Chỉ với những thay đổi nhỏ trong hành vi sử dụng năng lượng, chúng ta đã có thể đồng thời tuân thủ các quy định về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) và hơn nữa là nâng cao sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bởi vậy, việc tiết kiệm điện đã dần trở thành ưu tiên của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp tích cực thực hiện
Đơn cử, Heineken Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất, vận tải và tiêu thụ sản phẩm. Với nỗ lực giảm lượng khí CO2 phát thải từ các hoạt động sản xuất thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, trong giai đoạn 2020-2023 công ty đã giảm hơn 10% lượng phát thải CO2.
Heineken Việt Nam đồng thời cũng đã triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại các nhà máy sản xuất. Công ty cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho toàn bộ các cơ sở sản xuất bia tại Việt Nam. Bên cạnh việc lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời tại các nhà máy, Heineken đang tìm kiếm các giải pháp năng lượng sạch khác như năng lượng gió và thủy điện để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường.
"Hiện nay 5/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua vỏ trấu cùng các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp đã hỗ trợ mang lại thu nhập cho người dân địa phương...", bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững Công ty Heineken Việt Nam chia sẻ.
Trong sản xuất bia, việc sử dụng nước là một trong những yếu tố quan trọng. Heineken Việt Nam đã áp dụng chiến lược "Sử dụng nước hiệu quả" để giảm thiểu lãng phí. Công ty đã thành công trong việc tái chế nước lên đến 95% và giảm lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Các nhà máy của Heineken hiện nay đang sử dụng công nghệ tiết kiệm nước tiên tiến, giúp giảm thiểu tác động đến nguồn tài nguyên nước và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Heineken Việt Nam cũng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực. Các hệ thống tự động hóa và quản lý năng lượng thông minh giúp giảm mức tiêu thụ điện năng và giảm phát thải CO2.
Không chỉ tập trung vào việc giảm thiểu phát thải trong sản xuất, công ty còn chú trọng phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Công ty hợp tác với các đối tác nông dân, nhà cung cấp nguyên liệu để thúc đẩy sản xuất các nguyên liệu sạch. Việc giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình vận chuyển và chế biến nguyên liệu cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược giảm phát thải của Heineken.
Tương tự, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hạ Long (Xi măng Vicem Hạ Long) mỗi năm trung bình sản xuất đạt từ 1,6-1,9 triệu tấn clinker và 1,4-2,2 triệu tấn xi măng. Thống kê mỗi năm, công ty chi khoảng 20-23 tỷ đồng tiền điện và nguồn kinh phí này đang chiếm tới 14-17% chi phí giá thành sản xuất của đơn vị. Để tăng lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm, công ty cũng tập trung tối đa các giải pháp để tiết giảm điện năng tiêu thụ.
Các biện pháp tiết kiệm điện tại đơn vị đã mang lại hiệu quả cao như: thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn led; lắp đặt hệ thống biến tần cho hệ thống khí nén; thay thế hệ thống điều hòa cũ bằng hệ thống điều hòa biến tần inverter; tối ưu hóa các thông số vận hành lò nung; cải tiến hệ thống lò đốt chính để đốt than phẩm cấp thấp; tăng cường đốt rác, phế liệu tạo năng lượng thay thế trong sản xuất...
Công ty cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể người lao động về việc sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm như: Tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và thông gió tự nhiên…
Ông Vũ Văn Tăng, Phó tổng Giám đốc Xi măng Vicem Hạ Long, chia sẻ: "Là một trong những yếu tố cấu thành nên giá thành của sản phẩm, chi phí điện chiếm tỷ trọng không nhỏ bởi sản xuất xi măng là lĩnh vực cần tiêu tốn nguồn điện năng lớn. Định mức 1 tấn clinker tiêu tốn khoảng 60 - 61 kWh/tấn, nhưng ở Vincem Hạ Long, nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nên hiện chỉ còn 58 kWh/tấn. Điều này đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 5 tỷ đồng/năm, tương đương với việc doanh nghiệp nâng cao được lợi nhuận mà vẫn góp phần giúp hệ thống điện luôn được vận hành an toàn, ổn định".
Hay Công ty CP Than Hà Lầm cũng là đơn vị sản xuất lớn và nhu cầu sử dụng điện năng rất cao. Để thực hiện tiết kiệm điện, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điển hình như đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng bền vững thông qua hệ thống quản lý năng lượng Prospect; đào tạo người quản lý năng lượng theo khung chương trình quy định của Bộ Công thương; quy định đóng, cắt các thiết bị cao, hạ áp và phân cấp quản lý lưới điện nội bộ; kiểm tra định kỳ hàng tháng đối với các hệ thống điện chịu tải; áp dụng khởi động mềm và biến tần để khởi động, điều tốc các động cơ điện; lắp đặt bộ hẹn giờ Superdim cho hệ thống đèn led chiếu sáng, bù công suất phản kháng để giảm tổn thất điện áp trên đường truyền tải...
Có thể tiết kiệm được 4.200 tỷ đồng mỗi năm
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Tính đến hết năm 2023, cả nước có 19.690 khách hàng sử dụng điện có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên (đã bao gồm 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm), chiếm 42% tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn quốc năm 2023, tương ứng với 107 tỷ kWh/năm.
Nếu các khách hàng này thực hiện tiết kiệm điện với mức tối thiểu là 2% theo yêu cầu của Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện thì bình quân mỗi năm có thể tiết kiệm tới 2 tỷ kWh điện, tương ứng với tiết kiệm hóa đơn tiền điện khoảng 4.200 tỷ đồng/năm.
Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2011 của Quốc Hội; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SDNLTK&HQ và Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo về thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ, trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm 6 nội dung.
Thứ nhất, áp dụng mô hình quản lý năng lượng (công bố mục tiêu, chính sách về SDNTLK&HQ tại cơ sở; xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn, thưởng phạt); thứ hai, chỉ định người quản lý năng lượng có đủ các điều kiện và trách nhiệm; thứ ba, thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc ba năm một lần; gửi báo cáo kiểm toán năng lượng đến Sở Công thương trong thời gian 30 ngày, sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng; thứ tư, xây dựng kế hoạch SDNLTK&HQ cơ sở hàng năm và 5 năm báo cáo với Sở Công Thương; thứ năm, xây dựng chế độ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ; thứ sáu, thực hiện quy định về SDNLTK&HQ trong xây dựng mới, cải tạo và mở rộng cơ sở.
Với số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên, với tiềm năng tiết kiệm điện của nhóm này từ 20-30% là rất lớn, như vậy rõ ràng nếu nhóm khách hàng này thực hiện tốt các giải pháp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm thì tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc sẽ rất lớn.
"Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là nhóm khách hàng mà EVN và các đơn vị điện lực quan tâm nhất. Chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tư vấn sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm tới nhóm khách hàng này để đạt được các mục tiêu tiết kiệm điện tối thiểu nêu trong Chỉ thị 20 của TTCP, tiết kiệm kinh phí cho doanh nghiệp và phát triển bền vững", ông Nguyên nhấn mạnh.
EVN và các đơn vị điện lực thường xuyên tổ chức các hoạt động chính hướng tới nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm như: Tổ chức hội nghị khách hàng/hàng năm và thường kỳ (với chuyên đề tiết kiệm điện) để tuyên truyền, tư vấn khách hàng cách thức, giải pháp tiết kiệm điện phù hợp; làm việc trực tiếp với từng khách hàng để tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện và ký các cam kết thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng; hướng dẫn và ký cam kết với khách hàng sử dụng điện theo biểu đồ công suất đã đăng ký; cập nhật, thông báo điện năng tiêu thụ của doanh nghiệp trực tuyến, kèm theo các cảnh báo, khuyến nghị khi có sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến để doanh nghiệp điều chỉnh và áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện kịp thời; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý năng lượng, tiết kiệm điện tiên tiến như: kiểm toán năng lượng, ISO 50001, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hệ thống tích trữ năng lượng, bảo dưỡng miễn phí các công trình trạm biến áp và đường dây của doanh nghiệp, sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
"Tiết kiệm năng lượng là nguồn năng lượng đầu tiên", do vậy song song với các giải pháp đảm bảo cung ứng điện thì vai trò của "tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện" hết sức quan trọng và được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2025-2030, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này thông qua các chương trình cụ thể.
EVN sẽ tiếp tục thực hiện Luật SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng, các Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ, Chương trình quốc gia về DSM, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương.
Tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng, đa dạng các kênh tuyên truyền tới mọi khách hàng dùng điện và người dân về chính sách, quy định của nhà nước về SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nói riêng. Thực hiện các chương trình: "Giờ trái đất", "Sáng kiến tiết kiệm điện", "Gia đình tiết kiệm điện", "Công sở tiết kiệm điện", "Tiết kiệm điện học đường", quản lý, điều chỉnh phụ tải điện...", ông Nguyên cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận