Đường bộ

Tiến độ giao mặt bằng các dự án nâng tĩnh không cầu ở Cần Thơ đang rất chậm

17/08/2024, 13:44

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang chia sẻ với lãnh đạo TP Cần Thơ những khó khăn khi giải phóng mặt bằng, nhưng cũng mong địa phương chia sẻ với Bộ vì áp lực giải ngân vốn.

Ba cầu ở huyện Thới Lai vẫn chưa giao được mặt bằng

Sáng 17/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ về tiến độ Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Tiến độ giao mặt bằng các dự án nâng tĩnh không cầu ở Cần Thơ đang rất chậm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang (giữa) làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ về tiến độ giải phóng mặt bằng các cầu thuộc dự án nâng tĩnh không, sáng 17/8.

Cần Thơ có 5 cầu nằm trong dự án, gồm: cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận và Vàm Xáng - Thị Đội, thuộc gói thầu XL02, với tổng giá trị hợp đồng gần 400 tỷ đồng, tổng sản lượng thi công ước đạt trên 3,8%.

Có ba cầu còn chưa giao được mặt bằng, gồm Thới Lai, Đông Thuận và Đông Bình (thuộc huyện Thới Lai).

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá: tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng các cầu đang rất chậm. 

Thứ trưởng cho biết, dự án đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn, đến hết năm 2025 nếu dự án không xong, đồng nghĩa không giải ngân được thì sẽ không còn tiền để thực hiện nữa.

"Đây là tình thế bắt buộc, dự án rất cần mặt bằng để đủ thời gian thi công, phải chốt được thời hạn bàn giao mặt bằng. Bộ đã nhiều lần làm việc và rất chia sẻ với khó khăn của địa phương, nhưng cũng mong địa phương chia sẻ với Bộ vì áp lực giải ngân vốn", ông nói.

Theo báo cáo của UBND huyện Thới Lai, tổng diện tích đất cần thu hồi cho 3 cầu là gần 28.800 m2. Trong đó, cầu Thới Lai hơn 13.000 m2, cầu Đông Thuận gần 9.500 m2 và cầu Đông Bình hơn 6.300 m2.

Có 130 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó thị trấn Thới Lai 89 hộ, xã Đông Thuận 26 hộ và Đông Bình 15 hộ.

Hiện đã thực hiện xong đo đạc, kiểm kê, xét pháp lý của đất 129/130 hộ.

Nguyên nhân chậm tiến độ giao mặt bằng, theo UBND huyện Thới Lai, vì vướng một số quy định ở Luật Đấu thầu có hiệu lực từ đầu năm 2024 nên mất thời gian để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất.

Ngoài ra, Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024 nhưng các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được UBND thành phố ban hành các quyết định thay thế theo quy định mới.

Đến 15/9 phải có mặt bằng thi công được

Phản hồi những vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đã giao cho huyện tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho ba cầu trên từ tháng 2/2023.

Ông Hè đặt ra mục tiêu đến ngày 15/9 phải cơ bản bàn giao mặt bằng ở ba cầu thuộc huyện Thới Lai cho đơn vị thi công. Tối thiểu mặt bằng được giao phải đủ cho nhà thầu thi công cuốn chiếu.

"Hộ dân nào đã đồng thuận thì huyện phê duyệt. Đây là lúc xắn tay vào làm, dùng mọi biện pháp, vận động những hộ dân có mặt bằng lớn trước để những hộ dân có ít đất thấy mà noi theo", ông Hè nói.

Đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật, ông Hè yêu cầu các đơn vị điện, nước, viễn thông có báo cáo về huyện, UBND thành phố những khó khăn, đề xuất và có cam kết về tiến độ thực hiện.

Tiến độ giao mặt bằng các dự án nâng tĩnh không cầu ở Cần Thơ đang rất chậm- Ảnh 2.

Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết đã đến nhiều hộ dân ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ để vận động giao mặt bằng.

Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy - chủ đầu tư dự án, cho biết mặt bằng tối thiểu ở ba vị trí cầu phải được giao trước ngày 15/9 mới đủ thời gian để nhà thầu thi công. Có mặt bằng, nhà thầu mới có thể tập trung thiết bị, làm mố cầu trước...

Ông Hưng cũng cho biết đã cùng địa phương đến vận động từng hộ dân trong suốt thời gian qua. Hiện cầu Đông Thuận đã tập trung được một số thiết bị, dựng lán trại, nhưng vẫn cần. mặt bằng tối thiểu để có thể thi công.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thống nhất với lãnh đạo thành phố Cần Thơ và mong muốn địa phương nỗ lực để có mặt bằng trước ngày 15/9. Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường thủy có báo cáo hàng ngày về tiến độ mặt bằng. 

Thứ trưởng cho biết với mốc thời gian 15/9, Bộ và chủ đầu tư đã tính toán hết mức, đây có thể xem là cơ hội cuối để triển khai ba cây cầu này.

Chấn chỉnh nhà thầu thi công cầu Ô Môn

Trước khi có buổi làm việc trên, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đã đến kiểm tra thi công cầu Ô Môn, một trong những cầu nằm trong Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Tiến độ cầu Ô Môn đang chậm khoảng 60 ngày do mặt bằng không đáp ứng được kế hoạch. Đến nay, UBND quận Ô Môn đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho 73/85 hộ và hai tổ chức với tổng số tiền 22,6 tỷ đồng. 

Huyện đã chi trả cho 58 hộ/73 hộ và hai tổ chức với số tiền gần 12,1 tỷ đồng. Còn 11 trường hợp vướng mắc do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường và một trường hợp đang tranh chấp chờ tòa án giải quyết.

Cầu Ô Môn khởi công ngày 8/4/2024, đã bàn giao 30% diện tích mặt bằng (phần đất công và đất dưới nước). Hiện nhà thầu đang thi công cọc thép của cầu tạm trên toàn bộ phần có mặt bằng. Thép phục vụ thi công cầu dầm tạm đang được gia công cơ khí tại nhà máy.

Tại công trường cầu Ô Môn, Thứ trưởng phê bình công tác đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình thi công của nhà thầu. Ông yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại trên những tuyến đường dân sinh hai bên cầu.

"Nếu nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn thì đơn vị tư vấn giám sát phải lập biên bản ngay. Bà con không có đường đi thì phải tạo lối đi khác, hoặc hướng dẫn bà con đi lại an toàn", Thứ trưởng chỉ đạo.

Thứ trưởng yêu cầu, trước mắt nhà thầu thi công sẵn sàng máy móc thiết bị, quyết tâm đối với cầu Ô Môn vì đầu tháng 9 sẽ có thêm mặt bằng để thi công cầu tạm và đến hết tháng 9 phải xong cầu tạm này.

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) đầu tư xây dựng 11 cầu, trong đó xây mới 9 cầu, cải tạo một cầu, tháo dỡ một cầu trên địa bàn tỉnh Long An, Bến Tre, Cần thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Vĩnh Long.

Tổng mức đầu tư các cầu này khoảng 2.155 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2024. Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) là chủ đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.