Chiều nay không có thêm ca nhiễm mới
18h ngày 27/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính Covid-19. Trước đó, hai người ở TP HCM, một người Phú Thọ được xác định dương tính trở lại sau xuất viện, nâng tổng số ca tái dương tính lên 8 và đưa số người đang điều trị lên 48.
Trong số 48 người đang điều trị tại 6 cơ sở y tế, hầu hết sức khỏe ổn định. Trong đó 8 ca xét nghiệm âm tính lần một, 6 ca âm tính lần hai.
Theo Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia chống dịch, ba bệnh nhân nặng diễn biến lâm sàng có cải thiện.
Đêm qua "bệnh nhân 20" 64 tuổi, điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sốt nhẹ 37,8 độ C. Bệnh nhân vẫn thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều.
Bệnh nhân được ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết. Tình trạng rối loạn đông máu còn cao hơn mức bình thường, điểm nhiễm trùng trên mức bình thường nhưng giảm so hôm trước. Bệnh nhân tiếp tục cai dần máy thở, tập phục hồi chức năng.
Bà vào viện nửa đêm 6/3, đến nay đã hơn 7 tuần điều trị. Đây là bệnh nhân Covid-19 có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam.
"Bệnh nhân 161" còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí hai bên rõ, phổi tiến triển tốt, tiếp tục tập tự thở qua máy, tim mạch và huyết áp bình thường. Bệnh nhân giao tiếp chậm, liệt cứng nửa người trái, ăn tiêu qua sonde, không có biểu hiện xuất huyết, chỉ điểm đông máu còn cao hơn mức bình thường, không sốt. Bệnh nhân xét nghiệm nCoV dương tính yếu, tiếp tục cai máy thở.
"Bệnh nhân 91" hiện nằm yên/an thần, không sốt, thở máy, không chảy máu thêm. Siêu âm tim và phổi co bóp tốt. Phổi phải đông đặc mặt sau và đáy phổi, phổi trái đông đặc nửa dưới.
Quảng Nam: Dừng 2 chốt kiểm tra dịch Covid-19 trên QL1A và QL14B
Tối 27/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định dừng hoạt động 2 chốt kiểm tra dịch Covid-19 trên QL1A và QL14B. Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn chốt kiểm tra dịch Covid-19 nào hoạt động.
Để kiểm soát và nâng cao công tác phòng dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Theo đó, CDC Quảng Nam tổ chức 2 đoàn điều tra dịch tễ phòng chống Covid-19, một đoàn đến những chợ trung tâm của 6 huyện, thị xã, thành phố; một đoàn đến 10 doanh nghiệp, nhà máy, công ty ở các khu cụm công nghiệp tại 9 huyện, thành phố thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho hay, theo kế hoạch, từ ngày 22–28/4, CDC Quảng Nam sẽ lấy 600 mẫu ngẫu nhiên để thực hiện xét nghiệm. Tiểu thương ở các chợ, công nhân hoạt động trong các nhà máy, xí nghiệp được chọn để lấy mẫu xét nghiệm; trong đó, ưu tiên những người có các triệu chứng ho, sốt, đau họng. Việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng như CDC Quảng Nam đang làm sẽ góp phần quan trọng kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng tốt hơn.
Thừa Thiên- Huế: Siết phòng chống Covid-19 tại sân bay, cảng biển
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ vừa ký văn bản số 3482 yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm dịch y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại sân bay quốc tế Phú Bài và cảng Chân Mây.
Cảng vụ Thừa Thiên- Huế có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ đạo Covid-19 của tỉnh các trường hợp cho tàu cập cảng biển. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với UBND huyện A Lưới tiếp tục tập trung giám sát vùng biên, liên hệ thông tin với lực lượng biên phòng nước bạn Lào để phòng ngừa, xử lý những trường hợp vượt biên, nhập cảnh tiểu ngạch, trái phép.
Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, xe/thuyền du lịch, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch điện hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GTVT tại công văn số 3863 ngày 22/4 như: hành khách, nhân viên phục vụ trên xe và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt…
UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở Du lịch, GTVT, Công thương, GD&ĐT và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh do ngành mình quản lý; tham mưu UBND tỉnh công bố làm cơ sở đánh giá việc đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Thêm 3 người dương tính trở lại sau khi công bố khỏi COVID-19
Thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 27/4 cho thấy, đã ghi nhận thêm 3 ca tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã có 8 ca tái dương tính. Trong 3 người tái dương tính hôm nay có 2 người ở TP HCM, 1 người ở Phú Thọ.
Ca bệnh ở Phú Thọ là bệnh nhân 74. Nam thanh niên 23 tuổi ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Sau 3 tuần điều trị ở bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, ngày 10/4, bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, về nhà cách ly tại Phú Thọ.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở. Ngày 25/4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2, được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Bệnh nhân tuân thủ cách ly tại nhà, có tiếp xúc với các thành viên trong gia đình (3 người). Hiện các đối tượng F1 đã được cách ly theo dõi tại Phú Thọ. Kết quả xét nghiệm thì cả 3 người này đều có kết quả âm tính. Phú Thọ đã tổ chức phun hoá chất khử trùng tại nhà bệnh nhân 74, khu vực xung quanh và lên phương án phòng, chống dịch.
Tại TP HCM 2 bệnh nhân tái dương tính là bệnh nhân 207 (khỏi bệnh hôm 18/4) và 224 (khỏi bệnh hôm 20/4).
Trong ngày 26/4, hai người này được đưa vào Bệnh viện Dã chiến Củ Chi theo dõi điều trị. Ngoài ra 1 trường hợp bệnh nhân 151 (xuất viện ngày 18/4) có tiếp xúc gần với bệnh nhân 207 cũng được chuyển vào Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để theo dõi. Bệnh nhân 207 là nam, 49 tuổi, quốc tịch Brazil trú tại Quận 2, TP HCM. Bệnh nhân là chồng bệnh nhân 151 và là đồng nghiệp bệnh nhân 124.
Bệnh nhân 224 là nam, 39 tuổi, quốc tịch Brazil, có địa chỉ tại phường Thảo Điền, Q.2, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Bộ Y tế xác nhận có 5 ca bệnh dương tính lại trước đó là các ca: số 188 điều trị tại bệnh viện Đa khoa Hà Nam, dương tính lại sau âm tính 2 lần liên tiếp, hiện đang điều trị tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ca số 137 (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2), và 2 ca số 52, 149 (Bệnh viện Dã chiến 2 Quảng Ninh), dương tính lại sau khi ra viện và âm tính 3 lần liên tiếp. Ca số 36 dương tính lại sau 5 lần âm tính liên tiếp, trước đó điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận nhưng hiện đang được theo dõi tại Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Bình Thuận.
Thông tin về những người có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết về chuyên môn, có thể có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn, tức là trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh nên chưa khỏi bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ hai, khả năng người này đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt (xác virus), bởi khi chúng ta làm khuếch đại gene, gene của virus này có thể xác định được. Nghĩa là đào thải ra mầm bệnh nhưng là mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ ba, là người lành mang trùng (chúng ta có 1 trường hợp ở dạng này dù chưa chắc chắn có phải thế không), xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để khống chế, kiểm soát, tiêu diệt virus.
Các điểm tham quan ở Nha Trang mở cửa trở lại
Ngày 27/4, Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa) đã mở cửa đón khách tham quan
Gia đình anh Hà Văn Phục từ Đắk Lắk xuống Tp. Nha Trang từ 2 hôm trước. Sáng nay (17/4), gia đinh đi dạo phố, ngang thấy di tích Tháp Bà Ponagar mở cửa liền ghé vào mua vé tham quan.
“Bữa trước gia đình mình xuống chỗ này vẫn đóng cửa, quán xá ở Nha Trang cũng thế. Hôm nay mở lại mình rất vui vì đây là điểm tham quan nổi tiếng mà”, anh Phục tâm sự.
Ghi nhận thực tế, trước khi vào tham quan, du khách được nhân viên di tích kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang. Khách đến không đông.
“Do mới mở cửa trở lại và thứ hai đầu tuần nên khách không nhiều. Trong buổi sáng khoảng vài chục vé. Năm ngoái, khi khách đông thì hàng ngày bán khoảng 2000-3000 vé”, một nhân viên di tích cho biết.
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau thời gian tạm ngừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ sáng 27-4, di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của người dân và du khách.
Trước khi đón khách, đơn vị đã tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực; nhân viên, du khách được yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt. Lượng khách tham quan cũng được kiểm soát, không tập trung quá 20 người.
Học sinh Nghệ An bắt đầu đi học trở lại
Sáng 27/4, hơn 280.000 học sinh THCS, THPT trên toàn tỉnh Nghệ An đã quay trở lại đi học. Sau kỳ nghỉ dài các bạn học sinh phấn khởi, vui vẻ khi được đến trường nhưng vẫn thực hiện giãn cách để phòng dịch bệnh.
Từ sáng sớm, tại trường THPT Nghi Lộc 5, ngay từ ngoài cổng, các em được nhắc nhở và xịt nước rửa tay khô. Nhà trường cũng chuẩn bị máy đo thân nhiệt hồng ngoại để kiểm tra cho học sinh và giáo viên.
Em Nguyễn Chiều Xuân (học sinh lớp 10, trường Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: “Em rất vui khi được trở lại trường sau kỳ nghỉ dài gần 3 tháng. Thời gian qua, em chỉ được gặp thầy cô giáo, các bạn trong lớp qua giờ học trực tuyến, hôm nay đến trường mới được thấy trực tiếp nên ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, chúng em vẫn thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc gần để phòng dịch bệnh”.
Hiện tại các trường học đã chủ động thực hiện phương án giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Phân công giáo viên, nhân viên hướng dẫn, giám sát học sinh trong giờ ra chơi để đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các trường thực hiện giãn cách bằng việc chia khối phân ca học sáng chiều. Đối với khối THPT, học sinh lớp 11 - 12 sẽ học buổi sáng, lớp 10 học buổi chiều. Khối THCS, học sinh lớp 8 - 9 học buổi sáng, lớp 6 -7 học buổi chiều.
Ngày đầu tiên đi học sau kỳ nghỉ dịch, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra việc tổ chức dạy học ở các nhà trường và nghe ý kiến của giáo viên về những khó khăn trong quá trình thực hiện giãn cách.
“Sau buổi học hôm nay, tùy theo thực tế của từng trường, việc giãn cách sẽ tiếp tục được điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên”, ông Thành nói.
Không có ca mắc mới, 320 người nghi nhiễm đang cách ly tại bệnh viện
Sáng 27/4, Bộ Y tế thông báo Việt Nam không có ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Tổng số bệnh nhân ở nước ta là 270 trường hợp. Theo bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 6h ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc Covid-19.
Từ 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện 255 người khỏi bệnh, 45 người tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.428. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 323, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.311 cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 40.794.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca, số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính là 3 ca.
Ngày thứ 11 không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng
Tính đến 6h sáng ngày 27/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới. Từ 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 270, trong đó 255 người khỏi bệnh. Tổng số trường hợp hiện được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố chỉ còn 28 người, 10 trường hợp cách ly tại khu cách ly quận, huyện và 146 người cách ly tại nhà.
Cũng trong hôm nay, công tác chống dịch ở Việt Nam đón nhận thêm tin vui. WHO chính thức công nhận chất lượng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Việt Nam, cấp mã số danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL).
Đây là bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR) được nghiên cứu và phát triển thành công bởi Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam hồi đầu tháng 3.
Cùng ngày, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta và các cơ quan chức năng Indonesia đưa về nước hơn 100 công dân Việt Nam.
Đây là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, sinh viên không có nơi cư trú do các ký túc xá đóng cửa, những người hết hạn thị thực nhưng bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch.
Sau khi hạ cánh tại Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đều sẽ được kiểm tra sức khỏe và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Sáng nay, 30 tỉnh thành đón học sinh trở lại trường
Sáng 27/4, học sinh tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ quay trở lại trường sau thời gian dài tạm nghỉ vì Covid-19.
Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các các sở giáo dục trong cả nước về điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại và xử trí trường hợp nghi mắc Covid-19 trong trường. Bộ đề nghị các nhà trường có biện pháp tổ chức dạy học theo từng khối/lớp và nhóm học sinh để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành Y tế; theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên đảm bảo giãn cách ngoài lớp học, phòng làm việc; không dùng chung các đồ dùng cá nhân. Kịp thời báo cáo lãnh đạo nhà trường nếu phát hiện có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên có biểu hiện không bình thường về sức khỏe để có biện pháp xử lý.
Bộ khuyến cáo chỉ tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi từng lớp; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp để tạo giãn cách và giám sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập trong giờ ra chơi.
Tiền hỗ trợ Covid-19 đã đến tay người dân Hà Nam, Hải Phòng
Đây là những địa phương đầu tiên trong ngày 26/4 thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại tỉnh Hà Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng chính quyền các huyện, thị đã đồng loạt triển khai chi trả tiền hỗ trợ tới hơn 90.000 người dân thuộc nhóm người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội.
Tỉnh Hà Nam đã tạm ứng 106 tỉ đồng để trước mắt thực hiện chi trả cho 25.000 người có công, 34.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và 42.000 người bảo trợ xã hội với mức hỗ trợ 1 tháng/1 triệu đồng/người.
"Đây là nhóm đối tượng đã có danh sách và hàng tháng tỉnh vẫn thực hiện chi trả chế độ, nên ngay khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định thì hôm nay, chúng tôi bắt đầu thực hiện chi trả tiền cho người dân để kịp thời hỗ trợ họ trong lúc khó khăn.
Tiếp đó, Sở Tài chính sẽ bổ sung tiêu chí cụ thể vì Hà Nam có nhiều làng nghề, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên sẽ căn cứ từng tiêu chí để xem ai được hưởng tối đa 3 tháng, ai được 1 tháng", ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết.
Phi công người Anh dương tính trở lại với Covid-19, phổi đông đặc
Ngày 26/4, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, ca bệnh cuối cùng nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục có những diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Phổi bệnh nhân bị đông đặc chưa cải thiện, tiên lượng còn rất nặng.
Sau 3 ngày liên tiếp xét nghiệm âm tính, đến ngày 25/4 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân bất ngờ dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Hiện người bệnh đang nhận được sự hỗ trợ chuyên môn tích cực từ Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế và phối hợp liên viện giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các giải pháp điều trị tối ưu nhất đã được các bác sĩ thực hiện với nỗ lực sớm giúp bệnh nhân qua được giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng phổi bị đông đặc của người bệnh chưa cải thiện, phổi phải đông đặc mặt sau và đáy phổi, có tràn dịch lượng ít, phổi trái đông đặc 1/2 dưới.
Bệnh nhân đã bước sang ngày thứ 21 phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo - oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể), tiếp tục phải thở máy, lọc máu và sử dụng kháng sinh, kháng nấm. Tiên lượng của bệnh nhân còn rất nặng, các bác sĩ chưa thể nói trước được khả năng bình phục trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận