Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp lại thầy cô nhân ngày kỷ niệm thành lập Trường cấp ba Đa Phúc |
Niềm tin của thầy giáo cũ
Trực tiếp dạy môn Trung văn cho người học trò nay đã là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc suốt ba năm cấp ba ở trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), thầy Nguyễn Bá Trường (SN 1934, ở thôn Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không giấu niềm tự hào khi kể với phóng viên về học trò cũ.
Ngay khi biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội tín nhiệm lựa chọn, người thầy giáo già xúc động và đặt niềm tin rất lớn vào người học trò cũ: “Cậu học trò này tính tình thẳng thắn, bộc trực, rất nhiệt tình trong công tác đoàn thể, có thể nói có tố chất lãnh đạo từ thuở đi học”.
Vừa ân cần dìu vợ cũng là giáo viên dạy vật lý cùng trường ngồi xuống giường, thầy Trường vừa kể, lần gặp gần đây nhất với người học trò cũ là vào năm 2013.
“Năm đó, trường THPT Đa Phúc kỷ niệm 50 năm thành lập, tôi có về dự hội trường. Trò Phúc vừa từ trên xe ô tô xuống, nhìn thấy tôi vội chạy lại ôm lấy thầy, hỏi thăm sức khỏe của nhà tôi. Trò Phúc còn kể về kỷ niệm thời đi học đầy khó khăn, nhà tôi dạy môn Vật lý, cô và trò phải lấy dây thừng thay dây điện để minh họa cho bài học, cô dạy trò cách vắt dây thừng thay dây điện thế nào”, thầy kể.
Trong ký ức của thầy Trường, học trò Nguyễn Xuân Phúc dù bận rộn trọng trách nhưng với thầy cô vẫn như một cậu trò nhỏ năm nào. “Vợ tôi những ngày chưa lâm bệnh, còn tỉnh táo vẫn thường nhắc đến trò Phúc như một người học trò nghĩa tình, dù ít có cơ hội về trường cũ thầy xưa, nhưng mỗi lần gặp lại thì đều ân cần thăm hỏi, nhớ đến từng câu chuyện nhỏ ngày ngồi trên ghế giảng đường”, thày Trường nói.
Những tháng năm nghĩa tình
Cô Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng trường cấp ba Đa Phúc tâm sự: “Năm 2013, nhân dịp 50 năm thành lập, Trường rất vinh dự được bác Phúc khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu học trò khóa 1970-1973 về thăm. Bài diễn văn của bác khiến các thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường rất xúc động. Hôm đó, Phó Thủ tướng đã kể lại nhiều kỷ niệm ở mái trường này, nhắc tên từng thầy cô giáo cũ và bày tỏ lòng biết ơn tới sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của các thầy cô, sự chia sẻ và đùm bọc của nhân dân địa phương và bạn bè nơi đây".
Năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng cô Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc thắp đuốc truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường. |
Trong căn nhà mái ngói ba gian giản dị ở xóm Rừng Cơm, thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, ông Dương Văn Mùi chỉ tay về phía cây mít, cây nhãn phía hông nhà kể lại: “Tháng 6/1972, do Mỹ đánh phá miền Bắc lần thứ hai ác liệt, thày trò trường THPT Đa Phúc phải sơ tán về xóm Rừng Cơm. Lớp học được xây chìm, chỉ nhô lên khỏi mặt đất khoảng 1m để tránh máy bay. Xung quanh trường là giao thông hào và hầm chữ A. Thầy trò nhà trường đã được bà con địa phương đùm bọc rất nhiều”.
Ông Mùi khi đó vừa là bạn học cùng lớp, vừa là con của chủ ngôi nhà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trọ học. Theo lời kể của người bạn học, thời điểm đó, mẹ và chị gái hy sinh, cậu học trò Nguyễn Xuân Phúc từ Quảng Nam tập kết ra Bắc theo cha là bác Hiền đang công tác tại trường Trung cấp điện ở Sóc Sơn.
"Anh Phúc là Phó bí thư đoàn trường, lớp trưởng, tôi là lớp phó. Vừa học giỏi, vừa năng nổ nên anh Phúc luôn là “thủ lĩnh” các phong trào", ông Mùi nhớ lại.
Từng ngồi cùng bàn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở trường THPT Đa Phúc, Ts. Nguyễn Hữu Mùi, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội kể lại: “ Năm cuối cấp ba, anh Phúc, tôi và 6 bạn nữa được tuyển chọn để đi học ở nước ngoài. Anh Phúc được Trường giao làm trưởng đoàn dẫn các bạn đi khám sức khỏe tận trên Vĩnh Phúc”.
Hơn 9h tối cả đoàn mới khám xong, thời đó chưa có điện đèn, đường sá lỗ bom đánh sâu hoắm, cả đoàn bám nhau đạp xe đi trong đêm mù mịt, nhiều người run lập cập, nhưng anh Phúc vẫn rắn rỏi động viên, kỷ niệm ấy giờ tôi vẫn không quên, ông Mùi kể.
Sau đó, không rõ vì lý do gì, chương trình đi học nước ngoài bị hủy bỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được vào học Đại học Kinh tế quốc dân, còn ông Mùi đi bộ đội rồi vào học Đại học Sư phạm, là một trong số ít người của trường THPT Đa Phúc đỗ đại học thời bấy giờ.
Ôn lại lịch sử của trường, trò chuyện với phóng viên, cô Hiệu trưởng Trường Đa Phúc chia sẻ "Các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của trường rất tự hào khi trang sử của nhà trường có tên một học trò đã trở thành Thủ tướng Chính phủ". Tập thể Trường Đa Phúc sẽ nỗ lực phấn đấu, phát triển hơn nữa, xứng đáng với truyền thống nhà trường, cô Tươi chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận