Tiếp tục tìm kiếm phi công SU-22 của Không quân Việt Nam rơi gần đảo Phú Quý |
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 7 khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển miền Trung và Bình Thuận phối hợp với ngư dân trên biển tìm kiếm cứu nạn 2 phi công, đồng thời xác định khu vực máy bay rơi.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, đơn vị này nhận được thông tin hai máy bay Su-22 của Sư đoàn Không quân 370 gặp nạn và mất liên lạc vào lúc 11h35 trưa 16/4. Địa điểm máy bay mất liên lạc là tại vùng biển phía Bắc đảo Phú Quý, cách đảo khoảng 10-15 km.
Vào thời điểm trên, hai máy bay trên đang trong quá trình luyện tập. Khi đó, trên mỗi máy bay có một phi công. Có nguồn tin cho rằng hai phi công đã nhảy dù thoát ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, hiện cơ quan chức năng chưa thấy tung tích của hai người này nên chưa xác nhận thông tin.
Về thông tin hai máy bay có va chạm trước khi rơi xuống biển, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, chưa xác minh được vì hiện ông đang vào hiện trường để giải quyết sự việc. Ngay sau khi nhận được tin báo, có hai máy bay trực thăng cùng phối hợp có lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và lực lượng quân khu… đang tìm kiếm ở hiện trường nơi hai máy bay Su-22 mất liên lạc. Kiểm tra ban đầu của lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thấy vết dầu loang cùng một số thùng dầu phụ của máy bay.
Liên quan đến sự việc trên, Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang phối hợp xác minh thông tin. Hiện chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về sự việc trên, tất cả mọi thông tin cơ quan chức năng mới chỉ nhận được từ phía người dân. Vì thế, các cơ quan chức năng sau khi nhận được thông tin đang khẩn trương phối hợp rà soát các đầu mối thông tin từ đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận và phía không quân để đảm bảo thông tin chính xác nhất.
Theo thông tin mà PV Báo Giao thông cập nhật đến 21h30 tối 16/4, do gió to, trời tối nên các máy bay và tàu tìm kiếm của các lực lượng chức năng đã tạm đáp vào đảo Phú Quý, tiếp tục chờ lệnh. Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370; phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có thông báo chính thức
Chiều 16/4, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có thông báo số 543/TM-TC, cho biết ngày 16/4, Trung đoàn Không quân 937, đóng quân ở sân bay Phan Rang tổ chức huấn luyện bay trong điều kiện cơ động phức tạp trên biển ở khu vực vùng biển tỉnh Bình Thuận.
Lúc 11 giờ 24 phút, Biên đội 2 máy bay SU-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút (khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20km).
Máy bay Su-22 có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng giống nhau ở một điểm là loại máy bay một động cơ, có thể bay với tốc độ vượt âm thanh. Hầu hết Su-22 chỉ có một chỗ ngồi dành cho phi công, nhưng cũng có loại hai chỗ ngồi tên gọi U-Su-22 vừa dành cho huấn luyện, vừa chiến đấu. Phiên bản hiện đại nhất là Su-22M4. Đây là loại máy bay tiêm kích bom, chủ yếu để tấn công tiêu diệt các vị trí cố định và di động chậm trên mặt đất, mặt nước như các loại tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu tiếp liệu, tàu sân bay, tàu ngầm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận