Chuyện dọc đường

Tinh gọn bộ máy không nên chỉ là một phép trừ

30/06/2023, 06:00

Việc tinh giản phải loại được những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, sợ sai, sợ trách nhiệm nhưng vẫn giữ chân được cán bộ có năng lực...

Báo cáo kết quả cải cách hành chính nửa đầu năm 2023, Bộ Nội vụ cho biết, sau khi sắp xếp bộ máy đã giảm 2 tổng cục trưởng; 8 tổng cục phó; 3 vụ trưởng và 9 vụ phó thuộc Bộ; 22 vụ trưởng và 66 phó vụ trưởng thuộc tổng cục.

Sắp xếp tổ chức bên trong các đơn vị trực thuộc, Bộ giảm 24 chức danh trưởng phòng; 48 phó phòng; điều chỉnh cơ cấu lại 33 biên chế công chức và 470 biên chế sự nghiệp; giảm 24 đơn vị đầu mối.

img

Tinh giản biên chế là mục tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước đặt ra, hướng đến nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Hình minh họa)

Bộ Nội vụ cũng đang phối hợp với các đơn vị khác đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại và thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Đã có 18/19 Bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

Theo báo cáo, tổng biên chế được tinh giản từ năm 2015 đến tháng 4/2023 là hơn 79.100 người, trong đó Trung ương 5.500 người, địa phương 73.600 người.

Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy ở các đơn vị, toàn quốc đã giảm 18 tổng cục, 102 vụ thuộc Bộ, ban, ngành; 107 cục, vụ thuộc tổng cục; 4.300 đầu mối cấp phòng. Cả nước giảm 6.600 đơn vị sự nghiệp công lập và 25.000 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng là một mục tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước đặt ra, hướng đến nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, cũng như tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề liên quan đến con người nên hết sức nhạy cảm, đòi hỏi những cách làm linh hoạt, cẩn trọng chứ không chỉ là một phép trừ đơn giản.

Nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố cốt lõi, quyết định hiệu quả hoạt động của bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, kể cả khu vực công hay khu vực tư.

Bởi vậy mà nếu con số tinh giản được chia đều cho các cơ quan, đơn vị chưa thật sự hợp lý bởi với chức năng, vai trò, yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, các cơ quan cũng có những đòi hỏi về nhân sự khác nhau.

Bên cạnh đó, ngoài những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc thì vẫn tồn tại thực trạng người có năng lực nhưng lại xin ra khỏi khu vực công do thu nhập, đãi ngộ chưa tốt, môi trường làm việc không giúp họ phát huy được hết khả năng cống hiến của mình.

Vì thế, song song với tinh giản biên chế, cần có cơ chế, chính sách giữ chân và tuyển dụng người có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bởi nếu chỉ tập trung vào tinh giản, đến khi cần đội ngũ thay thế thì khu vực công đã mất đi sức hút so với khu vực tư.

Nói cách khác, việc tinh giản phải loại được những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, những người không dám hành động vì sợ sai, sợ trách nhiệm, những người có trình độ yếu kém; tinh giản nhưng vẫn giữ chân được người có năng lực, không để vì lý do thu nhập hay môi trường làm việc mà khu vực công bị chảy máu chất xám.

Tương tự như vậy, việc tinh gọn bộ máy cũng không nên chỉ là làm một phép trừ. Việc thu gọn đầu mối trong cùng một cơ quan, giữa các đơn vị cùng một cơ quan cũng phải thực chất, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.