Thị trường

Tiêu thụ nông sản, làm sao để “được mùa được giá”

28/04/2015, 14:10

Vai trò quy hoạch của các Bộ, Ngành ở đâu khi nông dân cứ trồng ồ ạt rồi lại ngậm đắng khi mất giá.

cay-cao-su-23cba
Quy hoạch cao su đang bị phá vỡ

Dường như nông dân vẫn phải tự bơi trong điệp khúc “ được mùa mất giá”, câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách là làm sao để điệp khúc trên không bao giờ lặp lại.

Không phá vỡ quy hoạch

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêu thụ nông sản, liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/2, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại Nông lâm thủy sản cho biết: “Nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản của chúng ta đứng đầu thế giới tuy nhiên để đạt được kết quả mong đợi hơn chúng ta cần đánh giá kỹ hơn vai trò từ chính sách tới quy hoạch và phối hợp của bốn nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp)”

Ông Thừa nhận định, quy hoạch phát triển ổn định là hết sức cần thiết, quy hoạch phải được đánh giá bài bản, từng vùng lợi thế, từng sản phẩm, thực trạng ra sao?nhu cầu của thế giới dự kiến thế nào? Từ đó đưa ra những bài toán về diện tích, về sản lượng, và những giải pháp kèm theo.

Bên cạnh đó, chính sách nông nghiệp của chúng ta qua thời gian đã có tác dụng rất tích cực, ngoài vấn đề xây dựng, hoạch định chính sách tốt chúng ta phải quan tâm đến việc triển khai như thế nào. Điển hình cho các bài học đắt giá vừa xảy ra khi quy hoạch bị phá vỡ là cà phê và cao su. Cụ thể, trong quy hoạch cà phê là 520 ngàn ha nhưng thực tế hiện nay chúng ta đang có 620 ngàn ha, dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ khi dư tới hơn 100 ngàn ha. Cao su thì quy hoạch hơn 800 ngàn bây giờ thì khoảng 1 triệu ha. Tại các vùng sản xuất nông nghiệp đang có thực trạng nông dân thì luôn sẵn sàng chặt cây, chuyển đổi cơ cấu ồ ạt dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu. Nếu chúng ta không định hướng được sẽ có bài học đắt giá không chỉ cho nông dân mà cho cả nhà nước. Để hạn chế thực trạng trên cần phải có thông tin thông suốt giữa các Bộ ngành quản lý và chính quyền địa phương.

“Để khắc phục đứt đoạn về thông tin giữa Bộ ngành quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương thì vài trò của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện quy hoạch là rất quan trọng. Vai trò đó được khẳng định trong việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kiểm tra thực hiện quy hoạch cũng như tổ chức thực hiện liên kết bốn nhà. Xóa bỏ đứt đoạn giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp và người dân chúng ta không làm được thì không quy hoạch hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh khẳng định

Mặc dù thực hiện đúng quy hoạch là vấn đề lớn bởi khó đánh giá chính xác biến động của thị trường nhưng dù sao định hướng cho công tác sản xuất cũng phải dựa trên quy hoạch. Doanh nghiệp và người dân phải gắn kết được với nhau để tạo thuận lợi cho cả hai bên.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại Thủ tướng giao, Bộ Công Thương được giao là đầu mối chủ trì. Nhiều năm nay, Bộ đã triển khai sâu rộng và được sự quan tâm của nhà nước cả về nguồn kinh phí và cơ chế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho rằng: “Trên thực tế các chương trình xúc tiến thương mại của chúng ta không nên hiểu đơn giản là đưa hàng hóa của các công ty tham gia hội chợ triển lãm mà chương trình này còn mang tầm ý nghĩa lớn hơn nhiều bao gồm cả công tác xây dựng thương hiệu, nghiên cứu cơ bản về thị trường, phục vụ xây dựng chính sách của quốc gia về sản xuất và thương mại...”

Thực tế chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đang còn chậm đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu hội nhập sâu và rộng hơn nữa vào sự phát triển của thị trường thế giới và công nghệ rõ ràng là xúc tiến thương mại của chúng ta cũng cần phải được bổ sung, đặc biệt cần có vai trò lớn hơn của doanh nghiệp và sự chủ động của doanh nghiệp. Để phát huy được điều này thì cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại quốc gia cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

Trao đổi về vấn đề thúc đẩy xúc tiến thương mại ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Kinh phí xúc tiến thương mại của chúng ta hiện nay khoảng 5 triệu USD/năm cho tất cả các mặt hàng nông sản, so sánh với nước ngoài thì chỉ tính riêng mặt hàng cá hồi, Na Uy đã dành 100 triệu USD để xúc tiến thương mại. Đề nghị nhà nước xem xét xây dựng chính sách xã hội hóa kinh phí từ doanh nghiệp để lập quỹ cho hoạt động xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp sẽ không mất mà chỉ ứng ra để phát triển xúc tiến thương mại hiệu quả sau đó thu lại lợi nhuận từ thành quả này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.