Xã hội

Tịch thu xe vô chủ sau 30 ngày có khả thi?

19/02/2020, 06:52

Tình trạng chung hiện nay, nhiều xe có giá trị thấp, xe cũ, trong khi mức phạt cao nên người vi phạm không đến giải quyết đóng phạt mà bỏ luôn.

img
Nhiều phương tiện bị bỏ lại tại bãi tạm giữ xe số 130 Linh Đường, Hà Nội từ năm 2013 mà chủ xe không đến giải quyết (Chụp chiều 17/2). Ảnh: Văn Huế

Các bãi trông giữ phương tiện vi phạm ngày càng quá tải, đặc biệt là sau khi Nghị định 100 có hiệu lực. Trong số đó, có những chiếc xe đã nằm bãi rất lâu, biến thành khối sắt vụn hoen gỉ. Vậy có nên tịch thu, đấu giá những chiếc xe này nếu chủ xe không đến nhận sau 30 ngày, thay vì một năm như quy định hiện nay để tránh lãng phí?

Hàng nghìn xe vô chủ thành sắt vụn

Ngày 17/2, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại bãi trông giữ phương tiện vi phạm ở 34 Linh Đường (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho thấy, các phương tiện ô tô, xe máy, xe ba bánh xếp ken chật kín, bụi phủ mờ. Nhiều xe máy nằm lâu cỏ mọc lút yên xe. Ông Phạm Mạnh Hải, người trông giữ bãi xe cho hay, các phương tiện mới vi phạm thì nằm ở khu vực có mái che, còn phương tiện lâu không xử lý thì do hết chỗ, phải nằm ngoài trời. “Gần hai tháng nay, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, tăng mức phạt, lượng phương tiện về nhiều hơn, chẳng còn chỗ mà giữ”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Thương mại Ngọc Diệp, chủ bãi xe 34 Linh Đường cho hay, thực tế trong bãi có những xe ba bánh, xe xích lô nằm ở bãi từ năm 2015 - 2016, có những xe ô tô nằm bãi từ năm 2013. Hiện, 2 bãi xe ở Linh Đường và ở Nam Trung Yên dành trông giữ xe vi phạm giao thông của công ty đang có gần 3.000 xe tồn, trong đó có hơn 40 ô tô.

Tại tỉnh Hải Dương, đại diện lãnh đạo Đội CSGT TP Hải Dương cũng cho biết: “Tại kho bãi Đội thuê chứa xe bị tạm giữ, có những chiếc xe đã ở đây tới vài năm, chủ nhân chắc chắn không nhận lại bởi tới nay, giá trị của xe chỉ tính như sắt vụn. Nếu chủ xe nhận lại thì tiền trả phí lưu kho còn nhiều hơn giá trị xe. Mà thực hiện đấu giá, tiền thu về chưa chắc đủ tiền thuê vận chuyển từ kho ra ngoài và trả tiền thuê lưu kho bãi”.

Tại TP HCM, trung bình mỗi năm có khoảng vài chục đến 100 xe mà người vi phạm bỏ luôn không đến giải quyết. Tính từ tháng 7/2013 - 9/2019, toàn thành phố có hơn 169.000 xe vi phạm bị tạm giữ tại 5 kho bãi. Tuy nhiên, lượng xe vi phạm ngày càng tăng, do đó các kho bãi đều quá tải.

Ghi nhận của PV tại kho bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc Đội CSGT quận 9, tình trạng quá tải tới mức nhiều xe phải để tràn ra cả khuôn viên trụ sở Công an quận 9. Tại kho bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an quận Bình Thạnh, hàng ngàn xe máy, xe ba bánh, ôtô nằm phơi mưa, phơi nắng. Trong số này, nhiều xe máy đã bị gỉ sét, hư hỏng.

Còn tại Đồng Nai, Công an tỉnh đang tạm giữ 5.753 phương tiện vi phạm đã hết thời gian tạm giữ (vô chủ) nhưng không có người đến nhận, gây áp lực lớn đối với các kho bãi giữ xe. Thời gian qua, Phòng CSGT đã tiến hành giám định, đăng thông báo 2 kỳ và niêm yết công khai tại đơn vị 30 ngày, tìm chủ sở hữu đối với 3.522 phương tiện, còn 2.231 phương tiện đang tiếp tục với thủ tục tương tự.

Vướng mắc thẩm quyền xử lý

img
Chiếc ô tô vi phạm từ ngày 30/6/2017 bị tạm giữ, người vi phạm chưa đến giải quyết tại Bãi xe 34 Linh Đường

Theo một cán bộ CSGT Công an TP HCM, tình trạng chung hiện nay là nhiều xe vi phạm có giá trị thấp, xe cũ, trong khi mức phạt cao nên người vi phạm không đến giải quyết đóng phạt mà bỏ luôn xe. Mặt khác trình tự tịch thu, thanh lý phương tiện vi phạm hành chính còn vướng rất nhiều thủ tục.

Cho rằng việc xử lý đối với các xe vô chủ đang là vấn đề nan giải hiện nay, Trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, trung bình quy trình thực hiện tính từ lúc xác định vô chủ đến hoàn tất công tác thanh lý tài sản phải mất từ 7 - 8 tháng. Do vướng mắc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý nên có những trường hợp phải trình Bộ Công an chứ Công an tỉnh không đủ thẩm quyền xử lý.

“Để thực hiện đúng quy định của pháp luật và đảm bảo an ninh, an toàn cho các kho bãi tạm giữ phương tiện đang trở nên quá tải, cần có sự phân cấp xử lý, văn bản hướng dẫn cụ thể”, Trung tá Dương đề xuất.

Tương tự, đại diện lãnh đạo Phòng CSGT TP Hải Phòng cũng kiến nghị: “Khi đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về kiểm tra, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều. Chúng tôi cũng đã gửi đề xuất tới Công an TP Hải Phòng để kiến nghị lên cấp trên xử lý tình trạng này. Chúng tôi rất mong sớm có hướng dẫn cụ thể để xử lý lượng xe vô chủ tồn đọng quá lớn hiện nay”.

Đảm bảo quyền sở hữu tài sản

Trước thực trạng thực tiễn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm, Bộ Công an mới đây đã đề xuất: Đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện.

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo quy định hiện nay, sau khi xác định xe vi phạm không có người đến nhận, một năm sau mới làm thủ tục thanh lý. Tiếp đó, lực lượng công an địa phương phải hoàn thiện thủ tục xác minh, lập danh sách, trình lên Bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch tỉnh (thành phố) để ra quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản. Với quy trình, thủ tục như vậy có khi phải mất tới 2 năm. Trong thời gian đó thì rất nhiều xe đã biến thành sắt vụn.

“Qua thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nếu người vi phạm giao thông nộp phạt để lấy xe về thì chỉ trong vòng vài ngày là họ tới lấy. Còn lại đa số những trường hợp quá 1 tháng thì phần lớn họ muốn bỏ xe. Về đề xuất của Bộ Công an, chúng tôi cũng đang nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định hiện hành về việc tạm giữ phương tiện đã bộc lộ bất cập, cần xem xét sửa đổi”, ông Xuyền nói.

Đồng tình với đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian, thủ tục xử lý phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ, song luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú cho rằng, thời gian 30 ngày là chưa phù hợp. “Ví dụ người vi phạm có việc đột xuất đi công tác nước ngoài hay ốm đau phải đi điều trị, không thể kịp thời tới nộp phạt, lấy xe về thì việc áp dụng tịch thu, đấu giá xe sau 30 ngày vô chủ là vô lý”, luật sư Tú nói và cho rằng, quyền sở hữu tài sản là một quyền rất thiêng liêng được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vì thế, đề xuất này cần phải được bàn thảo rất kỹ lưỡng, đặt trong tương quan với các luật khác.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp và luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cũng đều cho rằng, nếu phương tiện là tang vật của vụ án, cần phải có sự xác minh của cơ quan công an, trong khi thời hạn 30 ngày thì không đủ để xác minh. Nói cách khác, nếu chiếc xe đó liên quan đến một vụ án đang điều tra thì phải theo thời gian tố tụng của vụ án, không phải cứ 30 ngày là xong. Nếu rút ngắn thời gian, thủ tục thanh lý xe vi phạm, cần lưu ý, phân định rõ những trường hợp này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.