Những nỗ lực cứu trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ vượt qua thời điểm khó khăn vô tình đang được chuyển đến rất nhiều doanh nghiệp... có liên quan đến Trung Quốc.
“Lỗ hổng trong chương trình hỗ trợ”
Theo báo New York Times, đánh giá trên được đưa ra sau dự án do Công ty cố vấn chiến lược Horizon Advisory thực hiện, rà soát đánh giá dữ liệu các khoản vay công khai của chính phủ Mỹ theo chương trình Bảo vệ tiền lương (Paycheck Protection Program/PPP).
Chương trình PPP được chính phủ Mỹ thành lập vào tháng 3/2020, có tổng giá trị 660 tỷ USD, đóng vai trò như phao cứu sinh, giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Đáng chú ý, quy định trong chương trình cứu trợ kinh tế này cho phép cả những công ty nước ngoài nộp đơn để hưởng trợ cấp.
Theo báo cáo của Horizon Advisory, PPP góp phần giữ lại 50 triệu việc làm cho người lao động Mỹ, song ước tính có hàng trăm triệu USD đã chảy vào túi các công ty do Trung Quốc đầu tư, đang hoạt động ngay trên lãnh thổ Mỹ. Cụ thể, khoảng 192 - 419 triệu USD đã chảy vào hơn 125 công ty do các tổ chức, cá nhân người Trung Quốc sở hữu hoặc đầu tư. Trong đó có rất nhiều khoản vay lớn và ít nhất 32 công ty Trung Quốc được vay tới số tiền lên đến 1 triệu USD.
“Tất cả cho thấy lỗ hổng trong chương trình hỗ trợ PPP. Vì không có quy định chính sách phù hợp nên tiền thuế của người Mỹ vốn được dùng với mục đích cứu trợ, phục hồi và phát triển nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ - lại đứng trước nguy cơ chảy vào túi của các đối thủ nước ngoài, có thể nêu tên là Trung Quốc”, hai chuyên gia Emily de La Bruyère và Nathan Picarsic, đồng sáng lập Công ty Horizon Advisory viết.
Một số công ty được dẫn trong báo cáo như: Continental Aerospace Technologies (Công ty Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ Lục địa) đã nhận khoản vay 10 triệu USD; Công ty Aviage Systems nhận trợ cấp 350.000 USD… Cả 2 công ty này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa xác định là một công ty quân đội; Công ty North America LLC thuộc Tập đoàn HNA (có trụ sở tại Trung Quốc) hay Trung tâm Đào tạo HNA tại New York đều nhận được những khoản vay lớn tới 1 triệu USD...
Rất ít doanh nghiệp như BGI Americas - một công ty nhánh thuộc Tập đoàn thử nghiệm gen BGI của Trung Quốc (trước đó đã vay nợ lên tới 1 triệu USD) đã chủ động hoàn lại tiền vay. Động thái này xảy ra sau khi tờ Axios có bài viết chỉ trích khoản nợ này rơi vào công ty thuộc sở hữu của một thực thể có liên quan tới chính phủ Trung Quốc.
Những khoản vay lớn hơn rơi vào tay các doanh nghiệp trải khắp các lĩnh vực quan trọng như: Dược phẩm, quốc phòng, sản xuất, ô tô điện, công nghệ thông tin. Trong mỗi trường hợp, Mỹ đều gián tiếp trợ cấp tài chính cho chính những công ty mà chủ sở hữu của họ bị chính quyền Trump cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuệ.
Mối quan hệ kinh tế khó tách rời?
Chi tiết mà Horizon Advisory phát hiện dường như đang bộc lộ mối quan hệ phức tạp và sâu rộng giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, dù hai cường quốc lớn nhất thế giới này mâu thuẫn gay gắt nhiều tháng trở lại đây. Trong đó, Tổng thống Hoa Kỳ Trump thường xuyên thể hiện rõ thái độ tức giận với Trung Quốc, cáo buộc nước này làm lây lan virus, đẩy nền kinh tế Mỹ vào khó khăn.
Bên cạnh quan hệ chính trị, ngay cả trong kinh doanh, Washington đã cấm rất nhiều công ty công nghệ Trung Quốc mua công nghệ và phần mềm Mỹ. Gần đây, Nhà Trắng quyết định bắt buộc ByteDance, một công ty Trung Quốc phải bán hoạt động của ứng dụng mạng xã hội Tik Tok tại Mỹ cho công ty Mỹ, vì lý do an ninh quôc gia.
Mặc dù vậy, cách tiếp cận gay gắt trên của Mỹ với Trung Quốc lại chưa thể ngăn các công ty có quan hệ với Bắc Kinh hưởng lợi từ một trong những chương trình chủ chốt để khôi phục kinh tế Mỹ.
Theo New York Times, để hạn chế những vấn đề trên, các nghị sĩ Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump đang tiến hành đàm phán lại cách thực hiện các chương trình hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp nhỏ trong những gói cứu trợ kinh tế sắp tới.
Tuần vừa rồi, một số Thượng Nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hoà đã đề xuất dự luật trong đó quy định những doanh nghiệp do các công ty Trung Quốc sở hữu một phần (hoặc có công dân Trung Quốc trong ban lãnh đạo) sẽ không được vay tiền trong lần cứu trợ sắp tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận