Tết này, không ít khu du lịch ở Cần Thơ quảng cáo về các “dịch vụ Tết xưa”, như tạo lại khung cảnh nấu bánh tét ngày Tết, tát mương ăn Tết, hội bánh dân gian…
Những thứ đó, cả chục năm nay, ở miền Tây đã dần khó bắt gặp. Ngoại trừ tát mương ăn Tết, nhiều nơi vẫn còn duy trì nhờ nông dân vẫn giữ ao vườn.
Còn bánh tét, cứ đặt mua, bánh mứt ra siêu thị, cần gì tất bật gọt chẻ, phơi nắng, còng lưng đun nấu trong những ngày cận Tết… Dù rằng, đấy mới chính là không khí Tết…
Nhưng cũng khó. Nhiều người sống trong căn hộ chung cư, hay đặc thù công việc bận rộn quanh năm thì làm gì có điều kiện để gói bánh tét.
Với không ít người hoài cổ, tìm về những khung cảnh Tết xưa là điều mà họ khao khát.
Trên tờ báo nọ có đăng phóng sự ảnh về những người Sài Gòn say sưa câu cá rô đồng. Cái ao lọt thỏm trong lòng đô thị, sáng sớm khách chen lấn nhau vào, hồi hộp, rồi hân hoan với những con cá rô câu được.
Còn chủ ao, thu tiền xong, mỗi ngày cứ cho người thản nhiên thả cá xuống, ngay trước mắt người câu để làm “niềm vui” cho họ.
Ai cũng biết là cá “giả” chứ nào phải những chú cá rô tung tăng vô tư ngoài đồng ruộng. Cá ở đó không khác cá nuôi, nhưng câu thì cứ câu, niềm vui không vì thế mà giảm đi.
Sẽ có người nói rằng, đằng nào cũng mất tiền, sao không ra quách ngoài chợ mua dăm ký cá, tội chi phải vừa mất tiền vừa bỏ công câu cá… mà chủ ao mua ngoài chợ đem vô? Đâu phải! Họ chấp nhận bỏ tiền để mua cảm xúc, niềm vui đã mất, dù biết rằng không thật!
Đô thị hóa, cao ốc, khu dân cư ào ạt mọc lên. Ao đầm, đồng ruộng, mương vườn làm gì còn giữa phố. Hồi xưa, chỉ cần ra miệt Bình Chánh, Thủ Đức… cũng có thể tìm được thú vui câu cá tự nhiên. Còn giờ, khó mà tìm.
Đô thị, nhà máy không lấn kênh rạch, mương đồng,.. thì ô nhiễm cũng làm chim trời, cá nước ngoắc ngoải. Thôi thì tạm lấy cá chợ thả ao nuôi rồi… câu làm vui vậy, chấp nhận sự giả tạo!
Nhiều khu du lịch tái tạo lại cảnh thiên nhiên, vườn ruộng và thu hút rất nhiều khách
Nhớ cách đây chừng 20 năm, được đi ăn ở một nhà hàng sang trọng nào đó thì đã lấy làm hãnh diện. Còn giờ, mọi chuyện đã khác đi nhiều.
Những nơi nào càng gần gũi với thiên nhiên, đồng quê, kể cả là đồng quê hay thiên nhiên giả tạo, người ta lại càng thích. Và không hiểu rồi đây, muốn nhìn lại những căn nhà tranh, vách lá thì chỉ còn cách vào khu vui chơi nào đó?
Con diều giấy ngày xưa cả buổi trời ngồi cắt dán, nay chỉ cần ra chợ bỏ ít tiền là có ngay con diều vải, thêm cuộn dây buộc thả liền, tiện lợi trăm bề. Nhưng ai nói cái cảm giác nhìn con diều vải bỏ tiền mua đang bay tít trên trời xa ấy bằng được nhìn con diều giấy chính tay mình làm ra? Chẳng thể nào bằng!
Con diều giấy đôi lúc loạng choạng, khiến người thả cuống quýt xàng xê, né tránh. Rồi thu dây về sửa, rồi cười tít mắt, hãnh diện khi thấy diều lại chững chạc vươn cao. Thế mới là cái thú. Nhưng thôi. Thời buổi mà thời gian là tiền bạc, có diều vải cũng đã đỡ cơn ghiền.
Cuộc sống phát triển dần, nhiều thứ mới được hân hoan chấp nhận, và nhiều thứ cũ buộc phải đào thải. Và sẽ còn nhiều thứ bị lãng quên, đào thải trong cuộc sống tiếp diễn không ngừng này.
Song điều chắc chắn rằng, nhiều người sẽ phải chấp nhận mất tiền, chấp nhận sự giả dối để tìm lại “hương vị” những thứ bị đào thải và lãng quên ấy!
Nhưng sẽ có những thứ bị phôi pha, để rồi chẳng thể tìm lại, dù có bỏ ra rất nhiều tiền. Một vị tiến sĩ thường xuyên lăn lộn ở nông thôn, kể rằng lâu nay nổi cộm ở vùng này vẫn là tình làng nghĩa xóm. Hàng trăm, hàng ngàn người đã ra đi, về nơi đô hội phồn hoa, nhưng không ít người trong số họ vẫn cảm thấy rất cô đơn.
Khung cảnh căn bếp xưa được tái hiện trong một khu du lịch
Nơi đó, suốt ngày với họ chỉ là công việc để tồn tại. Ra đường cắm cúi đi, có gặp nhau thì họa may được cái gật đầu chào. Họ chỉ là chính mình, về với cuộc sống mà mình từng cảm thấy ấm cúng khi ngày Tết, trở về hàng dừa, bờ ruộng quê xưa, khi được dì Tám, chú Năm đem qua nhà cho mớ xoài mới hái, mớ cá mới tát mương…
"Nhưng nông thôn đang xáo trộn nhiều lắm", vị tiến sĩ nói. Ông sợ, khi giá đất đã tính bằng mét vuông chứ không bằng công, bằng tầm như xưa nữa; khi lương tháng đã lấn át mùa vụ, người nông dân cũng quen dần với ba chữ “đất mặt tiền”...
Kể những câu chuyện mắt thấy tai nghe, ông trầm ngâm: "Lúc ấy rồi tình làng nghĩa xóm liệu có "nghèo" đi không? Mà một khi thứ đó đã mất đi, cách gì tìm lại được?".
Tát mương kiếm cá tôm ăn Tết, khung cảnh quen thuộc với người nông dân miền Tây
Những thứ không hình, không dạng đã vậy, nói chi chuyện con sếu đầu đỏ ở bên đất Thái Lan. Một nhà nghiên cứu kể rằng, khi người Thái giàu, kinh tế phát triển, họ đã bỏ tiền mua sếu, tái tạo cảnh quan, mong sếu dừng chân sống những ngày còn lại trên đất Thái.
Nhưng sếu vẫn đi. Chúng đi khi cảm thấy những gì người ta tạo ra cho chúng quá giả tạo, bất an, môi trường tù túng…
Chúng ta có thể đánh mất nhiều thứ quý giá, đơn giản mộc mạc mình đã có, để rồi hối tiếc. Vậy nên khao khát tìm lại những thứ đã từng gắn bó, dưỡng nuôi cảm xúc của mình, đó là một nhu cầu tự nhiên của con người. Như Tết vậy!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận