Giao thông

Tin giao thông ngày 12/11: Những ai ở Hà Nội được đổi xe máy cũ thành mới?

12/11/2021, 16:20
image

Tin tức giao thông ngày 12/11: Từ hôm nay đến 30/11, Hà Nội chính thức triển khai chương trình thu xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải...

Những ai ở Hà Nội được đổi xe máy cũ thành mới?

Theo chuyên gia, nếu triển khai chương trình "đổi xe cũ lấy xe mới" thì tất cả những người làm ở Hà Nội đều phải được đổi và bù trừ hợp lý, không nhất thiết phải có hộ khẩu Hà Nội và giới hạn trong mấy hãng xe.

Từ hôm nay đến 30/11, Hà Nội chính thức triển khai chương trình thu xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải với mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng để chuyển sang xe mới.

img

Từ hôm nay đến 30/11, Hà Nội chính thức triển khai chương trình thu xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải

TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông cho rằng, từ năm ngoái năm kia đã có nhiều ý kiến về chương trình này rồi. Chủ trương đổi xe cũ nhằm giảm phát thải, ô nhiễm môi trường là rất đúng đắn, tuy nhiên, điều kiện đổi phải thực tế.

Theo ông Thủy, thực tế đó dựa trên cơ sở đời sống, thu nhập của người dân còn rất nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ người dân đi đổi xe cũ không chỉ là 4 triệu đồng mà phải là 6-10 triệu/xe thì mới khả thi. Như thế nhiều người sẽ đến đổi mà không trốn tránh.

"Người ta cũng cảm thấy được quan tâm và cũng bù đắp bớt khó khăn trong đời sống. Hà Nội không nên cố định ở mức hỗ trợ 4 triệu. Mức tiền hỗ trợ này đã đưa ra cách đây mấy năm rồi, giờ áp vào triển khai vẫn giữ nguyên là không thực tế”, TS Thuỷ thẳng thắn bày tỏ.

Vấn đề thứ hai, theo chuyên gia này là chủ trương đổi xe cũ lấy xe mới không nên dồn vào 1-2 năm mà phải thực hiện từng bước, 3-5 năm. Mỗi năm đổi khoảng 2.000 xe thôi.

Ví dụ năm 2022 đổi 3.000 xe, năm 2023 đổi 3.000 xe nữa, 2024 đổi 3-4.000 xe tiếp. Mỗi năm như vậy kinh phí sẽ có, không dùng 4 triệu nữa mà tăng lên 6-10 triệu. Như thế vừa dàn trải kinh phí, vừa là giảm bớt khó khăn cho người dân - những người không có tiền phải dùng xe cũ mưu sinh.

“Nên có sự chia sẻ thông cảm. Nếu làm được như vậy thì việc hiện thực hoá chính sách sẽ tốt hơn”, ông Thuỷ nhấn mạnh.

Clip: Hai thanh niên đi xe máy thoát chết khó tin dưới gầm xe tải

Khi đang lưu thông trên đường, 2 thanh niên đi xe máy bất ngờ bị 1chiếc xe tải tông ngã rồi cuốn vào gầm.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh 2 nam thanh niên đi xe máy thoát chết thần kỳ khi bị xe tải cuốn vào gầm khiến người xem không khỏi thót tim.

Nguồn clip: Mạng xã hội giao thông

Cụ thể, khi đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường, 2 nam thanh niên đi xe máy bất ngờ bị chiếc xe tải tông trúng.

Cú va chạm xảy ra khiến 2 người ngã xuống đường. Tuy nhiên, 1 trong 2 người đã bị chiếc xe tải cuốn vào gầm xe. Phát hiện sự việc, những người dân có mặt xung quanh đã nhanh chóng ra hiệu cho tài xế dừng lại và tìm cách đưa nạn nhân ra ngoài.

May mắn là cả hai chỉ bị thương nhẹ, toàn bộ diễn biến sự việc đã được camera giám sát ghi lại. Được biết, vụ tai nạn xảy ra tại Hưng Yên.

Ngay sau khi được đăng tải, đoạn clip đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. "Phúc cho cả hai nhà, nguy hiểm quá", "Sợ thế, may cho cả hai người đi xe máy", "May thanh niên kia vẫn bò ra ngoài được, xem mà thót tim"... là một số bình luận của người xem để lại.

Hà Nội chi gần 150 tỷ làm cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa được giao làm chủ đầu tư làm dự án cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là gần 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022.

img

Hà Nội chi gần 150 tỷ làm cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Về thiết kế, cầu vượt thép được lắp ghép theo hình chữ C dài hơn 300 m, rộng 9 m, tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp gồm ô tô và xe máy. Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại sẽ được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu dưới cầu.

Thông tin về phương án thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, trong phạm vi đường Chùa Bộc, đơn vị sẽ xén khoảng 400 m vỉa hè để mở rộng nút giao, xây dựng kết cấu đường mới cho phần mở rộng.

Trong đó, bên vỉa hè phía Học viện Ngân hàng xén dài 360 m, rộng 2-6 m, kết hợp với mở rộng nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn; vỉa hè phía đối diện xén dài hơn 100 m, rộng 2,5 m.

Đơn vị thi công cũng sẽ đánh chuyển một số cây xanh trong phạm vi dự án theo giấy phép của Sở Xây dựng Hà Nội.

Để phục vụ quá trình thi công, khoảng 250 m ở phố Phạm Ngọc Thạch được rào chắn, bề rộng rào chắn là 10 m. Sau đó, đơn vị thi công sẽ tiếp tục rào chắn, thi công công trình ở phố Chùa Bộc.

Trước đó, trong ngày 10/11, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã khoan mũi cọc nhồi tại công trình xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, công trình được xây dựng nhằm nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác, giải quyết tình trạng ùn tắc và hình thành hạ tầng giao thông khung của Hà Nội.

"Trong quá trình triển khai thực hiện thi công công trình nếu có bất cập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp với liên ngành cùng các đơn vị liên quan để thống nhất điều chỉnh cho phù hợp", Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

Thanh tra giao thông trắng đêm "trông" xe quá tải vì tài xế chốt cửa ngủ trong cabin

Sáng 12/11, thông tin từ Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Dương) cho biết, đơn vị đang tiến hành các thủ tục theo quy định để xử lý trường hợp lái xe ô tô đầu kéo chở quá tải trọng, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng.

Cụ thể, vào khoảng 2h ngày 11/11, Tổ công tác của Thanh tra giao thông (TTGT) Sở GTVT Hải Dương phát hiện xe ôtô đầu kéo BKS 98C - 206.23 kéo theo rơ moóc BKS 98R - 007.58 lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn qua xã Liên Hồng (TP Hải Dương) có dấu hiệu vi phạm tải trọng nên tiến hành kiểm tra.

img

Sau nhiều giờ thuyết phục, tài xế xe đầu kéo mới chịu mở cửa xe để làm việc với TTGT

Tuy nhiên, khi dừng xe, tài xế lại không hợp tác, không xuất trình giấy tờ liên quan, đồng thời đóng cửa cabin và nằm ngủ. Tổ công tác phải cắt cử lực lượng trông giữ phương tiện từ 2h đêm đến 7h sáng.

Đến 7h cùng ngày, Tổ công tác phối hợp với lực lượng CSGT tiếp tục làm việc với lái xe. Mặc dù vậy, lái xe chỉ khai tên là Đạo và xuất trình một phiếu xuất kho của Công ty CP Xi măng Xuân Thành số 13660031525, loại hàng là xi măng PCB40 trọng lượng 50 kg/bao với số lượng 700 bao, tương đương với 35 tấn.

Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong và đưa xe ô tô đầu kéo 98C-206.23 cùng toàn bộ hàng hoá về bãi tạm giữ do lái xe không hợp tác.

Qua tra cứu dữ liệu đăng kiểm cho thấy chủ phương tiện là Công ty TNHH một thành viên Dũng Năm ở khu Dốc Đồn, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Căn cứ thông tin từ phiếu xuất kho, dữ liệu đăng kiểm của phương tiện, lực lượng chức năng ban đầu xác định lái xe và chủ phương tiện đã vi phạm các lỗi gồm: Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng; điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép khi tham gia giao thông; giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ...

Sau 31/12, xe vận tải không lắp camera bị từ chối đăng kiểm, phạt tiền

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến hạn cuối các xe ô tô khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container phải hoàn thành lắp camera.

Dù vậy, đến nay, nhiều trường hợp xe đi đăng kiểm vẫn chưa lắp camera, chủ xe, doanh nghiệp có tâm lý ngóng chờ lùi thời hạn.

Theo quy định tại Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhóm xe như nêu ở trên phải lắp camera trước ngày 1/7/2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghị quyết số 66 của Chính phủ cho phép hoãn thời hạn xử phạt đến hết năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Cục Đăng kiểm VN hướng dẫn trong thời gian này chưa bắt buộc kiểm định đối với hạng mục camera. Trường hợp xe đã có camera vẫn được kiểm định và ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng kiểm.

Ông Dương Trung Lâm, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 98-03D cho biết, trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện.

Hơn nữa, khi tham gia giao thông, các xe này sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt (mức phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định).

“Trường hợp xe có thời hạn đăng kiểm từ nay đến 31/12/2021 nhưng chưa lắp camera, sau đó lắp trước hạn đăng kiểm tiếp theo và đề nghị bổ sung vào giấy chứng nhận đăng kiểm có thể phải kiểm định lại toàn bộ phương tiện, phải trả phí, lệ phí như kiểm định bình thường”, ông Lâm nói và cho biết, phương tiện lắp đúng kỳ đăng kiểm sẽ đỡ tốn công sức đi kiểm định đột xuất.

Giải thích rõ hơn, ông Bùi Minh Kiên, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D cho biết, để bổ sung thông tin phải in giấy chứng nhận đăng kiểm và tem mới, liên quan đến phí, lệ phí nên tính như lần đăng kiểm bình thường.

Tuy vậy, lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm cũng không khỏi băn khoăn, nên giải quyết thế nào đối với trường hợp xe đăng kiểm có thời hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021 và lắp camera trước ngày đến hạn đăng kiểm.

“Có rất nhiều trường hợp xe còn thời hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021, nếu lắp camera trước hạn đăng kiểm mà phải kiểm định lại toàn bộ xe cũng gây phát sinh chi phí đối với chủ phương tiện. Còn nếu không kiểm định lại sẽ không thể có thông tin về việc thiết bị này, làm căn cứ xuất trình khi bị lực lượng chức năng kiểm tra”, Giám đốc một trung tâm đăng kiểm cho biết.

Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, các trường hợp xe khách, xe đầu kéo, xe chở container có thời hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021, nếu lắp camera trước thời hạn đăng kiểm, có thể đề nghị trung tâm đăng kiểm xác nhận đã lắp, để không phải kiểm định lại. Khi đến kỳ đăng kiểm gần nhất sẽ đề nghị kiểm định thiết bị trên, bổ sung vào hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm.

Cây 300 tuổi chắn giữa đường, không ai dám chặt

Nếu lần đầu tiên đến thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhiều người hẳn sẽ rất bất ngờ khi lưu thông qua đường Ngô Tự Lợi. Bởi trên con đường láng nhựa phẳng phiu, thoáng đãng này, bỗng hiện ra một cây cổ thụ to lớn, cao sừng sững án ngữ ngay giữa đường.

Cây cổ thụ trên thuộc loại cây dầu, cao khoảng 30m, tán lá rộng khoảng 15m, thân cỡ 4 người ôm, rễ to tầng tầng lớp lớp quấn chặt thân cây. Người dân địa phương cho hay, cây dầu này đã tồn tại khoảng 300 năm.

Nhiều người dân địa phương tin rằng cây dầu cổ thụ có thần linh, có... oan hồn trú ngụ nên chẳng ai dám mạo phạm (?) Cánh tài xế xe khách phương xa mỗi khi có dịp đi ngang qua đây cũng đều dừng xe xuống thắp nhang, cúng bánh trái, cầu mong chuyến đi được an toàn.

img

Trước sự án ngữ giữa đường của cây dầu, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, có người tính đốn hạ. Nhưng suy đi tính lại, cuối cùng không ai dám.

Tuy cây đã chết từ năm 2017 nhưng cây Lâm Vồ và rễ Bồ Đề vẫn ôm quấn lấy thân cây. Nếu nhìn từ xa mọi người thấy như cây dầu vẫn còn sống. Còn việc các nhánh cây vươn dài ra thì mọi người ở đây không dám cắt tỉa hay chặt, vì sợ “nếu đụng tới sẽ chết”.

Trước sự án ngữ giữa đường của cây dầu, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, có người tính đốn hạ. Nhưng suy đi tính lại, cuối cùng không ai dám.

Và qua bao năm tháng, đã xảy ra thêm nhiều vụ tai nạn khác, nạn nhân phần lớn là những người từ xa tới, không quen đường, chạy tốc độ cao.

Trong quá trình tiếp cận với nhiều người dân thị trấn Ba Chúc tìm hiểu về lịch sử cây dầu, PV ghi nhận nhiều ý kiến, trong đó có cả thân nhân của người bị TNGT.

Họ đều mong rằng chính quyền tỉnh An Giang cần có biện pháp bảo tồn hợp lý, di dời hoặc chấn chỉnh, không để tiếp tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm vì cây dầu này. Nếu không đụng đến cây thì có thể mở rộng thêm đường về một bên...

Ông Phạm Minh Hiền, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc cho biết, cây dầu bên trong đã chết, bên ngoài mọc cây đa trùm vào thân cây nên nhìn từ xa, người ta vẫn nghĩ cây dầu vẫn còn sống.

“Động vào cây dầu này thì địa phương không dám, nên chúng tôi không thể di dời. Còn nếu bảo chặt bỏ thì càng không được, do cây gắn với biến cố lịch sử, đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Chúng tôi nhận thấy cây đa bám rễ giữ cây dầu rất chắc nên không thể chặt bỏ nó được”, ông Hiền nói.

Ông Hiền thông tin thêm, liên quan đến phản ánh về việc cây dầu chiếm diện tích lòng đường gây khó khăn cho người tham gia giao thông, hiện nay địa phương đã nâng cấp đường rộng rãi, gắn biển cảnh báo…

“Nói chung người dân địa phương đã quen sự có mặt cây dầu. Vì vậy, để cảnh báo giao thông tốt hơn, địa phương đã cho quấn đèn trang trí, đèn chiếu sáng để tạo nét đẹp riêng và cảnh báo từ xa cho người tham gia giao thông tốt hơn”, ông Hiền nói.

Hà Nội chưa trình HĐND thành phố đề án thu phí vào nội đô

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản trả lời Sở GTVT liên quan đến báo cáo của đơn vị này về phương án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Văn bản số 3863 do ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố ký nêu rõ: "Việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện".

img

Việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp

​UBND TP.Hà Nội chưa trình HĐND thành phố đề án thu phí phương tiện vào nội đô tại kỳ họp cuối năm 2021 do cần hoàn thiện thêm - Ảnh minh hoạ

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội được giao nghiên cứu làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.

Sở GTVT Hà Nội cũng được yêu cầu nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở ngành...

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông xe dịp Tết Nguyên đán

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt 85% khối lượng, đang thi công nước rút để kịp thông xe dịp Tết Nguyên đán 2022.

img

Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải ở quốc lộ 1.

Đầu tháng 11, đi dọc theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, không khí lao động hối hả. Hàng ngàn công nhân, kỹ sư vừa chống dịch, vừa thi công nhằm đảm bảo tiến độ. Theo báo cáo của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay việc thi công nền đường đã hoàn thành 44/45km, bêtông nhựa hoàn thành 39/45km.

Ông Nguyễn Tấn Đông, tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: "Hiện nay dự án đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành tiến độ, chỉ còn khoảng 10km đường chưa thảm nhựa. Trong tháng 11, các đơn vị sẽ hoàn thành mặt nhựa của phần đường còn lại này và sẽ thi công hệ thống an toàn giao thông, biển báo, thông tin liên lạc… Phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2021 để thông xe trước Tết Nguyên đán".

Ông Đông cho biết thêm, tiến độ toàn dự án hiện nay đạt khoảng 85% khối lượng. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, các đơn vị thi công đã xử lý các vướng mắc tại dự án như các nhà thầu chậm tiến độ để kịp thời bổ sung và thay thế, kiểm soát vấn đề về giá vật liệu bằng các chương trình bình ổn giá sắt, thép, ximăng, nhựa đường.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; giao với quốc lộ 30). Tổng chiều dài toàn tuyến là 51,1km (tính cả đường dẫn) với tổng mức đầu tư dự án là 12.668 tỉ đồng.

Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải ở quốc lộ 1.

Tàu điện đô thị Cát Linh - Hà Đông chở bao nhiêu khách sau 5 ngày?

Ngày 11/11, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, sau 5 ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành miễn phí (từ 6-11/11) đã có 132.325 lượt hành khách đi tàu.

img

Sau 5 ngày, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành miễn phí (từ 6-11/11) đã có 132.325 lượt hành khách đi tàu.

Trong đó, đông khách nhất là hai ngày đầu khai trương, sau đó khách giảm xuống ở mức dưới 20.000 khách/ngày, ngày thứ 5 có số lượng khách thấp nhất.

Cụ thể, ngày khai trương (6/11): có 25.680 lượt khách/chạy 109 chuyến; ngày 7/11: 54.121 khách/141 chuyến; ngày 8/11: 19.341 khách/136 chuyến; ngày 9/11: 16.857 khách/136 chuyến; ngày 10/11: 16.217 khách/136 chuyến.

Như vậy, trong 3 ngày từ 8 - 11/11 (ngày làm việc trong tuần) số lượng khách đi tàu trung bình có hơn 120 đến 140 khách/chuyến, tương đương với 12-14% sức chở tối đa của đoàn tàu (960 người).

Liên quan đến việc điểm trông giữ xe dọc tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông để phục vụ hành khách, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện chỉ có ga Cát Linh tổ chức giữ xe miễn phí cho khách đi tàu, còn các ga khác chưa tổ chức trông giữ xe.

Sở GTVT Hà Nội cho biết đã yêu cầu các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình khảo sát, lên phương án lập các điểm trông giữ xe phục vụ khách đi tàu. Hạn cuối là ngày 12/11, các quận sẽ báo cáo về phương án tổ chức trông giữ xe để Sở GTVT tổng hợp, báo cáo UBND TP. Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.