách nhiệm người lái. Còn ông Tingvall cho rằng cơ quan quản lý cũng có một phần trách nhiệm.
Vision Zero là gì?
Chiến lược "Vision Zero" hình thành trong cuộc gặp với bà Ines Uusmann, thời điểm đó là Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Thụy Điển. Bà Uusmann đã đặt câu hỏi rất đơn giản: "Chúng ta nên đặt mục tiêu dài hạn giảm còn bao nhiêu ca tử vong tại Thụy Điển?".
Ông Tingvall đáp ngắn gọn: "Số 0" và đây chính là khởi đầu của một cách tiếp cận về an toàn đường bộ được gọi là "Tầm nhìn không người thiệt mạng vì TNGT – Vision Zero".
Với sự ủng hộ của bà Uusmann, chiến lược Vision Zero nhanh chóng thu hút sự chú ý dù với nhiều người, mục tiêu không có ca tử vong trên đường bộ dường như là không tưởng.
Ngày 22/5/1997, Chính phủ Thụy Điển đã trình dự luật Tầm nhìn không người thiệt mạng vì TNGT lên Quốc hội.
Dự luật có thêm điều khoản buộc các nhà hoạch định giao thông có trách nhiệm bảo trì hệ thống đường bộ. Các nhà thiết kế hệ thống đường bộ phải thực hiện thêm các biện pháp khác để ngăn nguy cơ tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng phòng trường hợp người tham gia giao thông thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc vì những lý do khác.
Đồng nghĩa, những con đường được tạo ra có thể bao quát cả nguy cơ khi có người mắc lỗi, kể cả người lái xe có mất tập trung hoặc vượt quá giới hạn tốc độ.
Khi xảy ra tai nạn giao thông, bên cạnh điều tra nguyên nhân, cần tiến hành điều tra nội bộ tất cả các vụ va chạm giao thông gây tử vong. Kết quả cho thấy đa phần nạn nhân không phải là người lái xe say rượu, vô trách nhiệm mà phần lớn là những người mắc lỗi nhỏ.
Do đó, thay vì chỉ thay đổi hành vi của người lái xe, ông Tingvall chuyển trọng tâm sang điều chỉnh tính năng an toàn trên phương tiện và kết cấu đường bộ để phù hợp với thói quen, đặc điểm của người lái xe.
Giảm mạnh số người thiệt mạng
Để chứng minh tầm nhìn, ông Tingvall cùng các cộng sự đã chọn một đoạn đường cao tốc E4 nổi tiếng vì TNGT ở phía bắc thành phố Gävle để thử nghiệm. Nơi đây từng có 21 người thiệt mạng trong 8 năm với nhiều nguyên nhân như va chạm trực diện, do tài xế ngủ gật hoặc mất lái.
Ông Tingvall đề xuất sử dụng đoạn này để thử nghiệm đặt hàng rào ở giữa, dọc theo con đường, làm bằng dây cáp thép. Ngoài ra, cho phép ô tô có thể vượt trên những đoạn bổ sung thêm làn thứ hai - đường được gọi là đường "2+1". Tức là, ngoài hai làn lưu thông một chiều, sau vài km sẽ có thêm một làn cho phép các phương tiện di chuyển nhanh vượt qua những phương tiện chạy chậm hơn.
Ông Tingvall nhớ lại: "Lúc đó, nhiều người chỉ trích tôi ngu ngốc vì người tham gia giao thông vẫn có thể đâm vào hàng rào đó". Ông đã tham vấn người dân sống gần đường và kết quả cho thấy chỉ 0,3% người được hỏi tin đó là ý tưởng hay. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì thực hiện.
Sau vài tuần, đoạn đường này xảy ra vụ tai nạn đầu tiên nhưng may mắn không nghiêm trọng nhờ có hàng rào ở giữa, giúp phương tiện không lao sang dòng xe cộ đang đi ngược chiều.
Trong vòng 6 tháng kể từ khi thử nghiệm E4, cơ quan Quản lý Giao thông Vận tải Thụy Điển nhận thấy phần lớn người dân Thụy Điển đồng tình nên có rào chắn ở dải phân cách trên đường và cần mở rộng ra khắp mạng lưới đường nông thôn.
Nghiên cứu chỉ ra sau khi được lắp đặt, những con đường "2+1" đã giảm một nửa số người thiệt mạng và bị thương nặng, ước tính cứu được hơn 1.000 người.
Hơn nữa, các tuyến đường được thiết kế phải tách biệt hoàn toàn giữa ô tô và người đi bộ để tránh xảy ra va chạm hoặc phương tiện phải giảm tốc độ. Tại các con đường trong thành phố, tốc độ được giới hạn dưới 32km/h. Ở khu vực không có vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường, các phương tiện chỉ được lưu thông tối đa 10km/h.
Bên cạnh đó, nhiều ngã tư lắp màn hình lớn thông báo có bao nhiêu người đi bộ đang chuẩn bị qua đường, số người đang đi qua, sau khi người đi bộ qua hết thì màn hình sẽ chuyển tín hiệu.
Kể từ năm 2000 số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Thụy Điển giảm đáng kể. Năm 2012, chỉ có một trường hợp trẻ em dưới 7 tuổi chết vì tai nạn giao thông (con số này là 58 vào năm 1970). Năm 2022, có 227 người chết vì tai nạn giao thông, giảm hơn 60% so với năm 2000, trong khi số lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng gấp nhiều lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận