"Chững" tín dụng bất động sản
Theo Tổng giám đốc MB, trong 2 quý đầu năm nay, phần lớn các mảng bất động sản đều gặp khó khăn, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến tín dụng bán lẻ của các ngân hàng.
Đối với bất động sản nhà ở, hiện tại nhu cầu của người dân đang ở mức thấp. Xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
"Thị trường cho vay bất động sản đang rất chậm. Mặc dù giá nhà neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, song giao dịch thực tế lại không nhiều", ông Phạm Như Ánh cho biết.
Tương tự như mảng nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng cũng chưa bứt phá. Lượng khách du lịch đã tăng trở lại, nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp khó khi "miếng bánh" thị phần bị chia nhỏ.
Trong giai đoạn trước dịch Covid-19, lượng cung và sản phẩm mới được đẩy ra thị trường ở mức quá lớn, và điều này trong ngắn hạn sẽ là thách thức cho các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Ở chiều ngược lại, CEO MB Bank tỏ ra khá lạc quan đối với mảng bất động sản khu công nghiệp. Đây có thể coi là điểm sáng của 6 tháng đầu năm và các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực này đều ghi nhận tăng trưởng.
Tại Hội nghị ngành Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 tổ chức ngày 19/6, NHNN cho biết đến 14/6, tăng trưởng tín dụng đã tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng nhưng vẫn nằm trong vùng đáy của 10 năm trở lại đây.
Hiện tại, các dự án bất động sản khu công nghiệp cơ bản đều được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý. Vừa qua, NHNN cũng đã hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp từ 200% xuống 160%, và khuyến khích các ngân hàng cho vay.
"Sự dịch chuyển của FDI vào Việt Nam đang có tác động tốt lên mảng bất động sản khu công nghiệp. Nhằm nắm bắt được cơ hội cũng như hỗ trợ nhà đầu tư, MB Bank đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này", ông Phạm Như Ánh chia sẻ.
Lãi suất xuống mức sâu nhất trong vòng 10 năm
Trong 6 tháng cuối năm, đại diện Ngân hàng Quân đội cho rằng, đây là sẽ thời điểm bản lề cho sự trở lại của thị trường bất động sản khi nhiều luật sửa đổi có hiệu lực.
Vừa qua, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành đã tập trung tháo gỡ vấn đề pháp lý nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, quá trình này phụ thuộc và cần động lực từ các luật sửa đổi mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở... (dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 8/2024). Khi đó, các "nút thắt" tồn đọng sẽ được tháo gỡ, bất động sản nhà ở phục hồi và tạo một hiệu ứng chung cho toàn thị trường. Không chỉ vậy, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi tín dụng bán lẻ sôi động trở lại.
Tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết, hết tháng 6, MB dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng được 6-6,5%. Với kế hoạch năm 2024 tăng trưởng khoảng 15,5%, ngân hàng đặt mục tiêu đạt khoảng thêm 8% trong 6 tháng cuối.
Ông Ánh lạc quan, MB sẽ hoàn thành mục tiêu của cả năm vào đầu hoặc giữa quý IV.
"Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang đa dạng hóa giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và hấp thụ thị trường", ông Ánh nói.
Đến nay, khối nhà băng đã giảm lãi suất xuống mức sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng, trong khi các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giải quyết khâu về giá.
Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng cũng đang điều chỉnh, nâng cấp và công nghệ hóa quy trình các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian triển khai đồng thời tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Đặc biệt, đầu tháng 8 năm nay, các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm, quy trình theo luật và chính sách mới.
"Sau khi các luật mới bắt đầu có hiệu lực sau 1/8, điều này sẽ có tác động rất lớn đến khách hàng. Chính vì vậy, chúng tôi cần tinh chỉnh các quy trình, sản phẩm theo luật và các thông tư, nghị định. Từ đó ngân hàng có thể phục vụ và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng", CEO MB cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận