Các nguồn tin thân cận với chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc tiết lộ với báo chí rằng, bà Carrie Lâm trước khi tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã phải chờ đợi sự chấp thuận của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này trái ngược với những gì chính bà đã công bố trước đó và tiếp tục có thể là một cái cớ để người biểu tình thêm phẫn nộ.
Quan trọng như bổ nhiệm nhân sự cấp cao
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn một nguồn tin rất thân cận với chính quyền Hồng Kông cho hay, chính bà Carrie Lâm đã đệ trình đề xuất việc rút dự luật dẫn độ (vốn châm ngòi cho các cuộc biểu tình gây khủng hoảng trầm trọng đặc khu) lên ông Tập Cận Bình và chờ đợi sự chấp thuận của nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc trước khi bà này chính thức tuyên bố rút lại vào ngày 4/9 vừa qua.
Điều trớ trêu là sự thật mới được tiết lộ lại trái ngược hoàn toàn với những gì Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lâm đã tuyên bố trước đó khi cho rằng việc bà công bố rút dự luật dẫn độ là sáng kiến và quyết định của chính mình để dập tắt biểu tình, chấm dứt bạo loạn và mở đường cho đối thoại hòa bình.
Bà Carrie Lâm khi đó nói rằng, việc rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi không bị tác động từ chính quyền đại lục và Bắc Kinh đã hiểu cũng như tôn trọng việc nhà chức trách Hồng Kông phải làm.
“Việc công bố rút dự luật dẫn độ là một quyết định cực kỳ quan trọng, tương đương với quyết định bổ nhiệm hay bãi nhiệm các quan chức cấp cao thuộc chính quyền đặc khu. Chính vì lý do đó mà nó phải được đệ trình và đề xuất lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chính quyền Hồng Kông không có đủ khả năng và bản lĩnh để đưa ra những lựa chọn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng do dự luật dẫn độ tạo ra bởi ngay cả chính quyền trung ương Bắc Kinh cũng đã phải cân nhắc và coi vấn đề Hồng Kông là một chủ đề quan trọng, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Mỹ cũng đã đang đối mặt với khủng hoảng trầm trọng.
Đó không còn là vấn đề cần giải quyết đơn thuần giữa Hồng Kông và chính quyền trung ương nữa. Nó đã phức tạp hơn rất nhiều”, nguồn tin giấu tên nói với báo SCMP.
Một quan chức của Hồng Kông cho biết, chính quyền đặc khu đã đề xuất và xin ý kiến của Bắc Kinh về tình hình sở tại, kênh liên lạc có thể là thông qua Văn phòng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Ma Cau của Hội đồng Nhà nước tại Hồng Kông hoặc Phòng liên lạc của Bắc Kinh ở đặc khu.
Vị quan chức này cho hay, hai văn phòng nói trên là nơi có nhiệm vụ tiếp nhận, liên lạc và trao đổi các báo cáo quan trọng về tình hình hình Hồng Kông và chuyển chúng cho một văn phòng do nhóm điều phối trung ương về các vấn đề Hồng Kông - Ma Cau của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại thành phố đặc khu đo đích thân ông Hàn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ đạo.
Những rò rỉ mới nhất
Trong một đoạn băng ghi âm vừa bị rò rỉ cách đây vài ngày, được thu lại trước thời điểm bà Carrie Lâm tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, người ta có thể nghe thấy tiếng của vị nữ Trưởng đặc khu này đang nói với một số doanh nhân (tại một cuộc họp riêng được tổ chức vào tháng trước) rằng cá nhân bà ít có sự lựa chọn trong khi các cuộc biểu tình chống dự luật lại đang leo thang nghiêm trọng đến “cấp độ quốc gia và quan trọng như vấn đề an ninh - chủ quyền của một nước”.
“Một khi đã xảy ra, đối với một vị trưởng đặc khu như tôi, không gian, thẩm quyền chính trị chỉ có giới hạn”, đoạn băng ghi âm có tiếng nói của bà Carrie Lâm bị rò rỉ cho thấy.
Một nguồn tin khác được yêu cầu bảo mật do SCMP viện dẫn có bình luận rằng, xét về khía cạnh an ninh quốc gia, việc bà Carrie Lâm quyết định xin ý kiến của ông Tập Cận Bình cũng là điều tự nhiên và hợp logic.
“Tình hình đã biến chuyển theo hướng xấu, không còn là vấn đề nội bộ của chính quyền Hồng Kông nữa”, nguồn tin bình luận thêm.
Trước đó, hôm 4/9, bà Carrie Lâm đã đứng trước công chúng và tuyên bố chính thức rút lại dự luật gây khủng hoảng từ tháng 6/2019 và cho đây là quyết định và lựa chọn của chính quyền Hồng Kông.
Nhà nữ lãnh đạo khi đó khẳng định rằng, chính quyền trung ương (Bắc Kinh) hiểu, tôn trọng và ủng hộ quyết định của nhà chức trách đặc khu. Trước đó, chính bà Carrie Lâm đã từ chối rút lại dự luật mà chỉ tuyên bố nó “đã chết”.
Người biểu tình Hồng Kông đến nay vẫn một mực đòi chính quyền sở tại phải có tuyên bố về việc từ bỏ hoàn toàn dự luật vì họ cho rằng đó là những việc làm mang tính chất lập pháp, cần phải có văn bản hủy bỏ chính thức.
Ngoài ra, theo phản ánh của các phương tiện truyền thông ở Hồng Kông, người biểu tình vẫn kiên quyết yêu cầu chính quyền giải quyết 4 đòi hỏi của họ bao gồm: Thành lập ủy ban điều tra việc cảnh sát hành hung người biểu tình; Ân xá cho tất cả những người bị bắt giữ; Không được coi, mô tả hoạt động biểu tình là bạo loạn; Khởi động lại tiến trình cải tổ chính trị của thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận