Kinh tế

Tiếp tục xuất khẩu gạo có đáng lo?

30/03/2020, 06:59

Trong bối cảnh dịch bệnh và hạn mặn diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến lo ngại nếu tiếp tục cho xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

img
Nhiều nông dân cho biết, năm nay họ trúng mùa, giá thu mua lúa cũng cao hơn vụ trước

Được mùa, giá cao

Trong khi những vùng hạn mặn chỉ là rủi ro ngoài ý muốn do những vùng gần biển chưa thận trọng trong việc gieo trồng, nhưng diện tích chỉ chiếm chỉ 2%. Nếu ưu tiên cho an ninh lượng thực, chúng ta sẽ tính toán để lại lương thực cho 2 tháng tới, vì tháng 5 chúng ta đã lại thu hoạch vụ Hè Thu. Do đó hoàn toàn có thể xuất khẩu trong một chừng mực được tính toán rõ.
GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ

Năm nay, dù gặp phải tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt nhưng nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn trúng mùa và bán được giá tốt.

Nông dân Nguyễn Văn Tình (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, bình quân năng suất đạt khoảng 5,5 - 5,8 tấn/ha. Chi phí sản xuất không cao, nhưng do thiếu nước nên năng suất bị hạ thấp, giá lúa vì thế cũng tăng. “Tổng chi phí bình quân bỏ ra khoảng 10 -15 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch, có thể lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha”, ông Tình nói.

Ông Huỳnh Tín Nhiệm, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên - vùng sản xuất lúa lớn của tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ Đông Xuân, toàn huyện xuống giống 8.166,5ha, năng suất đạt 6,74 tấn/ha, sản lượng 55.042 tấn, tăng 1.960 tấn, giá bán từ 4.700 - 7.200 đồng/kg, lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha, tăng 6,6 triệu đồng/ha.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, tính đến 15/3, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh xuống giống được gần 78.000ha, các trà lúa hiện đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ chín. Đến nay đã thu hoạch được gần 51.000ha, ước năng suất khoảng 76,8 tạ/ha. Giá lúa tươi trên địa bàn hiện khá cao.

Tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vụ Đông Xuân này, Cần Thơ xuống giống trên diện tích 77.000ha, đến nay cơ bản thu hoạch xong. Năng suất lúa đạt khá cao, bình quân 7,2 tấn/ha, giá bán từ 5.300 đồng/kg trở lên, nhờ đó nông dân đạt lợi nhuận khoảng 40% sau khi trừ chi phí.

Doanh nghiệp lo lắng vì tạm dừng xuất khẩu gạo

Quá trình tìm hiểu và trao đổi với PV, đa số các nông dân, DN kinh doanh lúa gạo và chính quyền nhiều địa phương ở ĐBSCL đều lo lắng trước thông tin Chính phủ xem xét điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo, cho dù thời điểm này các tỉnh trong khu vực đang trong giai đoạn thu hoạch lúa, lượng gạo dự trữ trong kho cũng rất lớn.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ thông tin, hiện Cần Thơ còn tồn kho hơn 67.000 tấn lúa, 187.000 tấn gạo. Ngày 24/3 vừa qua, khi Tổng cục Hải quan yêu cầu ngưng xuất khẩu gạo thì hơn 10 DN xuất khẩu gạo trên địa bàn cho biết, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn. Nhiều đơn vị đã vận chuyển hàng lên TP HCM, đóng vào container xuất đi, giờ phải lấy từ container ra và chở về, tăng thêm chi phí. Khi DN không thể thu mua thêm, người nông dân cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Sáu, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị xuất khẩu gạo trực tiếp là Công ty Lương thực Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) còn tồn kho 221 tấn gạo, 169 tấn lúa. Công ty Lương thực Bạc Liêu từ đầu năm đến nay chưa xuất khẩu được kg nào, số lượng gạo tồn kho mới mua cách đây vài ngày là 971 tấn.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), một trong những DN xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cho biết, hiện tổng lượng hàng đang trên đường đưa đi xuất khẩu và trong kho của công ty khoảng 10.000 tấn. “Nếu ngưng xuất khẩu sẽ tổn thất lớn cho DN. Đặc biệt, những khách hàng đã ký hợp đồng, nếu không thực hiện thì mất uy tín, thậm chí DN phải bồi thường”, ông Thành cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Trường Đời, thành viên Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), khi có chỉ đạo tạm ngưng xuất khẩu gạo, hiện giá lúa giảm khoảng 500 - 600 đồng/kg. Hiện công ty cũng không dám thu mua thêm.

Việt Nam có thiếu gạo?

Tạm giãn tiến độ chứ không phải tạm dừng xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công thương đưa ra hai phương án: Tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến giữa tháng 5 để xem xét đánh giá lại số liệu chính xác nhất và đưa ra chế độ giấy phép, miễn là làm sao kiểm soát xuất khẩu, vừa đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký và đảm bảo an ninh lương thực.
Sau khi cân nhắc ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng quyết định tạm giãn tiến độ trong 2 tháng, đến cuối tháng 5 chứ không phải tạm dừng nên gây nên hiểu sai từ phía Tổng cục Hải Quan.

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2020, nguồn cung lúa tính cả lượng hàng tồn và sản xuất đạt 13,6 triệu tấn, tương đương hơn 8 triệu tấn gạo (trừ các loại lúa khác). Trong đó, lượng lúa làm thức ăn chăn nuôi và làm giống lần lượt ở các mức 0,85 và 0,3 triệu tấn.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, với số lúa hiện có, chúng ta có thể xuất khẩu được 5-6 triệu tấn gạo. Thời điểm hiện tại, trong quý I có thể xuất 1,5 triệu tấn gạo (tương đương với 2,3 triệu tấn lúa) để đảm bảo an ninh lương thực trong đợt dịch bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp mới đây về tình hình xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hạn mặn chỉ ảnh hưởng diện tích nhỏ. Mặt khác, người dân đã gieo cấy vụ mới, chỉ vài tháng nữa là vào vụ thu hoạch, do đó không lo ngại thiếu lương thực.

Trao đổi với PV, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược, Bộ NN&PTNT nhận định, thông thường, trong trường hợp xảy ra các biến động thiên tai, dịch bệnh, người dân tạm dừng các nhu cầu cao cấp, ưu tiên các nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, thời gian tới, công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ sẽ gặp khó khăn cả về nguồn nguyên liệu lẫn thị trường tiêu thụ. Lúc này, nông sản là mũi nhọn duy nhất để giúp kinh tế ổn định và giúp nông dân có thu nhập vượt qua khó khăn.

Theo ông Sơn, dù xảy ra ở ĐBSCL nhưng vùng hạn mặn không phải là vùng chiến lược về lúa gạo. Vùng sản xuất chính là vùng giữa và thượng nguồn của đồng bằng không bị ảnh hưởng nhiều, thực tế nhiều nơi tại Nam bộ đang được mùa. Mặt khác, người nông dân phản ứng rất nhanh với tín hiệu thị trường, khi giá thị trường cao họ sẽ làm tiếp vụ Xuân Hè sớm. “Chúng ta chỉ mất 3-3,5 tháng để sản xuất một vụ lúa và các vụ nối nhau cho nên an ninh lương thực vẫn sẽ được đảm bảo nếu tiếp tục xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.