Ảnh minh họa (Soha) |
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khẳng định, trường hợp ông Sự là cá biệt vì “việc từ chức ở xứ ta là bất thường”. Theo đại biểu này, việc này đã tạo ra được hiệu ứng xã hội về văn hóa từ chức dường như bị lãng quên bấy lâu nay.
Đồng tình, một ĐBQH khác, ông Lê Như Tiến cũng nhận định việc làm của ông Sự là “có văn hóa, bản lĩnh” nhưng trong xã hội hiện nay, việc làm như của ông Sự lại rất ít. Ông Tiến hy vọng nó sẽ là một tiếng chuông, một sự thức tỉnh và là tiền lệ cho rất nhiều người.
Nhưng có lẽ, kỳ vọng của hai đại biểu trên và của rất nhiều người khác sẽ còn lâu lắm nữa mới trở thành sự thật. Văn hóa từ chức ở nước ta đã được đem ra bàn luận rất nhiều, thậm chí còn có đề xuất đưa vào luật nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu.
Chưa kể, trường hợp của ông Nguyễn Sự lại hoàn toàn khác. Ông Sự từ chức khi chẳng làm gì sai. Ông rời vị trí lãnh đạo khi vẫn đang là một thần tượng trong lòng nhân dân Hội An.
Cho nên, hành động của ông Sự khó có thể trở thành “tấm gương” cho những lãnh đạo khác, những người cần phải từ chức vì để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Đơn giản, họ sẽ gần như mất tất cả thành quả mà cả đời gây dựng chứ không “được” nhiều hơn sau khi từ chức như ông Sự. Mà quan trọng nhất là mất quyền, mất tiền tài, bổng lộc... và quan trọng hơn là họ khó có cơ hội làm lại. Chắc hiếm có quan chức nào dám đánh đổi những điều này chỉ vì lòng tự trọng.
Từ chức ở các nước xảy ra như cơm bữa không chỉ vì họ “có văn hóa” mà còn là vì họ vẫn có thể có cơ hội sửa chữa sai lầm. Sau khi từ chức, họ vẫn có thể được giữ những vị trí lãnh đạo khác, thậm chí cao hơn, trong trường hợp họ không vi phạm pháp luật. Nhưng ở Việt Nam, những bất cập trong chế độ công chức, công vụ qui trình bổ nhiệm lãnh đạo và sự khắt khe của dư luận xã hội khiến văn hóa từ chức trở thành một thứ cực kỳ xa xỉ.
Vì vậy, việc “treo ấn từ quan” của ông Nguyễn Sự tuy rất đáng trân trọng nhưng chưa đủ để mang đến sự thay đổi. Có chăng, nhiều người nhìn vào ông Sự cũng giật mình một chút rồi cũng nhanh chóng quên đi vì họ còn phải đối phó với những “sợi dây kinh nghiệm” càng ngày càng dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận