Tiếp tục tuân thủ các biện pháp bắt buộc trong phòng chống dịch Covid-19
Chiều 15/4, tại cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần với 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao.
Theo kiến nghị của Ban chỉ đạo Quốc gia, 12 tỉnh, thành nguy cơ cao gồm: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh. 12 tỉnh, thành này tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định.
Đối với nhóm có nguy cơ (15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp) và nhóm có nguy cơ thấp (36 tỉnh còn lại), Thủ tướng chỉ đạo cần có các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh phải có quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu chống dịch.
Tất cả các tỉnh đều vẫn phải thực hiện các biện pháp bắt buộc trong phòng chống dịch Covid-19, gồm có: Hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 mét; Cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); Cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế thực sự cần thiết phải tổ chức do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo khẩn các địa phương công tác chống dịch Covid-19
Tối 15/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, cho biết, sau cuộc họp chiều nay (15/4) của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có chỉ đạo khẩn lãnh đạo UBND các huyện/thị xã/thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của BCĐ quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương và chia làm 3 nhóm, nhóm tỉnh thành có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ, nhóm nguy cơ thấp. Theo đó, tỉnh Quảng Nam nằm trong nhóm 12 tỉnh/thành có nguy cơ cao về dịch Covid-19.
Thực hiện chủ trương đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 Lê Trí Thanh đã có thông tin chỉ đạo khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo ngay cho nhân dân biết thông tin này, theo đó phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm từ 1 đến 2 tuần nữa.
Vì vậy, trong khi chờ văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hành chính có liên quan của UBND tỉnh Quảng Nam và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19.
Thêm 2 bệnh nhân 145 và 235 được chữa khỏi
Thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, hôm nay (15/4), có 2 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 171 bệnh được công bố khỏi bệnh.
Đó là trường hợp bệnh nhân 145, nam, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Cần Thơ. Quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 12/4; lần 2 vào ngày 13/4 và lần 3 vào ngày 14/4, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân thứ 2 được công bố khỏi bệnh trong ngày hôm nay là ca số 235, nam, 25 tuổi, quốc tịch Anh, điều trị tại bệnh viện dã chiến Củ Chi - TP.HCM. Quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 6/4/2020; lần 2 vào ngày 8/4/2020 và lần 3 vào ngày 9/4, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Tìm người đã đến phòng tập Gym Lucky Star liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi
Chiều 15/4, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phát đi đề nghị tất cả những người có mặt tại phòng tập Gym Lucky Star, địa chỉ Đầm Và - Tiền Phong - Mê Linh, Hà Nội trong thời gian từ ngày 15/3-25/3/2020, đặc biệt vào các khung giờ từ 6h30 đến 8h và từ 15h đến 16h30, cần thực hiện một số yêu cầu: Liên hệ ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất để được tư vấn hỗ trợ; Nhắn tin tới số 8889 cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình; Thực hiện cách ly tại nhà; Và khai báo y tế.
Tính đến nay, tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Hạ Lôi đã lên tới con số 13, chỉ sau 1 tuần từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân 243.
Trước đó, ngày 8/4, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 250 là hàng xóm, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 243.
Ngày 9/4, thêm 2 bệnh nhân 253 là chị dâu, ở gần nhà bệnh nhân 243. Bệnh nhân 254 cũng là hàng xóm của bệnh nhân 243.
Ngày 10/4, bệnh nhân 257 được xác nhận. Bệnh nhân này là nữ học sinh 15 tuổi, có bố là bạn của bệnh nhân 243. Tuy nhiên, bố của bệnh nhân 257 cho kết quả âm tính với virus gây bệnh Covid-19.
Ngày 11/4, bệnh nhân 258, mẹ của bệnh nhân 257, cũng được công bố nhiễm bệnh.
Hà Nội đề xuất cách ly xã hội đến hết tháng 4
Tại cuộc họp Thường vụ Thành uỷ sáng 15/4, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề xuất với Thủ tướng cho phép Hà Nội kéo dài cách ly xã hội trên địa bàn đến hết tháng 4 do Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo ông Huệ, diễn biến dịch bệnh đã phức tạp hơn, một số người nghi có thời gian ủ bệnh lâu (trên 14 ngày), tái phát bệnh sau khi khỏi và còn hàng nghìn trường hợp xét nghiệp sàng lọc chưa có kết quả cuối cùng; do vậy, Hà Nội cần đề xuất Thủ tướng cho kéo dài cách ly xã hội tới 30/4.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm công tác khám chữa bệnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ thị 16; triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, đảm bảo công khai và không sai sót.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến trong Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đánh giá đa số nhân dân thủ đô tự giác thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền cũng đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhờ đó, qua hai tuần, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt Covid-19; các hoạt động kinh tế được duy trì; hàng hoá, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lãnh đạo thành phố cần tiếp tục yêu cầu chính quyền cơ sở phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong phòng, chống dịch bệnh, khi một số nơi người dân biểu hiện chủ quan; xuất hiện tình trạng người dân ra đường đông trở lại, đua xe trái phép...
Thêm 1 ca nhiễm mới tại ổ dịch Hạ Lôi
Sáng nay (15/4), Bộ Y tế vừa thông báo 1 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số 267 ca trên cả nước.
Ca bệnh 267: Là nam giới, 46 tuổi, xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, là bố của BN 257, chồng của BN 258, có tiếp xúc gần với BN 243 tại nhà ngày 20/3. Ngày 8/4, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Hà Nội.
Ngày 13/4 bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát họng, đau người, được lấy mẫu bệnh phẩm. Xét nghiệm ngày 14/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 155/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp chính quyền, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và trong phạm vi quản lý. Các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công trường xây dựng, tăng cường việc bảo hộ an toàn đối với công nhân, người lao động; quan tâm đến đời sống các đối tượng yếu thế.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg, được nhân dân cơ bản ủng hộ và đạt kết quả tốt.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, đòi hỏi cả nước tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Cần thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách trong thời gian ngắn để không phải áp dụng biện pháp phong tỏa trong thời gian dài; tiếp tục quán triệt và thực hiện đầy đủ phương châm chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Trong một vài ngày qua, tại một số nơi đã có hiện tượng lơi lỏng, tụ tập đông người tại nơi công cộng, mở cửa bán hàng… cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để tiếp tục tái diễn.
Kiên Giang đang truy tìm 2 thuyền viên từ Malaysia trở về trốn cách ly
Sáng 15/4, ông Cao Thành Nam, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp tìm kiếm 2 thuyền viên còn lại trong tổng số 23 thuyền viên trở về từ Malaysia để đưa đi cách ly tập trung.
Theo ông Nam, ngành chức năng đã tìm được địa chỉ, đồng thời động viên gia đình đưa 2 thuyền viên này đi cách ly tập trung nhưng hiện tại thuyền viên đi đâu thì gia đình không biết.
Như trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 8/4, 23 thuyền viên trở về từ Malaysia cập cảng ở đồn biên phòng Tây Yên (thuộc địa phận huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Sau đó, họ trở về địa phương, trong đó có 13 người ở huyện Châu Thành, 3 người ở Hòn Đất, 2 người ở TP Rạch Giá, 2 người ở huyện An Minh, 3 người ở huyện An Biên.
Đến chiều 14/4, có 21/23 thuyền viên được ngành chức năng đưa đến nơi cách ly tập trung theo quy định. Kết quả xét nghiệm 21 trường hợp đều âm tính với Covid-19. Riêng những trường hợp tiếp xúc với các thuyền viên cũng được địa phương quản lý theo dõi sức khỏe.
Tặng máy thở, 1.000 bộ kít xét nghiệm SASR-CoV-2 cho ngành Y tế Đà Nẵng
Sáng 15/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân ủng hộ thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 1,6 tỉ đồng tiền, hiện vật giá trị. Trong đó, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ủng hộ 1.000 bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 trị giá 500 triệu đồng.
Công ty cổ phần Đức Mạnh và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn cùng ủng hộ một máy trợ thở Puritan Bennett 840 trị giá 720 triệu đồng cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Đáng trân quý, cụ Hoàng Thị Mai (74 tuổi, thương binh 2/4) thay mặt 29 cụ ở Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng ủng hộ 10 triệu đồng. Dây là số tiền các cụ trích từ lương hưu, tiền phụng dưỡng của mình ủng hộ cho thành phố vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.
Ông Trần Việt Dũng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng cho hay, thời gian qua đơn vị đã tiếp nhận nhiều tỉ đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ.
Dự kiến trong tuần này, hai máy "ATM gạo" do Hội Doanh nhân trẻ thành phố đặt mua sẽ chính thức đi vào hoạt động, phát gạo miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu. Đến nay, Hội đã tiếp nhận 85 tấn gạo, sẵn sàng khi các máy "ATM gạo" hoạt động.
1 ca nhiễm liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
BN266: Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội. Trong các ngày 8 - 10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 12/3, bệnh nhân có biểu hiện ngứa họng. Từ ngày 30/3, bệnh nhân cách ly tại nhà. Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/4. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 91 phi công người Anh có chuyển biến tốt
Báo cáo nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP, BN 91 có dấu hiệu lâm sàng tương đối lạc quan hơn, như đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, không sốt, mạch 84 lần/phút, huyết áp 130/80 mmHg, SpO2 98%, xét nghiệm đông máu tạm ổn kèm tình trạng chảy máu mũi giảm, tiểu khá 700 ml/24 giờ.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, BN vẫn đang tiếp tục được hồi sức tích cực.
Cùng ngày, BS CK1 Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi-TP HCM cho biết, vừa có thêm 5 bệnh nhân (BN) khỏi bệnh Covid-19 được xuất viện về nhà. Sau khi xuất viện, 5 BN này sẽ phải tiếp tục theo dõi tại nhà 14 ngày.
Cụ thể 5 BN gồm: Bệnh nhân số 92 (nam, 21 tuổi, trú tại phường 9, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là du học sinh tại Pháp, BN 124 (nam, 52 tuổi, quốc tịch Brazil, trú tại quận 2-TP HCM), làm việc tại công ty TNHH giày Gia Định, có 2 chi nhánh tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai và quận 2,
BN 127 (nam, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Kinh, 23 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP. HCM) là nhân viên phục vụ bàn (theo ca 21 giờ - 4 giờ) tại quán Bar Buddha, quận 2.
BN thứ 143 (nữ, 58 tuổi, người Nam Phi, địa chỉ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú,TP HCM), từ Mỹ quá cảnh Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đi máy bay của Hãng Eva Air số hiệu BR395, số ghế 48A, đến TP.HCM ngày 21/3.
BN158 (nam, quốc tịch Brazil, 45 tuổi, hiện ngụ tại đường 42, quận 2 TP. HCM), nghề nghiệp kỹ thuật viên. BN có tiếp xúc với ca bệnh dương tính trong quán bar Buddha ngày 14/3.
Như vậy, TP. HCM chỉ còn 9 trường hợp dương tính với SARS-COV-2 đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện. Trong đó, tình trạng của BN thứ 91 rất nặng đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, 8 trường hợp còn lại đều ổn định (7 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, 1 trường hợp tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ).
TP.HCM: Cách ly 50 người, tìm khách cùng chuyến bay BN22 tái nhiễm Covid-19
Chiểu 14/4, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, qua tầm soát những chuyến bay nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 1 trường hợp dương tính với Covid-19.
Đây là bệnh nhân nam, quốc tịch Anh (bệnh nhân 22) từng được điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng từ 8/3 đến 27/3. Bệnh nhân được xét nghiệm 3 lần âm tính trước khi xuất viện và thực hiện cách ly 14 ngày sau xuất viện tại Đà Nẵng.
Ngày 10/4, bệnh nhân đi cùng bạn (bệnh nhân 23) từ Đà Nẵng vào TP.HCM trên chuyến bay VN125, nghỉ đêm tại khách sạn trên đường Hồng Hà (Phường 2, quận Tân Bình). Bệnh nhân được lấy mẫu sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/4. Ngày 11/4, bệnh nhân xuất cảnh về Anh.
Trong quá trình lưu trú ở TP.HCM, bệnh nhân không rời khỏi khách sạn. Ngành y tế TP.HCM thực hiện điều tra xác minh và lập danh sách người tiếp xúc của bệnh nhân tại khách sạn, người ngồi gần trên chuyến bay với bệnh nhân gồm 50 người. Những người nay được các. Cơ quan chức năng thực hiện cách ly, được lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm.
Thành phố cũng có thông báo gửi Hãng hàng không Vietnam Airlines để kịp thời thông báo, tìm kiếm các hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân người Anh này.
Từ trường hợp bệnh nhân thứ 22, ngành Y tế TP.HCM theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19; thực hiện hồ sơ theo dõi 25 trường hợp, trong đó 5 trường hợp chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm, 20 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm (6 âm tính, 14 đang chờ kết quả).
Dự kiến ngày 15/4, chuỗi lây nhiễm liên quan quán bar Buddha (Quận 2, TP.HCM) sẽ được kết thúc theo dõi nếu không phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết.
Diễn biến liên quan, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 1.991.799 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 126.019 người.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 467.187 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 51.655 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Tại Mỹ, tính đến 6h sáng 15/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn nước Mỹ đã lên tới 611.156 người, trong đó có 25.924 ca tử vong, 38.077 bệnh nhân đã bình phục và 12.828 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Trong 1 ngày qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 2.248 ca tử vong và 24.215 ca mắc bệnh mới.
Tại Anh, Bộ Y tế nước này thông báo số ca tử vong do mắc COVID-19 là 12.107 người, tăng 778 ca so với một ngày trước đó. Trong số 302.599 người được xét nghiệm, có 93.873 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tăng thêm 5.252 trường hợp. Với 778 trường hợp, Anh là nước chứng kiến số ca tử vong mới nhiều thứ hai thế giới trong vòng 1 ngày qua.
Pháp trong vòng 24h qua cũng ghi nhận số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, với 762 trường hợp. Bộ Y tế Pháp cho hay, tính đến sáng 15/4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 15.729 người tại nước này, trong khi tổng số ca mắc bệnh tăng lên 143.303, tăng 6.524 trường hợp so với 1 ngày trước.
Italy vẫn là quốc gia châu Âu có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất, với 21.067 trường hợp, tăng 602 ca so với ngày 14/4. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Âu này hiện là 162.448 ca, tăng 2.972 trường hợp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy dường như Italy đã qua đỉnh dịch, khi số người chết và mắc bệnh mới đi vào chu kỳ giảm.
Tại Bỉ, giới chức y tế Bỉ đã xác nhận thêm 254 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 4.157 người. Trong vòng 24 giờ qua, Bỉ cũng đã ghi nhận thêm 530 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 31.119 người. Số bệnh nhân hồi phục là 6.868 người.
Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 2.774 ca nhiễm, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca trên cả nước hiện là 21.102 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 1.489 ca trong một ngày qua, đưa tổng số ca ở thành phố này lên 13.002 ca, trong đó 1.016 người đã khỏi bệnh, 95 người tử vong.
Tại Nhật Bản, tới 6h sáng 15/4, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 53 ca mới, nâng tổng số ca lên thành 7.744 ca. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác. Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 158 người, bao gồm cả những bệnh nhân từ du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama gần thủ đô Tokyo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận