Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Tình báo Hàn Quốc khẳng định ông Kim Jong-un không mổ tim
Cơ quan tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm nay, 6/5, cho biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trước công chúng tổng cộng 17 lần kể từ đầu năm 2020.
Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay, giảm 66% so với cùng kì năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này, theo NIS, là do ông Kim chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước, và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, NIS cũng khẳng định ông Kim Jong-un không gặp vấn đề về tim mạch. Bởi ngay cả một thủ thuật mổ tim đơn giản cũng sẽ mất 4 - 5 tuần để phục hồi.
KCNA đưa tin Chủ tịch Kim hôm 1/5 “tái xuất” sau 20 ngày không xuất hiện trước công chúng. Báo giới phương Tây đưa tin ông có thể bị bệnh nặng hoặc vừa phẫu thuật.
Trước đó, ông xuất hiện lần cuối trong một cuộc họp ngày 11/4, và vắng mặt trong sự kiện thường niên kỉ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-sung (15/4).
Đáng chú ý, cơ quan tình báo Hàn Quốc không loại trừ khả năng dịch Covid-19 đã bùng phát ở Triều Tiên.
Đến thời điểm này, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố chưa có ca COVID-19 nào được ghi nhận tại Triều Tiên.
Indonesia hoãn bầu cử vì Covid-19
Theo giới chức y tế Indonesia, nước này có thêm 484 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 5/5, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 12.071 người. Trong 24 giờ qua, thêm 8 ca tử vong được ghi nhận, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng ở quốc gia Đông Nam Á này lên 872 người.
Để ứng phó, Quốc hội và Chính phủ Indonesia đã thông qua quyết định hoãn tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 23/9 như kế hoạch ban đầu.
Theo sắc lệnh mới ký của Tổng thống Joko Widodo, các vòng bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào ngày 9/12 và có thể tiếp tục bị hoãn nếu dịch Covid-19 vẫn hoành hành trong lãnh thổ vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Indonesia bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ vượt qua được dịch bệnh vào tháng 6 tới đây.
Nhà nghiên cứu nCoV gốc Hoa bị bắn chết ở Mỹ
Bing Liu, 37 tuổi, tiến sĩ gốc Hoa đang nghiên cứu về nCoV, bị một người quen bắn chết tại nhà riêng ở bang Pennsylvania.
Tiến sĩ Bing Liu đang ở nhà một mình trong căn hộ ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania chiều 2/5 thì Hao Gu, 46 tuổi, đẩy cửa vào nhà và bắn nhiều phát súng khiến Liu tử vong.
Cảnh sát cho biết Gu sau đó quay lại xe đỗ cách đó khoảng 100 mét và nổ súng tự sát.
Tiến sĩ Liu là nhà nghiên cứu tại Khoa Sinh học Hệ thống và Điện toán của Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (UPMC). "Bing đang đứng trước những phát hiện quan trọng trong việc tìm hiểu cơ chế lây nhiễm của nCoV và cơ sở tế bào của các biến chứng tiếp theo", thông báo của UPMC cho hay.
Liu, người gốc Trung Quốc, đã lấy bằng cử nhân và tiến sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, sau đó học tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh.
"Tiến sĩ Bing Liu là một nhà nghiên cứu xuất sắc, được nhiều đồng nghiệp tôn trọng và đánh giá cao trong lĩnh vực này. Anh có những đóng góp độc đáo cho khoa học", thông báo nêu thêm.
Liu gia nhập UPMC 6 năm trước, là đồng tác giả của một cuốn sách và hơn 30 bài viết. Tiến sĩ Ivet Bahar, trưởng khoa Sinh học Hệ thống và Điện toán, nói rằng Liu mới nghiên cứu Covid-19 và "bắt đầu thu được kết quả đáng chú ý".
Hai học sinh chết sau khi đeo khẩu trang chạy trong giờ thể dục ở Trung Quốc
Hai học sinh trung học ở Trung Quốc chết vì ngưng tim đột ngột hồi tháng trước, tạo nên tranh cãi trên mạng liệu việc khẩu trang là nguyên nhân gây đột tử hay có yếu tố nào khác.
Giới chức giáo dục Trung Quốc đã quyết định bỏ môn chạy trong học kỳ này. Việc đeo khẩu trang trong giờ giáo dục thể chất được cho có liên quan cái chết của hai học sinh, theo Korea Times.
Học sinh ở hầu hết tỉnh thành Trung Quốc đã trở lại trường học sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, tuy nhiên các em được yêu cầu đeo khẩu trang và giữ giãn cách, để ngăn chặn sự tái bùng phát.
Hai học sinh tử vong gồm một em ở tỉnh Hà Nam hôm 24/4 và một em ở tỉnh Hồ Nam hôm 30/4. Theo báo cáo, cả hai học sinh đều "đột ngột" ngất xỉu và qua đời trên đường chạy ở trường.
Nam sinh ở Hồ Nam, 14 tuổi, đã đeo một chiếc khẩu trang N95 trong giờ kiểm tra chạy 1 km ở trường. Nam sinh này được cho là đã gặp vấn đề về thở trước khi qua đời, theo Global Times.
Sau khi xem lại băng hình ghi lại lúc con mình chạy, cha của nam sinh ở Hà Nam cho hay: "Nó đeo khẩu trang và nó đột ngột ngã về phía sau, đầu đập xuống đất".
"Hôm đó trời nắng và tiết thể dục diễn ra vào buổi chiều khi nhiệt độ ít nhất là 20 độ C. Không thể thoải mái được khi chạy mà đeo khẩu trang như thế", ông nói, nghi ngờ việc đeo khẩu trang là nguyên nhân gây tử vong.
Các hãng hàng không Mỹ "đốt” hơn 10 tỉ USD mỗi tháng vì nhu cầu đi lại giảm mạnh
Các hãng hàng không Mỹ đang "đốt" hơn 10 tỉ USD mỗi tháng và chở trung bình ít hơn 20 hành khách trên mỗi chuyến bay nội địa vì tác động của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại bằng máy bay giảm mạnh.
Hãng tin Reuters dẫn bản trả lời chuẩn bị trước cho phiên điều trần tại Ủy ban Thương mại Thượng viện ngày 6/5 (giờ Mỹ) của Tập đoàn thương mại Airlines for America cho biết thông tin trên.
Thậm chí, theo tài liệu này, ngay cả sau khi đã cho "nằm đất" hơn 3.000 chiếc máy bay, tương đương gần 50% phi đội máy bay thương mại đang hoạt động tại Mỹ, các hãng hàng không thành viên của tập đoàn, bao gồm 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, cũng chỉ chở trung bình 17 hành khách trên mỗi chuyến bay nội địa và 29 hành khách trên mỗi chuyến bay quốc tế.
Cũng theo bản trả lời chuẩn bị trước phiên điều trần tại Ủy ban Thương mại Thượng viện trên, hành khách đặt vé trước đã giảm gần 100% so với năm trước.
Tập đoàn Airlines for America cũng cảnh báo rằng nếu các hãng hàng không phải hoàn lại tất cả tiền vé, bao gồm những người đã đặt vé trước lẫn những người đã hủy vé, thì sẽ dẫn đến việc phá sản của một số hãng hàng không.
Các hãng hàng không Mỹ đã hủy hàng trăm ngàn chuyến bay, bao gồm hơn 80% các chuyến bay đã lên lịch trước trong tháng 6 tới trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách Mỹ giảm 95% kể từ tháng 3/2020.
Ông Trump không che mặt khi thăm nhà máy sản xuất khẩu trang
Ngày 5/5, ông Trump đã tới thăm nhà máy sản xuất khẩu trang Honeywell tại Phoenix, Arizona. Theo AFP, đây là chuyến công tác lớn đầu tiên của ông Trump bên ngoài Nhà Trắng sau 2 tháng.
Khi rời khỏi Washington, ông Trump gợi ý rằng có thể sẽ đeo khẩu trang, nhưng trong suốt chuyến thăm Honeywell, nhà lãnh đạo Mỹ dường như không thực hiện điều này.
Trong khi đó, các nhân viên nhà máy đều mang khẩu trang theo đúng khuyến cáo của chính phủ Mỹ và quy tắc của Honeywell được ghi trong bảng hướng dẫn an toàn: “Làm ơn đeo khẩu trang mọi lúc”.
Chuyến thăm tới nhà máy ở Arizona được xem như là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tái mở cửa kinh tế của ông Trump. Hiện kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội chống Covid-19.
Tổng thống Trump: Mỹ sẽ công bố nguồn gốc của Covid-19
Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ công bố chi tiết nguồn gốc của virus gây đại dịch viêm phổi cấp Covid-19, đồng thời hối thúc Trung Quốc minh bạch về vấn đề này.
Phát biểu với các phóng viên trước khi bắt đầu chuyến đi tới Arizona ngày 5/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Chúng tôi nhất định sẽ công bố (nguồn gốc của virus)". Chủ nhân Nhà Trắng không nêu cụ thể thời điểm sẽ công bố.
Mặt khác, ông Trump cũng hối thúc Trung Quốc minh bạch về các thông tin liên quan đến đại dịch. "Chúng tôi muốn họ minh bạch. Chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra để việc này không bao giờ lặp lại", Reuters dẫn lời Tổng thống Trump.
Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giấu dịch khiến Covid-19 lan rộng, trở thành đại dịch toàn cầu. Ông đã chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc của virus Corona mới gây Covid-19 (SARS-CoV-2).
Tuần trước, ông nói rằng có bằng chứng để khẳng định virus này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Hôm 3/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định có “bằng chứng lớn” về việc virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Nhà thiết kế tàu vũ trụ hàng đầu nước Nga qua đời sau khi mắc Covid-19
Nhà thiết kế chính của Tập đoàn tên lửa và Không gian Energia - Yevgeny Mikrin đã qua đời ở tuổi 65, Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết hôm thứ ba.
Sự ra đi của ông Mikrin - một chuyên gia cơ học và điều khiển - được coi là “mất mát không gì bù đắp đối với ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ của Nga, cũng như nên khoa học của đất nước", trích thông báo của Roscosmos.
Roscosmos không đề cập đến nguyên nhân tử vong của ông Mikrin. Tuy nhiên, báo giới địa phương tháng trước đã đưa tin ông Mikrin mắc Covid-19.
Hãng thông tấn Tass hôm qua dẫn lời Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Sergeev cho biết ông Mikrin qua đời tại một bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở vùng ngoại ô Moscow.
Ông Mikrin từng tham gia thiết kế các hệ thống điều khiển chuyến bay cho tàu con thoi Buran huyền thoại của Liên Xô, cũng như các mô-đun Nga trên ISS.
Vào cuối những năm 2010, ông Mikrin là người đi đầu trong nỗ lực số hóa các hệ thống điện tử hàng không trên tàu vũ trụ Soyuz và máy bay vận tải hiện đại.
72.000 người chết vì Covid-19, ông Trump chuyển hướng sang mở cửa kinh tế
Theo số liệu trên trang web Worldometers, tính đến chiều 5/5, Mỹ ghi nhận thêm 2.133 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại đây lên 72.054. Trong vòng 24h qua, Mỹ cũng ghi nhận thêm gần 22.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên hơn 1,23 triệu ca.
Phát biểu với phóng viên ngày 5/5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đứng đầu Ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, cho biết Tổng thống Trump muốn bàn giao vai trò ứng phó đại dịch của Nhà Trắng cho một cơ quan liên bang. "Chúng tôi đã bắt đầu trao đổi kế hoạch bàn giao với Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang FEMA", Phó Tổng thống Pence nói.
Ông Pence cho biết thêm, Nhà Trắng đang thảo luận lập ra các ban chuyên trách mới với quy mô nhỏ hơn tập trung vào vấn đề phát triển vắc xin và phương pháp điều trị. Chính quyền Tổng thống Trump đang thúc đẩy nghiên cứu vắc xin với mục tiêu sản xuất 100 triệu liều vào mùa thu tới và 300 triệu liều vào cuối năm nay.
Kế hoạch bàn giao nhiệm vụ ứng phó đại dịch của chính phủ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump được cho là chuyển hướng tập trung sang mở cửa nền kinh tế. Nhiều nghị sĩ đã chỉ trích Tổng thống Trump coi nhẹ mối đe dọa của Covid-19 khi khuyến khích các bang sớm mở cửa trở lại. Giới chức cấp cao của chính phủ cho biết, hiện họ đã nhận được kế hoạch mở cửa của 41 trong tổng số 50 bang.
75 máy bay hiện đại Nga sẽ trình diễn kỷ niệm Ngày Chiến thắng
Kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 ở Nga, sẽ có 55 máy bay cánh thẳng và 20 trực thăng bay trên Quảng trường Đỏ và Điện Kremlin ở thủ đô Mátxcơva và các nhóm máy bay trình diễn quy mô nhỏ hơn sẽ bay trên bầu trời hơn 30 thành phố khác của Nga nếu điều kiện thời tiết cho phép, hãng tin Nga Sputnik đưa tin.
Trên bầu trời Mátxcơva sẽ xuất hiện nhóm 4 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm Sukhoi Su-57. Không quân Nga đã đặt hàng 78 chiếc máy bay loại này và lô đầu tiên đã được chuyển giao hồi giữa năm ngoái.
Một điểm sáng khác của màn trình diễn trên không là nhóm 4 máy bay tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K được trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Dao găm). Loại máy bay này được tung ra hồi cuối năm 2017, có tầm bay hơn 2.000 km, tốc độ Mach 10.
Lần trình diễn sắp tới còn có sự xuất hiện của các loại máy bay tầm xa, bao gồm máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm Beriev A-50 dựa trên máy bay vận tải Ilyushin Il-76, máy bay tiếp liệu Ilyushin Il-78...
Ngoài ra, Tupolev Tu-95MS, xương sống của phi đội ném bom chiến lược của Nga, cũng góp mặt. Tupolev Tu-160 Belyy Lebed (Thiên nga trắng) có thể mang theo cả tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn truyền thống. Tupolev Tu-22M3 có thể mang theo nhiều tên lửa hành trình và thủy lôi, và gần đây được phê chuẩn mang theo tối đa 4 tên lửa Kinzhal.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hoãn tất cả các sự kiện công cộng kỷ niệm 75 Ngày Chiến thắng, bao gồm diễu binh quy mô lớn tại Quảng trường Đỏ, để ngăn đà lây lan của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông nói rằng, lễ diễu hành trên không sẽ được tổ chức ngày 9/5.
Vượt Italy, Anh thành nước nhiều ca tử vong nhất châu Âu
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab hôm 5/5 cho biết trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận thêm 693 người chết vì Covid-19. Hiện nước này có tổng cộng 194.990 ca nhiễm, với 29.427 ca tử vong do Covid-19, trở thành nơi có ca tử vong nhiều nhất châu Âu, vượt qua Italy và hiện chỉ ít hơn Mỹ.
Trong khi dịch bệnh tại Anh vẫn diễn biến phức tạp, số liệu về dịch ở Italy đã có dấu hiệu giảm tốc. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins hôm 5/5, Italy ghi nhận tất cả 29.315 ca tử vong trong khi con số đó ở Mỹ đã vượt qua mốc 70.000 trường hợp.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh phát biểu trong buổi họp báo rằng không thể đánh giá công tác chống dịch của một đất nước khi dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, dù vậy, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã gặp nhiều chỉ trích vì các biện pháp chống dịch vào giai đoạn đầu.
Italy và Tây Ban Nha, hai nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Âu, đã có những bước tiến đáng kể và đang dần nới lỏng các lệnh phong toả trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ quay lại làm việc và thông báo giai đoạn chống dịch tiếp theo của nước Anh, bao gồm dỡ bỏ các biện pháp phong toả.
Anh là một trong những nước áp đặt lệnh phong toả muộn nhất tại châu Âu để ngăn chặn virus corona lây lan. Trước đó, nhiều người từng cảnh báo chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của Thủ tướng Boris Johnson sẽ khiến vài trăm nghìn người thiệt mạng.
Ấn Độ thu "phí Corona đặc biệt" đối với tất cả các loại rượu
Theo Reuters, hàng trăm người Ấn Độ đã đổ xô đến các cửa hàng rượu khi những nơi này được phép mở cửa trở lại từ 4/5, sau khi chính phủ quyết định nới lỏng một số hạn chế chống dịch của lệnh phong tỏa lớn nhất hành tinh.
Trước tình hình trên, trong một thông báo công khai vào cuối ngày 4.5, giới chức thủ đô New Delhi công bố sẽ thu khoản "phí Corona đặc biệt" với những giao dịch mua rượu kể từ 5.5.
"Khoản "phí Corona đặc biệt" sẽ được áp dụng ở mức 70% giá bán lẻ tối đa của tất cả các loại rượu", thông báo từ giới chức New Delhi cho biết.
"Thật không may là hỗn loạn đã xảy ra tại một số cửa hàng bán rượu ở New Delhi. Chúng tôi sẽ buộc phải đóng cửa các cửa hàng nếu nhiều người không tuân thủ giãn cách xã hội và các biện pháp chống dịch", đại diện giới chức New Delhi Arvind Kejriwal cho biết.
Ở các bang khác như Andhra Pradesh cũng xảy ra tình trạng tương tự khi người dân không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để xếp hàng dài mua rượu.
Các chuyên gia y tế cho biết sự gia tăng các ca nhiễm mới mỗi ngày cho thấy Ấn Độ vẫn đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh, dù đã ban bố lệnh phong tỏa lớn nhất hành tinh với 1,3 tỉ dân kể từ cuối tháng 3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận