Thời sự Quốc tế

Tiêm kích Đài Loan gặp nạn: Có liên quan tới chiến lược vùng xám của TQ?

13/01/2022, 11:14

Chiến cơ tiên tiến F-16V đã rơi xuống vùng biển phía Đông Đài Loan sau khi cất cánh từ căn cứ Chiayi hồi đầu tuần này.

Lộ diện nhiều vấn đề huấn luyện, tập trận của Đài Loan

Vụ tai nạn xảy ra trong lúc chiến cơ F-16V tham gia diễn tập giả định một vụ tấn công ném bom kiểu bổ nhào, tốc độ cao, không đối đất – một bài tập huấn luyện rất khó với phi công trẻ, còn non kinh nghiệm.

Đến nay, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một số mảnh vỡ thân máy bay nhưng vẫn chưa tìm được phi công 28 tuổi - Chen Yi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vụ tai nạn đã chỉ ra các vấn đề trong hoạt động huấn luyện tập dượt của Đài Loan cũng như tình trạng mệt mỏi của phi công do thường xuyên phải đối phó với máy bay Trung Quốc.

img

Tiêm kích F-16V

Viên phi công mất tích mới có hơn 300 giờ bay bao gồm 60 giờ thực hiện bay trên F-16V.

Cuộc điều tra ban đầu chỉ ra Chen đã bật khóa loa trong chuyến bay dẫn đến không thể giao tiếp với chỉ huy.

Một số nhà quan sát và cựu quân nhân trong lực lượng không quân cho rằng, có thể nam phi công đã thao tác nhầm.

Theo ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defence Review (có trụ sở tại Canada): “Máy bay F-16 đã được nâng cấp rất tiên tiến đồng nghĩa phương tiện này không phù hợp trong các cuộc tập trận cơ bản như diễn tập mô phỏng tấn công không đối đất”.

Trong khi đó, ở phía Trung Quốc, quân đội nước này thường sử dụng công nghệ thực tế ảo để huấn luyện phi công trẻ.

Do đó, Đài Loan cần điều chỉnh chương trình luyện tập và tiêu chuẩn mới có thể bắt kịp Đại lục – ông Chang nói.

Ông Lu Li-Shih, một cựu huấn luyện viên tại Học viện Hải quân Đài Loan cho rằng, trước đây, phi công mới ra trường của lực lượng phòng vệ Đài Loan sẽ không tham gia những cuộc diễn tập như vậy.

“Vụ tai nạn vừa qua có thể do Đài Loan không có sẵn phi công đạt đủ tiêu chuẩn để điều khiển số lượng lớn máy bay chiến đấu mà Đài Loan định mua từ Mỹ nên các phi công trẻ được đẩy lên tăng cường huấn luyện”, ông Lu nói.

Chưa kể, các phi công tập sự thường lái các máy bay thế hệ cũ như F-5E vốn có hệ thống điều khiển chuyến bay rất khác so với F-16 nên họ cần phải được đào tạo nhiều hơn trước khi trực tiếp lái.

Tác động của "chiến lược vùng xám"

Mặt khác, Ben Ho, một nhà nghiên cứu làm việc tại Khoa nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam tại Singapore, chỉ ra, trong năm qua, quân đội Trung Quốc tăng cường thực hiện các chuyến bay vòng xung quanh Đài Loan với tần suất rất cao. Động thái đó có thể đã đặt thêm áp lực đối với lực lượng phòng vệ Đài Loan, khiến phi công không lực của hòn đảo kiệt sức.

Trong năm 2021, quân đội Trung Quốc đã thực hiện hơn 950 lượt bay xuyên Eo biển Đài Loan, cao hơn nhiều so với tổng số 380 lượt trong năm 2020, thậm chí nhiều chuyến bay còn diễn ra vào giữa đêm, buộc lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan phải điều chiến cơ để giám sát và can thiệp kịp thời.

Nhà quan sát quân sự có trụ sở tại Macau – Antony Wong Tong cho biết, vụ tai nạn cho thấy chiến lược vùng xám của Bắc Kinh nhằm vắt kiệt sức lực của lực lượng Đài Loan đã có tác động.

Chiến cơ F-16V là phiên bản mới được nâng cấp từ chiến cơ F-16A/B và đây là vụ tai nạn thứ 10 kể từ khi lực lượng bảo vệ trên không Đài Loan nhận 150 máy bay F-16 phiên bản đầu tiên vào năm 1997.

Hiện tại, Đài Loan đã cho dừng toàn bộ hoạt động liên quan tới F-16V để kiểm tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.