Vẫn chưa tìm được hai tài công lái sà lan gây sập cầu Ghềnh. Ảnh: Linh Hoang |
Thượng tá Huỳnh Văn Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai, Trưởng phòng PC45 công an tỉnh Đồng Nai vừa cho biết, công an vẫn chưa tìm được hai người điều khiển chiếc sà lan SG-5984 đâm sập cầu Ghềnh trưa 20/3.
Thượng tá Nam cho biết, hiện cơ quan điều tra đã xác định được danh tính 2 nghi can điều khiển đầu kéo sà lan tông sập Cầu Ghềnh là Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Cả hai nghi can này là chú cháu và hiện đang bỏ trốn.
Tuy nhiên ông Nam cũng cho biết, bước đầu đã liên hệ được với chủ phương tiện và gia đình của hai nghi can này và xác định lúc xảy ra tai nạn trên sà làn chỉ có hai người. Cả hai đều sống sót sau khi rơi xuống sông, được người dân cứu vớt và bỏ trốn ngay sau đó.
Thượng tá Nam cũng cho biết, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án để điều tra cụ thể. Sau đó có thể khởi tố bị can đối với người trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng này.
Theo Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP HCM), Căn cứ vào điều 212 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ thì: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".
Trường hợp này người điều khiển sà lan đã bỏ trốn khỏi hiện trường, nên có cơ sở để truy cứu theo khoản 2 điều này: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”.
Do đó, để được hưởng khoan hồng của pháp luật, tài công điều khiển sà lan cần nhanh chóng đến trình diện tại các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, một loạt các hành vi liên quan khác có thể được xem xét như: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn”, “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ”. Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại xảy ra.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa, vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20/3, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại Km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An), làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.
Vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1; sà lan bị lật úp trên sông. Hiện chưa xác định được thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.
Tàu kéo SG - 3745 có công suất 205 CV là của chủ tàu là Phan Thế Thượng, địa chỉ 206 Lô BCC Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tàu được kiểm định ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015. Còn sà lan mang số hiệu SG - 5984 được kéo theo, người đứng tên đăng ký là Nguyễn Thu Hồng (cùng địa chỉ trên), có hạn đăng kiểm đến 4/7/2016.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, đích thân Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Nhật, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG đã đến hiện trường kiểm tra và chỉ đạo khắc phục sự cố này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận