Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Cô gái Canada bị truy tố vì nói dối nhiễm Covid-19
BBC đưa tin, nhà chức trách ở Hamilton, bang Ontario, Canada đang tiến hành truy tố tội lừa đảo đối với nữ nhân viên 18 tuổi làm việc cho một cửa hàng ăn nhanh McDonald trong thành phố sau khi người phụ nữ này làm giả giấy khám bệnh của bác sĩ, có nội dung kết luận cô dương tính với Covid-19.
Các điều tra cảnh sát cho hay, sau khi nữ nhân viên trình giấy khám bệnh lên viên quản lý hôm 19/3, cửa hàng đã phải đóng cửa vài ngày để khử trùng. Các đồng nghiệp của cô ta cũng phải tự cách ly để phòng ngừa nguy cơ làm lây lan virus corona chủng mới ra cộng đồng.
Tuy nhiên, cô gái nói trên không phải người duy nhất ở Canada gặp rắc rối với pháp luật vì dùng virus corona chủng mới để lừa mọi người. Hôm 25/3, cảnh sát Toronto cũng bắt giữ một người đàn ông đang cố mang 25 bộ xét nghiệm Covid-19 giả sang Mỹ. Ông ta được tin đã vận chuyển trót lọt nhiều sản phẩm bị làm giả này qua bên kia biên giới.
Cả hai nghi phạm dự kiến sẽ phải ra hầu tòa ở Canada vào tháng 5.
Thế giới có nguy cơ thiếu hụt bao cao su vì đại dịch
Trên thế giới, cứ mỗi 5 bao cao su là thì có 1 bao cao su do công ty Karex Bhd (Malaysia) sản xuất, theo Reuters.
Công ty Karex Bhd đã ngừng hoạt động sản xuất bao cao su tại 3 nhà máy ở Malaysia hơn một tuần do chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19.
Karex Bhd sản xuất bao cao su cho nhiều thương hiệu như Durex (Anh), đã được cấp phép sản xuất vào ngày 27/3, nhưng chỉ với 50% lực lượng lao động theo quy định miễn trừ đặc biệt cho những ngành công nghiệp quan trọng.
Giám đốc điều hành Goh Miah Kiat cho biết: "Chúng tôi sẽ cố đáp ứng đủ nhu cầu với một nửa công suất hoạt động".
"Chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt bao cao su toàn cầu, điều này sẽ rất đáng sợ. Đối với những chương trình viện trợ nhân đạo ở châu Phi, tình trạng thiếu hụt bao cao su không chỉ kéo dài 2 tuần hay 1 tháng, có thể nhiều tháng liền", ông Goh nói.
Nơi sản xuất bao cao su lớn khác là Trung Quốc đại lục cũng đóng cửa nhiều nhà máy.
Theo Reuters, hệ thống y tế quốc gia ở Anh và các chương trình viện trợ quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc ước tính thiếu hụt 100 triệu bao cao su.
86 nhân viên Liên Hợp quốc nhiễm Covid-19
Liên Hợp quốc đã có 86 nhân viên nhiễm Covid-19. Stephane Dujarric, người phát ngôn Liên Hợp quốc cho biết, ngoài phần lớn ca nhiễm từ châu Âu, một số ở châu Phi, châu Á, Mỹ và Trung Đông. Đa số nhân viên Liên Hợp Quốc chuyển sang làm việc tại nhà để phòng ngừa lây nhiễm, ABC News đưa tin.
Tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, ngày bình thường có 11.000 lượt nhân viên ra vào, nhưng số lượng người đang làm việc tại đây vào ngày 27/3 chỉ 140 người, ông Dujarric cho biết.
Tại Geneva, số lượng nhân viên tại văn phòng Liên Hợp quốc đã giảm từ 4.000 người vào những ngày bình thường xuống còn 70 người vào ngày 27/3. Hơn 97% số lượng nhân viên Liên Hợp quốc tại Vienna, Áo làm việc từ xa.
Italy - nước phương Tây đầu tiên đóng cửa các ngành công nghiệp vì dịch
Italy trở thành nước phương Tây đầu tiên đóng cửa hầu hết ngành công nghiệp ngăn Covid-19, trong khi nhiều nơi loay hoay với bài toán kinh tế và mạng người.
Hai tuần sau khi phong tỏa toàn quốc, chính phủ Italy quyết định mở rộng lệnh đóng cửa bắt buộc từ các hoạt động thương mại không thiết yếu đến ngành công nghiệp nặng của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Italy hiện là quốc gia xuất khẩu lớn về máy móc, dệt may và nhiều hàng hóa khác ở châu Âu.
Động thái mới của Italy, quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì nCoV nhiều nhất thế giới, giống các giải pháp mạnh tay được Trung Quốc áp dụng hơn là các quốc gia phương Tây khác, những nơi bùng phát dịch chậm hơn Italy ít nhất một, hai tuần.
Quyết định đóng cửa ngành công nghiệp cho thấy Italy đã đặt ưu tiên bảo vệ mạng người ở quốc gia có dân số già dễ tổn thương lên trên nỗi sợ hãi về nguy cơ gây tổn thương thêm cho nền kinh tế vốn đang đứng bên bờ vực suy thoái.
Nga: Số ca nhiễm Covid-19 tăng lên hơn 1.000, thêm người chết ở Moscow
Số người nhiễm Covid-19 ở Nga đã tăng thêm 196 ca lên mức 1.036 ca trong 24 giờ qua, Trung tâm kiểm soát dịch Covid-19 của Nga thông báo.
"Nga đã ghi nhận 1.036 trường hợp nhiễm Covid-19 ở 58 khu vực. Bảy người đã được xuất viện sau khi phục hồi trong 24 giờ qua. Tổng thể, 45 người đã được xuất viện” – thông báo của trung tâm nói trên của Nga cho hay.
Theo dữ liệu mới nhất, ba người đã được xuất viện từ Moscow, hai người ở Vùng Kirov, một người ở Cộng hòa Tatarstan và một người ở Vùng Moscow trong 24 giờ qua.
Theo báo cáo chi tiết: 196 trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Nga đã được xác nhận phân bố ở 16 khu vực của đất nước gồm:
157 ở Moscow, 12 ở Cộng hòa Crimea, 8 ở Vùng Moscow, 3 ở Vùng Volgograd, 2 ở Cộng hòa Chechen, 2 ở Cộng hòa Mordovia, 2 ở Cộng hòa Udmurt, 2 ở Vùng Samara, 1 ở Vùng Ivanovo, 1 ở Vùng Oryol, 1 ở Vùng Tula, 1 ở Vùng Yaroslavl, 1 ở Cộng hòa Dagestan, 1 ở Vùng Rostov, 1 ở Cộng hòa Tatarstan và 1 ở Vùng Kirov.
Ấn Độ cách ly khẩn 40.000 dân chỉ vì một bệnh nhân siêu lây nhiễm Covid-19
Nhà chức trách Ấn Độ đã phải cho cách ly khẩn 40.000 cư dân ở 20 ngôi làng thuộc bang miền bắc Punjab sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây chỉ vì một người "siêu lây nhiễm".
Baldev Singh, một giáo sĩ 70 tuổi ở Punjab chỉ được xác định tử vong vì Covid-19 sau khi ông chết. Ông Singh đã phớt lờ các cảnh báo của nhà chức trách y tế về việc tự cách ly sau khi trở về từ một chuyến đi tới Italia và Đức.
Theo BBC, giáo sĩ nói trên đã tham gia các hoạt động kỷ niệm lễ hội Holla Mohalla của đạo Sikh ngay trước khi chết. Lễ hội kéo dài 6 ngày này thu hút khoảng 10.000 người tham gia mỗi năm.
Một tuần sau cái chết của ông Singh, 19 người họ hàng của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.
Một quan chức bang Punjab tiết lộ, cho đến hiện tại, chính quyền đã tìm ra 550 người tiếp xúc trực tiếp với ông Singh và con số này hiện vẫn đang tăng lên. Nhà chức trách đã tiến hành phong tỏa tổng cộng 20 ngôi làng xung quanh khu vực giáo sĩ từng ở với tổng số khoảng 40 nghìn dân.
Hủy Đối thoại Shangri-La 2020 vì dịch Covid-19
Ban tổ chức sự kiện này hôm nay (28-3) thông báo Đối thoại Shangri-La 2020 sẽ không diễn ra vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Đài Channel News Asia (CAN), Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược (International Institute for Strategic Studies - IISS) cho biết đã đưa ra quyết định này sau khi tham vấn với nước chủ nhà đăng cai tổ chức hội nghị Singapore.
Thông cáo của IISS nêu: "Nhiều nước đã áp đặt các lệnh hạn chế đi lại để phòng dịch bệnh và điều này có thể vẫn còn hiệu lực tại thời điểm diễn đàn Đối thoại Shangri-la năm nay dự kiến sẽ diễn ra".
"Căn cứ thực tế diễn đàn có sự tham gia của hơn 40 quốc gia, nhiều nước trong đó đã áp dụng những quy định hạn chế này, IISS quyết định hành động hợp lý duy nhất lúc này là thông báo tới các đại biểu và những bên liên quan khác rằng sự kiện sẽ không diễn ra năm nay", thông cáo tiếp.
Bill Gates nghĩ khác ông Trump: "Trở lại bình thường' giữa tháng 4 là rất khó!"
Trái với mong muốn "bình thường hóa cuộc sống trong tháng 4" của Tổng thống Donald Trump, tỉ phú Bill Gates cho rằng nước Mỹ chỉ có một cơ hội duy nhất là phong tỏa toàn bộ trong 6 - 10 tuần nữa để ngăn dịch.
Xuất hiện trên Đài CNN tối 26/3 (giờ Mỹ), tỉ phú Bill Gates nhấn mạnh "không có khoảng thỏa hiệp" trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Mỹ cần phải phong tỏa trên cả nước để ngăn virus lây lan và giảm thiểu thiệt hại kinh tế về lâu dài.
Tuy không nhắc trực tiếp đến Tổng thống Trump, nhà sáng lập Microsoft cho rằng mong muốn đưa nước Mỹ trở lại cuộc sống bình thường đúng lễ Phục sinh ngày 12/4, tức chỉ hơn 2 tuần nữa, là không khả thi.
"Điều đó không thực tế. Số ca lây nhiễm vẫn đang tăng. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó khăn, nếu làm đúng chúng ta chỉ phải làm một lần: phong tỏa đồng loạt trên cả nước trong 6 - 10 tuần", tỉ phú hàng đầu thế giới nhận định.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vượt mốc 100.000
Tính đến hết ngày 27/3, tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới ở Mỹ đã vượt mốc 100.000, lên tới ít nhất 100.390 người sau một ngày tăng chóng mặt, thêm gần 15.000 ca nhiễm mới. Dữ liệu đánh dấu việc Mỹ đã vượt cả Italia và Trung Quốc trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Tổng số trường hợp thiệt mạng vì dịch tại nước này hiện là 1.543 người, tăng 248 người so với một ngày trước đó.
Tổng thống Donald Trump chiều 27/3 (theo giờ địa phương) đã ký phê chuẩn thành luật gói kích thích kinh tế lịch sử, trị giá tới 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp Mỹ trước những tác động của sự bùng phát dịch Covid-19.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, nước này trong tuần qua ghi nhận gần 3,3 triệu người thất nghiệp, mức cao nhất kể từ khi số liệu này được thông kê và gấp hơn 4 lần kỷ lục trước đó vào năm 1982.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận