Các địa phương cũng đã nắm bắt và chuẩn bị sẵn nguồn lực để đón đầu cơ hội này.
“Đại bàng” đã về Ninh Thuận
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy (hàng trên, thứ 2 từ phải qua) kiểm tra công trường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận ngày 4/11/2022. Ảnh: Vĩnh Phú
Những ngày cuối năm 2022, thông tin Ninh Thuận khởi công đường nối từ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến cảng Cà Ná khiến người dân nơi đây ai cũng vui mừng.
Tuyến đường này do Trung Nam Group đầu tư với tổng số vốn 213 tỷ đồng. Chỉ 3 tháng nữa, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.
Lúc đó, với đường nối đã xây dựng, hàng hóa, hành khách từ TP.HCM ra Ninh Thuận và ngược lại chỉ mất hơn 3 tiếng đồng hồ lưu thông, thay vì gần 8 tiếng như hiện nay.
Mấy năm gầy đây, Ninh Thuận được xem là nơi nhiều “đại bàng” về làm tổ. Trung Nam Group là một trong những đơn vị tiên phong khi đã đổ vào vùng đất khô cằn sỏi đá này gần 2 tỷ USD để đầu tư điện gió, điện mặt trời và các khu resort nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Tập đoàn này cũng đã khánh thành sân golf 18 lỗ tại Khu du lịch Bình Tiên, trong đó hố golf số 13 được bình chọn là hố golf đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Nói về lý do chọn Ninh Thuận làm nơi đầu tư, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) cho biết, muốn biến Ninh Thuận trở thành một điểm đến ấn tượng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tại khu vực biển Ninh Chữ, những ngày cuối năm vẫn đang tất bật triển khai dự án Pacific Hotel and Resort. Đây là khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực ngay trung tâm Phan Rang, do một tập đoàn ở phía Bắc vào đầu tư.
Dự án có quy mô một khách sạn 5 sao cao 11 tầng, 27 biệt thự nghỉ dưỡng, 98 căn thấp tầng thương mại và dịch vụ. Tổng diện tích xây dựng khoảng 32.502m2.
Lâu nay, biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, vườn quốc gia Núi Chúa… được ví như bức tranh hoang sơ của núi và biển cả hấp dẫn khách du lịch ưa thích mạo hiểm tìm đến khám phá. Khó khăn trong giao thông đi lại khiến những vùng đất này chưa được khai phá.
Ba tháng nữa, khi cao tốc hoàn thành, những đoàn khách du lịch sẽ nườm nượp đến Ninh Thuận. Đó là những lý do để các “đại bàng” tìm về đây.
Cũng đón đầu cho tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sắp đưa vào khai thác, từ nhiều năm qua, Tập đoàn Novaland đã đầu tư các khu đô thị ven biển đẳng cấp như: Nova World Phan Thiết, Nova World Mũi Né… Tỉnh Bình Thuận cũng đứng ra đăng cai tổ chức “Năm du lịch quốc gia 2023” để thu hút du khách.
Cao tốc nối thông, kinh tế phát triển
Thi công thảm nhựa mặt đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Du lịch biển là thế mạnh của các tỉnh Nam Trung bộ nhưng bị hạn chế bởi đường sá cách trở. Khi tuyến cao tốc từ Dầu Giây đến Vĩnh Hảo dài gần 200km hoàn thành sẽ là bước chuyển mình của các địa phương này trong việc chào đón du khách.
Dưới góc độ của một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist cho rằng, giao thông thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của du khách.
Tuy vậy, các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận cần xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, không trùng lắp. Đồng thời, ngay từ bây giờ phải quảng bá các sản phẩm này để du khách biết, lựa chọn các điểm đến, chứ đợi đến khi cao tốc đưa vào khai thác mới công bố đã trễ cơ hội.
Cùng với du lịch, các tỉnh Nam Trung bộ cũng đưa ra các chiến lược phát triển kinh tế dựa trên lợi thế về giao thông khi có cao tốc.
Cuối năm 2022, tỉnh Ninh Thuận công bố đề án xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam với tổng diện tích 439km2. Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam hoàn thành có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển liên kết vùng tạo động lực mới phát triển kinh tế của tỉnh.
“Cùng với cao tốc, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư cảng Cà Ná, có thể tiếp nhận tàu 30.000 DWT để kết nối Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của tỉnh nói chung”, ông Nam nói.
Trong khi đó tại Bình Thuận, ngoài các KCN Hàm Kiệm, Phan Thiết, tỉnh này đã khởi công đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân), chuẩn bị đầu tư KCN Tân Đức nằm cạnh bên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua.
Ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, mang tính liên kết vùng, Bình Thuận tiếp tục là điểm mạnh thu hút đầu tư những năm tới.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017- 2020 khởi công ngày 30/9/2020, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Dự án với tuyến chính dài hơn 99km, đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.
Tương tự, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết khởi công cuối năm 2020, tổng đầu tư gần 11.000 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Tuyến dài hơn 100km, quy mô 6 làn xe, mặt đường 32m, qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Cả hai dự án đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022, đang được tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận