Thời sự

Khởi tố vụ án sà lan đâm sập cầu Ghềnh

20/03/2016, 21:28

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố vụ án TNGT đường thủy nghiêm trọng sà lan đâm sập cầu Ghềnh.

IMG_0911
Công an đã khởi tố vụ án TNGT đường thủy nghiêm trọng sà lân đâm sập cầu Ghềnh, Biên Hòa. Ảnh: Vĩnh Phú

Chiều 20/3, tại buổi họp báo khẩn tại UBND tỉnh Đồng Nai, Thượng tá Huỳnh Văn Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai, Trưởng phòng PC45 công an tỉnh Đồng Nai cho biết đến chiều 20/3, các lực lượng tìm kiếm thông báo không có thương vong về người. Hiện công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự TNGT đường thủy sà lan tông sập cầu Ghềnh.

Công an tỉnh Đồng Nai xác định danh tính 2 người trên tàu kéo sà lan gây tai nạn làm sập cầu Ghềnh là Nguyễn Văn Lẹ, quê Sóc Trăng và Trần Văn Giang quê tỉnh Bạc Liêu. Hiện 2 người này đã bỏ trốn công an vẫn đang tiếp tục truy tìm để làm rõ.

Theo Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án trước. Sau đó tùy theo quá trình điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can đối với người điều khiển phương tiện, mà cụ thể ở đây là tài công điều khiển chiếc tàu kéo vì đây là người trực tiếp gây tai nạn.

Riêng trường hợp tàu kéo đã hết hạn kiểm định 3 tháng nhưng vẫn đưa vào sử dụng, ông Chung cho rằng chỉ có thể áp dụng xử phạt hành chính đối với chủ phương tiện.

Trước đó, trưa ngày 20/3/2016, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại Km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập nhịp 2 và 3 của cầu.

Vụ đâm đã làm nhịp 3 cầu Ghềnh rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 rơi một phần đầu phía Nam xuống sông, đầu nhịp phía Bắc rơi gác lên trụ số 1. Sà lan gây tai nạn lật úp trên sông. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh. Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm cản trở giao thông thủy, đình trệ giao thông đường sắt. Theo đánh giá ban đầu, để khắc phục lại các nhịp cầu Ghềnh phải mất từ 3-5 tháng. Trong thời gian này, ngành đường sắt buộc phải dùng ga Biên Hòa làm ga cuối trong hành trình Bắc - Nam. Trước mắt, trong những ngày tới, ngành đường sắt sẽ bố trí xe trung chuyển khách từ ga Biên Hòa về Ga Sài Gòn và ngược lại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.