Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng Safpo-Potec, từ ngày 12/9 đơn vị này tổ chức tiêm miễn phí các loại như: Vaccine uốn ván (TT), huyết thanh uốn ván (SAT) (khi bị vết thương hở) và vaccine uốn ván bạch hầu hấp thụ (Td) cho người dân, cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chức năng tại các tỉnh chịu thiên tai như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Nam Định, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La.
"Đây là hành động chung tay nhằm bảo vệ sức khỏe người dân vùng lũ bởi trong thiên tai, lũ lụt, người dân bị thương do tai nạn là thường trực, có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh uốn ván", đại diện Hệ thống tiêm chủng này cho biết.
Cùng thời điểm này, hệ thống tiêm chủng VNVC miễn phí tiêm vaccine phòng uốn ván hấp phụ TT và huyết thanh phòng uốn ván SAT tại các trung tâm tiêm chủng VNVC Yên Bái, VNVC Tuyên Quang, VNVC Thái Nguyên, hỗ trợ và bảo vệ người dân, cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang đang cứu trợ đồng bào có vết thương hở cần được phòng ngừa uốn ván.
Ngoài ra, với mong muốn sát cánh với đồng bào, các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đang ứng phó với lũ, lụt, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi 10% tiêm vaccine uốn ván, tả, thương hàn cho đồng bào miền Bắc tại các trung tâm VNVC khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định và Thái Bình.
Theo BS Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo-Potec, uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước và vết thương tiếp xúc trực tiếp với đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa, gia cầm, cống rãnh hoặc dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ... Những vết thương này có thể phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây ra bệnh uốn ván.
Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, viêm phổi, co thắt thanh quản, động kinh, thuyên tắc phổi, suy thận nặng thậm chí tử vong.
Chi phí điều trị ở bệnh nhân uốn ván khá tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể từ 2 tuần đến 3, 4 tháng điều trị.
Để phòng tránh uốn ván, người dân vùng lũ cần lưu ý khi có vết thương trên cơ thể, phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.
Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử… Mọi người đều có thể tránh được rủi ro về sức khỏe do uốn ván bằng tiêm phòng vaccine.
Việc tiêm phòng vaccine uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi. Liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
"Ở trẻ em, vaccine uốn ván được sử dụng dưới dạng vaccine phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác có trong vaccine nhằm giảm số mũi tiêm và giảm đau cho trẻ. Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vaccine uốn ván đúng thời gian để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh", BS Hải thông tin thêm.
Ngày 13/9, trong bối cảnh nước lũ dâng cao làm nhiều hộ dân miền Bắc bị cô lập do ảnh hưởng của bão số 3, Sở Y tế TP.HCM đã phát động chương trình "Túi thuốc gia đình" trong toàn ngành y tế. Theo đó, sẽ hỗ trợ 30.000 túi thuốc cho 10 tỉnh, thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.
Trong túi thuốc sẽ có các thuốc thiết yếu như: hạ sốt, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng, thuốc sát trùng da, băng keo cá nhân… Đây là danh mục các loại thuốc cần thiết giúp người dân đang bị cô lập do lũ gây ra có thể tự chăm sóc sức khỏe (cả người lớn và trẻ em) với bảng hướng dẫn sử dụng chi tiết đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận