Cô gái 28 tuổi cho biết mình đang tận hưởng sự thú vị của cuộc sống độc thân.
Từ sân chợ đến sân chơi quốc tế
Vài nét về Huỳnh Như
- Sinh ngày: 28/11/1991.
- Quê quán: Trà Vinh.
- CLB: TP HCM I.
Thành tích
- Vua phá lưới giải VĐQG năm 2013, 2016.
- Quả bóng vàng năm 2016.
- HCV SEA Games năm 2017.
- Vô địch Đông Nam Á năm 2019.
- Vô địch quốc gia năm 2011, 2015, 2016, 2017, 2019.
Gặp Huỳnh Như sau khi cô đoạt cú đúp danh hiệu Vô địch Giải bóng đá nữ quốc gia 2019 và Cầu thủ xuất sắc nhất Giải bóng đá nữ quốc gia 2019, tôi khá bất ngờ khi trước mặt mình là một cô gái nữ tính với mái tóc dài, khác hẳn với hình ảnh nữ chiến binh trên sân cỏ. Thấy tôi ngạc nhiên, Như tủm tỉm nói: “Nhiều người gặp em lần đầu cũng vậy. Họ bảo thấy em chạy thục mạng trên sân, sẵn sàng tranh chấp, va chạm ai dè ngoài đời lại nhẹ nhàng như vậy”.
Bằng chất giọng nhẹ nhàng đặc trưng, nhà vô địch AFF Cup nữ 2019 bắt đầu kể về nghiệp bóng tròn của mình. Như sinh ra và lớn lên ở chợ Cầu Xây, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nhờ ở gần chợ, mẹ cô thạo việc buôn bán nên cuộc sống gia đình Như không quá đỗi vất vả như các gia đình thuần nông. Tuổi thơ của cô gắn liền với những buổi theo mẹ bán hàng ngoài chợ. Ngay từ nhỏ, nữ tuyển thủ quốc gia đã không giống với đám con gái trong làng. Trong khi chúng bạn thích búp bê, đồ chơi nấu ăn thì Như chỉ thích đá bóng.
“Hồi em 4-5 tuổi trong nhà lúc nào cũng có quả bóng nhựa rồi. Lớn lên chút nữa, thấy em ham đá bóng, ba mua tặng một quả bóng da, đến bây giờ đó vẫn là quả bóng đẹp nhất tôi từng sở hữu. Chơi suốt ngày nhưng cứ đến tối em lại lau bóng sạch sẽ cất dưới gầm giường”, Như nhớ lại. Cô kể thêm, do không có sân bóng nên cô cùng đám bạn trai thường ra quán chợ để đá bóng, dựng mấy chiếc sạp bán hàng làm khung thành. Tuy có một mình là con gái nhưng cô luôn khiến các bạn lác mắt bởi khả năng đi bóng và ghi bàn rất cừ.
Khi học lớp 5, Như tham dự một giải đấu cấp huyện chỉ có mình cô là nữ và cùng toàn đội giành luôn chức vô địch. Nhưng cô gái lớn lên ở xóm chợ Cầu Xây chẳng thể ngờ rằng đó chính là điểm khởi đầu cho sự nghiệp quần đùi áo số mà cô theo đuổi suốt những năm tháng tuổi trẻ. Ở huyện Châu Thành, nhắc đến Như không ai không biết, thế nên khi có các thày của Trung tâm TDTT tỉnh về tuyển quân, bà con đã chỉ tới nhà cô. Thế rồi chỉ qua vài bài kiểm tra cơ bản, cô gái sinh năm 1991 đã thuyết phục được các thày.
14 tuổi, cái tuổi ẩm ương, chưa thể tự lo cho mình nhưng cô vẫn quyết xin ba mẹ xuống tỉnh ăn tập bóng đá. Vì thương con nên ba mẹ Như cứ chần chừ, rồi cuối cùng cũng bấm bụng để con đi. Trớ trêu thay, Như tập được vài tháng thì đội bóng nữ Trà Vinh giải thể vì không có kinh phí duy trì. Tiếc tài năng của cô, các thày đã giới thiệu cho đội TP HCM. Lúc này, cô đứng trước ngã rẽ lớn, một là quyết định lên TP HCM tiếp tục con đường đã chọn, hai là về quê đi học. “Thực sự lúc đó em chỉ nghĩ mình phải chơi bóng, đi đâu cũng được, miễn là được thỏa mãn đam mê. Thậm chí, nếu phải ra Bắc em cũng không nề hà”, Như nhớ lại thời mới chập chững theo bóng đá chuyên nghiệp.
Dù đã hạ quyết tâm nhưng cuộc sống nơi Sài thành phồn hoa cũng khiến cô gái miền Tây gặp khó khăn trong giai đoạn đầu. “Lúc mới lên, em không quen ai, vô sân là âm thầm chạy và chạy. Ăn cơm cũng ăn một mình. Nhưng sợ nhất là việc phải tìm đường, có hôm đi học bổ túc em bị lạc phải tới gần nửa đêm mới mò về tới Trung tâm TDTT quận 1”.
Thế rồi những bỡ ngỡ cũng dần nhường chỗ cho sự hòa nhập nhanh chóng của Như, cô gây ấn tượng mạnh nhờ khả năng di chuyển thông minh, dứt điểm đa dạng. Không lâu sau, cô được chuyển lên đội 1 TP HCM rồi trở thành trụ cột của đội bóng thành phố mang tên Bác. Cánh cửa lên tuyển quốc gia cũng mở ra với Như khi cô vừa bước qua tuổi 20. Kể từ đó tới nay, nếu không dính chấn thương, cô nghiễm nhiên sẽ chiếm một suất lên tuyển.
Ở tuổi 28, Huỳnh Như gần như đạt được mọi vinh quang cả ở cấp độ đội tuyển lẫn CLB. Năm 2019 có thể coi là năm viên mãn bởi cô đã giành cú đúp vô địch quốc gia và vô địch Đông Nam Á. Màn trình diễn chói sáng của cô trong màu áo đội tuyển cũng giúp nữ tuyển thủ Trà Vinh trở thành ứng viên nặng ký nhất cho danh hiệu Quả bóng vàng nữ.
Từ sân chợ tới sân chơi quốc gia rồi quốc tế, Như đã đi cả một hành trình dài nhưng cô chưa muốn dừng lại. “Em sẽ bước tiếp cùng trái bóng. Sau này nếu không chơi bóng được nữa em sẽ đi dạy bóng đá. Ước mơ của em là mở được một trung tâm bóng đá cộng đồng ở quê nhà, để những đứa trẻ nghèo có cơ hội thỏa mãn đam mê. Tất nhiên, để hoàn thành mục tiêu này sẽ phải cố gắng nhiều”, Huỳnh Như chia sẻ.
Vẫn chưa có “bàn thắng cuộc đời”
Là một tay săn bàn có hạng, Huỳnh Như không nhớ cô đã ghi bao nhiêu bàn thắng vào lưới các đối thủ nhưng đến giờ cô vẫn chưa thể ghi “bàn thắng cuộc đời”. Hỏi cô tại sao chưa lập gia đình, cô chỉ cười và nói rằng duyên chưa đến: “Gia đình có hối thúc nhưng em chưa nghĩ tới hôn nhân. Nhiều người bảo kén chọn nọ kia nhưng thực ra em chưa bao giờ có suy nghĩ đó. Em cũng không đặt ra chỉ tiêu nào cho bạn trai cả, chỉ cần có duyên thì tự khắc sẽ đến với nhau”.
“Cuộc sống độc thân cũng tốt. Hiện tại em có thể tập trung toàn bộ thời gian cho bóng đá. Ngoài tập luyện, thi đấu, em đang theo học năm thứ 2 ở Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM. Thời gian rảnh tự thưởng cho mình một ly café, nghe nhạc. Em cũng hay cùng bạn bè đi chơi đây đó mỗi khi được nghỉ dài. Nói chung là em hài lòng với cuộc sống của mình”, Huỳnh Như chia sẻ.
Con gái suy nghĩ khá thoáng về việc chồng con nhưng mẹ cô, bà Lài lại tỏ ra khá sốt ruột. “Con gái có thì nhưng nó cứ đi đá bóng miết, chả lo chuyện lập gia đình nên tôi chưa thể yên tâm. Nhưng xã hội bây giờ không như ngày xưa, ba mẹ chẳng thể ép con cái làm theo ý mình. Tôi với ông nhà tôi chỉ mong sao Như nó tìm được một chàng trai tốt, yêu thương và cảm thông với nó, giàu nghèo không quan trọng”, mẹ nữ tuyển thủ nói.
Cũng vì con chưa có gia đình, lo con ăn uống tuềnh toàng nên cứ lâu lâu bà Lài lại sắp đồ ăn gửi từ quê nhà Trà Vinh lên cho cô. Khi là con gà, lúc là con vịt, mớ rau, những thứ thành phố chẳng thiếu nhưng nó chứa đựng tình cảm lớn lao của bậc làm cha mẹ. “Con gái lớn rồi mà vẫn cứ khiến bố mẹ phải phiền lòng. Gia đình đúng là nơi thiêng liêng nhất, nơi tình yêu luôn tồn tại vô điều kiện. Có lần em bảo mẹ rằng mẹ cứ chăm lo cho con như vậy con chẳng muốn đi lấy chồng đâu. Mẹ nói sau 30 tuổi mà vẫn ở vậy thì mẹ mặc kệ”, Như cười nói.
Lại nói về gia đình, tuyển thủ 28 tuổi kể thêm, cô biết ơn ba mẹ bởi cả hai chưa bao giờ phản đối việc cô theo nghiệp bóng đá: “Từ nhỏ tới lớn, ba mẹ luôn ủng hộ tôi. Hồi còn ở quê, cứ tôi tham gia thi đấu là ba lại hô hào bà con họ hàng đi cổ vũ cho tôi. Ba gần như chưa bỏ sót trận nào của tôi. Tới khi tôi lên TP HCM rồi chơi bóng chuyên nghiệp, ba mẹ không có điều kiện đi các sân nhưng vẫn theo dõi những trận đấu phát trực tiếp trên ti vi. Hôm đá trận chung kết AFF Cup nữ 2019 với Thái Lan, tôi cởi áo ăn mừng phải nhận thẻ đỏ, ba bực lắm, gọi điện mắng tôi quá chừng. Cũng may trận đó đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng nên sau đó ba bỏ qua, bằng không chắc tôi no đòn!”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận