Ông Võ Hồng Khánh, Đại diện Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến nhiều thuyền viên Việt Nam rơi vào cảnh “đói việc”.
“Theo quy định, thời gian đi tàu của thuyền viên khoảng 10-12 tháng, tốp này hết hạn sẽ vào bờ chuyển giao tốp khác lên tàu tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tất cả các tàu biển đi qua cảng của các quốc gia có dịch khi đến Việt Nam đều phải neo đậu, cách ly 14 ngày tại cảng. Sau khoảng thời gian này nếu thuyền viên không có dấu hiệu nghi nhiễm thì việc thay thế thuyền viên mới được tiến hành.
Thời gian cách ly kéo dài, nhiều chủ tàu chọn phương án tiếp tục gia hạn hợp đồng với các thuyền viên hết hạn đi tàu trong năm để không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tàu. Việc này khiến không ít thuyền viên mất cơ hội đi tàu sau khi đã nghỉ trên bờ 2-4 tháng”, ông Khánh cho hay.
Cũng theo ông Khánh, dù dịch Covid-19 khiến sản lượng vận tải bằng đường biển sụt giảm, song, hiện tại, mức lương của thuyền viên vẫn được đảm bảo như thời điểm trước dịch.
Trong đó, thuyền viên Việt Nam đi “đánh thuê” cho tàu nước ngoài đang có mức lương chức danh Phó 2 khoảng 2.200 USD/tháng, Phó 3 là 2.000 USD/tháng. Trên tàu biển Trung Quốc, chủ tàu hiện cũng trả cho chức danh Phó 2 là 1.800 USD/tháng và 1.600 USD/tháng cho chức danh Phó 3.
Đối với thủy thủ có kinh nghiệm, hầu hết các chủ tàu đang trả từ 800 - 900 USD/tháng. Tại Việt Nam, các chủ tàu cũng đang trả lương thủy thủ AB với mức từ 10-12 triệu/tháng.
“Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, doanh thu bị thiệt hại nặng nề, chủ tàu sẽ khó đáp ứng được kỳ vọng nâng lương (khoảng 10-15%) của thuyền viên trong thời gian tới”, ông Khánh nói.
Trong khi đó, theo anh Trần Văn Nam, một thuyền viên tàu VR-SB hoạt động tại khu vực miền Trung, thời gian gần đây, số lượng tàu tham gia vận tải biển trong nước nhiều (do một số tàu chạy tuyến Đông Nam Á “đói hàng” quay về hoạt động tại thị trường nội địa), tàu SB vừa bị cạnh tranh nguồn hàng, vừa bị chậm chuyến, năng suất khai thác giảm nên lương thuyền viên đã bắt đầu giảm lương.
“Bản thân tôi với chức danh thợ máy, mức lương đã giảm từ 14 triệu xuống 13 triệu trong tháng vừa qua”, anh Nam nói và cho biết, bạn bè tại một số doanh nghiệp vận tải VR-SB khác ở Hải Phòng còn đang đối diện với nguy cơ nợ lương do tàu nằm hơn 40 ngày không có hàng chạy.
Tìm hiểu của PV, được biết, để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đã đồng ý gia hạn hợp đồng lao động của thuyền viên trong một tháng để giảm thiểu các vấn đề xung quanh việc thay đổi thuyền viên.
Theo đó, ITF quyết định trong khoảng thời gian từ 17/3 đến 16/4/2020, Liên đoàn sẽ không phản đối việc gia hạn hợp đồng lao động của thuyền viên lên đến một tháng, ngay cả khi việc gia hạn này đẩy thời gian phục vụ của thuyền viên vượt quá mức cho phép tối đa theo thỏa ước lao động tập thể đã được phê chuẩn của ITF hoặc Công ước Lao động hàng hải (MLC).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận