Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu), nơi xảy ra vụ việc "Tham ô tài sản". Ảnh: G.M |
Liên quan vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại trường THPT Chuyên Bạc Liêu, Đoàn Thanh tra còn phát hiện bà Phú Thị Cẩm, Hiệu trưởng nhà trường đã sử dụng lãng phí tiền và tài sản của Nhà nước, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng tham ô tại đơn vị.
Theo đó, bà Cẩm đã để lãng phí trong việc mua, trồng, quản lý và sử dụng cây kiểng tại trường.
Cụ thể, tổng số tiền thanh toán, cũng như số lượng cây kiểng mua trồng của trường THPT Chuyên Bạc Liêu từ năm 2014 đến năm 2015 là rất nhiều và chủ yếu được mua trồng trong năm 2015 (tổng số tiền thanh toán mua trồng cây kiểng là trên 150 triệu đồng, về số lượng cây kiểng mua trồng trên 6.000 cây, chậu, giỏ các loại và tất cả chứng từ thanh toán đều do bà Cẩm ký duyệt thanh toán, cũng như ký hợp đồng với cơ sở cung cấp).
Theo kết quả kiểm tra rà soát, thống kê, tổng hợp thực tế loại cây kiểng, số lượng cây kiểng hiện có trồng tại trường đối chiếu với kết quả thống kê, tổng hợp loại và số lượng cây kiểng từ thực tế chứng từ thanh toán cho thấy có sự chênh lệch thiếu về số lượng cây của một số loại cây kiểng; số chệnh lệch thiếu là rất lớn.
“Tổng chênh lệch thiếu về số lượng cây kiểng là 5.783 giỏ tính theo giá thực tế ghi trên hóa đơn tại thời điểm mua là hơn 44,5 triệu đồng”, kết luận thể hiện rõ.
Đáng nói là khi làm việc với Đoàn thanh tra, ông Đỗ Thanh Hân, Hiệu phó trường THPT Chuyên Bạc Liêu cho biết, năm học 2014-2015 trong các bồn hoa, cây kiểng thấy có trồng mới cây kiểng và được trồng ở xung quanh rìa của các bồn hoa, nhưng ông Hân không biết là trồng loại cây gì và số lượng là bao nhiêu. Tuy nhiên, sau đó, ông thấy bỏ toàn bộ số cây kiểng trồng mới nêu trên và được thay thế (trồng) cỏ thảm.
Thực tế kiểm tra, thời gian trồng cây kiểng dài nhất là 15 tháng (2.720 giỏ), và ngắn nhất là 2 tháng (21 giỏ), còn lại 3.042 cây kiểng có thời gian trồng là 4-11 tháng.
Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, thì việc làm nói trên của bà Cẩm là hành vi gây lãng phí trong sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và theo khoản 1 Điều 19 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP, bà Cẩm gây lãng phí, thì bà Cẩm phải có nghĩa vụ bồi thường.
Tuy nhiên, theo giải trình của bà Cẩm, việc trồng cây cảnh là nhằm xây dựng cảnh quan trường học “Xanh - Sạch - Đẹp” tạo môi trường trong lành, đồng thời để đảm bảo tiêu chí đánh giá thi đua và được Sở GD&ĐT đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Cấp độ 3 vào tháng 10/2015.
Về vấn đề này, cơ quan Thanh tra cho rằng, việc trồng cây cảnh nhằm xây dựng cảnh quan trường học “Xanh - Sạch - Đẹp” tạo môi trường trong lành là chủ trương của nhà nước. Tuy nhiên, việc mua, trồng phải đảm bảo hiệu quả lâu dài, tiết kiệm,...còn vì thành tích “đảm bảo tiêu chí thi đua, được Sở GD&ĐT đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào tháng 10/2015” như bà Cẩm trình bày mà gây lãng phí Ngân sách nhà nước thì không thể chấp nhận được.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận