Xã hội

Thuyền trưởng tàu cá được 3 đời Chủ tịch Đà Nẵng khen

31/01/2017, 18:19

Thuyền trưởng Chiến sở hữu bảng thành tích đồ sộ, được Thủ tướng và 3 đời Chủ tịch Đà Nẵng tặng bằng khen...

65

Thuyền trưởng Lê Văn Chiến trên con tàu lưới vây nổi tiếng của mình

Gắn đời mình với những hành trình mở biển ngang dọc Hoàng Sa, Trường Sa, thuyền trưởng Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) sở hữu bảng thành tích đồ sộ, được Thủ tướng và 3 đời Chủ tịch Đà Nẵng tặng bằng khen, trở thành “công dân tiêu biểu của thành phố”.

“Cứu tinh” của bạn tàu

50 tuổi, thuyền trưởng Chiến toát lên vẻ can trường, rắn rỏi sau dáng người không cao lớn. Làn da rám nắng, giọng ông lúc nào cũng hào sảng, đĩnh đạc, hướng dẫn các ngư dân đang tất bật sửa soạn chuẩn bị vươn khơi đón lộc biển dịp Tết Âm lịch. Ông Chiến bảo: Đây là chuyến biển đặc biệt nhất bởi nó là chuyến khởi hành cuối năm nhưng nối giữa Tết Dương và Âm lịch. Công việc tất bật nên hầu như ở luôn trên tàu từ sáng đến tối mịt mới về nhà.

Tên tuổi thuyền trưởng Chiến không còn xa lạ với bất kỳ ngư dân nào của Đà Nẵng. Không chỉ bởi thành tích làm giàu từ biển mà qua những lần ông can trường, tận tâm tham gia cứu nạn, “đóng” tên mình trên ngư trường Hoàng Sa.

Ngư dân Lê Văn Chiến sở hữu bộ sưu tập phần thưởng đồ sộ với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân năm 2014, Bằng khen của Bộ Tư lệnh Biên phòng Đà Nẵng năm 2014. Đặc biệt, ông Chiến vinh dự được 3 đời Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen cho “Ngư dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Cuối năm 2016, ông Chiến cũng lọt danh sách 29 ứng viên được đề cử bình chọn 20 công dân tiêu biểu Đà Nẵng (kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương). 

Ông Chiến nhớ như in lần tham gia cứu tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển trong vụ “dàn khoan HD981” (năm 2014). Ông kể: Thời điểm đó, chúng tôi liên tục bị xua đuổi ra xa giàn khoan. Khi ở cách giàn khoan 17 hải lý về phía Nam Tây Nam, một tàu Trung Quốc bất ngờ rượt đuổi tàu 90152 rồi một tàu khác tăng tốc đâm thẳng vào mạn trái khiến tàu vỡ vụn, tiếng la hét vang khắp biển. Bất chấp nguy hiểm, ông Chiến cùng 8 tàu cá khác tiến lại bảo vệ tàu bị đâm, thả thúng chai xuống vớt ngư dân rơi xuống biển, đồng thời ném dây qua tàu 90152 để lai dắt. Cả chục tàu Trung Quốc vây quanh đoàn tàu cá của ông Chiến như để uy hiếp.

Thương hiệu “Chiến cứu nạn” với ông được đánh dấu từ lần cứu 17 ngư dân tàu câu mực bị nổ bình ga. 3h sáng một ngày giữa năm 2007, ông Chiến đang ngủ thì nghe tiếng kêu cứu. Vội nhìn về hướng Đông Nam, ông Chiến hoảng hốt thấy ngọn lửa bốc lên dữ dội ở khoảng cách 12 hải lý. Ông gọi cả tàu, vội nổ máy trực chỉ về đám lửa. Vừa tiếp cận hiện trường, thuyền trưởng Chiến chỉ đạo anh em bật hết đèn pin rọi khắp mặt nước, đề nghị anh em nhảy xuống biển ứng cứu. Các thuyền viên tàu ông Chiến vớt được 16 người, trong đó có một người bỏng nặng, một người khác gãy chân rất nguy kịch. Vừa tổ chức sơ cứu, ông Chiến vừa hướng dẫn tìm nốt người còn lại đang mất tích nhưng càng lúc càng vô vọng. Đối diện tình huống đó, vị thuyền trưởng quyết định chuyển hướng về bờ, bàn giao hai người bị thương để cấp cứu kịp thời, bảo toàn được tính mạng. Khoảng 10 ngày sau, thi thể ngư dân mất tích quấn vào lưới của một tàu cá và được đưa về mai táng.

Làm giàu từ biển

37 năm đi biển, ông Chiến có 29 năm làm thuyền trưởng. Từ làm thuê cho tàu cá các địa phương, năm 1996, ông Chiến “làm quả liều” hùn vốn với người bạn đóng chung con tàu có giá trị đến 75 cây vàng. Năm 2006, người đàn ông này quyết định bán tàu, dồn tiền đóng con tàu lưới vây 500CV thuộc diện khủng nhất Đà Nẵng ngày ấy. Đến nay đã 10 năm, tàu ĐNa 90351 Ts của ông vẫn vững chãi qua hàng loạt cơn bão.

Bằng những chiến tích của mình, từ năm 2011, ông Chiến được bầu làm Ủy viên BCH Hội Nông dân quận Thanh Khê; Chi hội phó Chi hội Đánh bắt xa bờ quận Thanh Khê, đồng thời là Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Xuân Hà. Cùng con tàu ĐNa 90351 Ts, vị thuyền trưởng U50 tạo công ăn việc làm cho 11 lao động khác trên tàu với thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng. Con tàu lưới vây dài 21m, rộng 6,5m do ông Chiến cầm lái liên tục xuất hiện tại ngư trường Hoàng Sa. Thậm chí có lúc ông cho tàu ra đến 400 hải lý, phía Đông Hoàng Sa để đánh bắt, thu lợi mỗi năm đến 500 triệu đồng sau khi trừ hết phí tổn và chi trả đầy đủ cho lao động trên tàu.

Vẫn đau đáu nghiệp biển

Hít điếu thuốc lẫn hơi mặn mòi cửa biển, ông Chiến suy tư: Nghề biển ngày càng khó, thiên tai nhiều mà nhân tai cũng lắm. Tôi chỉ sợ người ta bỏ biển, không còn những đội tàu hùng hậu như bây giờ nữa.

Theo ông, mỗi lúc thiếu lao động, ông phải tự lặn lội vào Quảng Nam tìm người vì ở Đà Nẵng giờ rất thiếu ngư dân chịu đi tàu xa bờ. “Nghề biển lúc dư dả, lúc bấp bênh. Tìm người không thân cận với mình thì không biết bỏ đi lúc nào, người bên mình thì cũng đến tuổi hết rồi, không còn bám trụ được bao lâu nữa. Tôi sau này chắc cũng giao tàu lại cho em trai cầm lái”, ông Chiến tâm sự.

Theo ông Lê Văn Bình (SN 1972, em ruột ông Chiến) đi chung tàu ĐNa 90351 Ts, ông Chiến luôn máu lửa với nghề, tuy đôi lúc cũng gặp khó nhưng chưa bao giờ có ý bỏ biển dù bất cứ giá nào. Thật vậy, cứ hễ sóng yên biển lặng, ông Chiến và hàng nghìn ngư dân khác vẫn vươn khơi, giữ vững ngư trường truyền thống bao đời của cha ông. Như chính lời “lão ngư” nổi tiếng này lặp đi lặp lại: “Ở nhà lâu nhớ biển lắm. Bởi biển là “bà đỡ”, là ân nhân. Chỉ cần biết nắm lấy thời cơ, ngư dân sẽ giàu mạnh nhờ biển”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.