Mấy ngày qua, người dân cảm nhận rõ rệt "mùi lạ" xuất hiện trong nguồn nước sinh hoạt, nhưng cơ quan quản lý trả lời không bất thường. Điều này khiến hàng ngàn hộ dân ở nhiều khu đô thị thuộc địa bàn Quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm (Hà Nội) phải đi xin nước sinh hoạt.
Trước thông tin này, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA đã có chia sẻ kiến thức về ô nhiễm nước sinh hoạt qua “cảm quan về mùi” được tổng hợp từ một số nguồn tin cậy như đại học Georgia, Sở Y Tế Minessota ở Mỹ.
Cụ thể có 3 nhóm mùi từ nước và nguyên nhân mà chúng ta có thể gặp phải từ nước sinh hoạt.
Chất tẩy (bleach), hóa chất hoặc dược liệu
Các nhà cung cấp nước công cộng thường khử trùng nước bằng clo để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 - 2,0 phần triệu (ppm, part per million), mặc dù ở một số nơi có thể lên tới 5,0 ppm. Mùi do bổ sung clo thường biến mất nếu nước tiếp xúc với không khí trong vài phút.
Ngoài ra, việc thêm clo vào để tiệt trùng nước giếng hoặc làm sạch hệ thống ống nước cũng tạo ra mùi clo mạnh. Tuy nhiên, mùi thuốc tẩy sẽ mất khi clo tan và bốc hơi hoàn toàn. Do vậy, trong trường hợp này nên để vòi nước chảy ra bên ngoài và để nước chảy cho đến khi hết mùi trong hệ thống.
Trong một số trường hợp, clo được thêm vào có thể tương tác với các vật liệu hữu cơ được tích hợp trong hệ thống ống nước và gây thêm mùi vào nước. Mùi hôi sẽ biến mất sau khi cho nước chảy trong vài phút.
Mùi trứng ung (lưu huỳnh), mùi hôi hoặc mùi giống như nước thải
Thông thường, sự xuất hiện các mùi này là do nhiễm khuẩn. Hoạt động của các vi khuẩn này thường sinh ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi như trứng ung.
Để kiểm tra vị trí nhiễm khuẩn người ta thường làm các cách sau:
Thứ nhất, xác định khuẩn ở trong nguồn nước hay ở trong hệ thống thải bằng cách đổ đầy một ly nước từ bồn rửa có mùi, sau đó bước ra khỏi bồn và quậy ly nước vài lần. Nếu vấn đề là từ hệ thống xả, nước trong ly sẽ không có mùi và bạn phải làm sạch hệ thống thải. Một trong các cách là “sốc clo” (sử dụng chất tẩy) hệ thống thải để xử lý vi khuẩn. Ngược lại, nếu nước xả có mùi thì bạn phải kiểm tra tiếp…
Hoặc kiểm tra vòi nước nóng lạnh, nếu mùi hôi chỉ từ vòi nước nóng thì có thể hệ thống làm nóng nước đã bị nhiễm khuẩn. Cần phải kiểm tra hệ thống này, làm sạch hoặc thay thế các bộ phận nếu cần thiết. Thông thường, mùi bắt nguồn từ thanh kim loại magiê làm gia nhiệt trong bể nước nóng.
Nếu mùi hôi từ vòi nước lạnh thì khả năng rất cao là sự nhiễm này bắt nguồn từ nguồn nước! Cần phải ngưng sử dụng nước và thông báo ngay đến đơn vị cung cấp nước để xử lý kịp thời!
Mùi dầu mỏ, xăng, nhựa thông, mùi giống như nhiên liệu hoặc dung môi
Hiện tượng này hiếm xảy ra trong nước sinh hoạt, tuy nhiên nếu xảy ra thì nó chứa đựng nguy cơ nghiêm trọng. Mùi này có thể là do các nguyên nhân sau làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của bạn: Bể chứa nhiên liệu bị rò rỉ gần đó; Nguồn xả thải từ các nhà máy hoặc bãi chôn lấp; Nước thải từ các hoạt động nông nghiệp.
Trong trường hợp này cần ngưng sử dụng ngay nguồn nước cho việc ăn uống vì nó sẽ có thể gây hại cho sức khỏe như gây bệnh thiếu máu, tăng nguy cơ ung thư hoặc làm suy gan, suy thận, v.v…
Trở lại câu chuyện nước ở Hà Nội, hiện nay vẫn không có công văn nào giúp cảnh báo, hướng dẫn bà con trong vùng bị ảnh hưởng. Nếu có thì là kết luận “không phát hiện điều gì bất thường” của Sở Xây dựng dù rằng người dân vẫn ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc từ nước sinh hoạt. "Tôi khuyên bà con trong vùng nên cẩn thận cho đến khi có những kết quả kiểm tra rõ ràng và nguồn nước sạch trở lại, tạm thời bà con không nên sử dụng nước này để uống; Không sử dụng nước này để rửa rau, vo gạo và hoặc những việc khác tiếp xúc trực tiếp đến đồ ăn", ông Vũ khuyến cáo.
Bên cạnh đó, theo đề xuất của ông Vũ, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc xác định càng sớm càng tốt nguồn gây nhiễm và có những giải pháp xử lý kịp thời và phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận