Đánh giá sự phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương
Cục Đường cao tốc VN (Bộ GTVT) vừa có thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Theo phương án đề xuất, dự án có tổng chiều dài gần 61km. Trong đó, chiều dài tuyến đi qua địa bàn tỉnh Nam Định là gần 28km, qua tỉnh Thái Bình là hơn 33km.
Điểm đầu tại Km 19+300 đầu cầu vượt sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Điểm cuối khoảng Km 80+240 tại nút giao giữa QL37 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, địa phận xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Thái Bình, Nam Định do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco.
Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư quy mô đường cao tốc cấp 120 với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án là gần 19.800 tỷ đồng.
Đối chiếu Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Đường cao tốc đánh giá phạm vi dự án, quy mô đề xuất là phù hợp.
"Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án có nhu cầu sử dụng đất hơn 504ha, trong đó địa phận tỉnh Nam Định là hơn 221ha, tỉnh Thái Bình là hơn 282ha.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đề cập đến sự phù hợp của dự án với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương.
UBND tỉnh Thái Bình cần chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, làm rõ, đánh giá sự phù hợp của dự án với kế hoạch sử dụng đất của các địa phương có tuyến đi qua", báo cáo thẩm định nêu.
Về kết nối phục vụ dân sinh, Cục Đường cao tốc VN cho biết, trên cơ sở các tuyến đường hiện trạng và kết quả làm việc với các cơ quan của tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình, hồ sơ trình thẩm định bố trí khoảng gần 55km đường gom, 49 hầm chui dân sinh dọc tuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân hai bên tuyến cao tốc.
Xem xét cho thấy, một số vị trí hầm chui dân sinh kết nối với đường ngang, đường địa phương đề xuất tĩnh không khá lớn nhưng chưa làm rõ về quy mô quy hoạch, làm tăng chiều cao thiết kế trắc dọc, giảm hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc.
"Cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ hiện trạng mạng lưới đường giao thông hai bên đường cao tốc, quy mô quy hoạch các tuyến đường ngang, xây dựng phương án kết nối phù hợp.
Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, trục đường quan trọng của địa phương giao cắt với đường cao tốc, cần nghiên cứu phương án đầu tư cầu vượt ngang thay vì phương án hầm chui qua đường cao tốc (như hồ sơ trình thẩm định) để bảo đảm phù hợp với yêu cầu kết nối và tầm nhìn dài hạn", cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT đề nghị.
Rà soát nhu cầu vận tải khi các tuyến đường mới vào khai thác
Liên quan đến công tác khảo sát giao thông, Cục Đường cao tốc VN cho biết, dự báo nhu cầu vận tải, báo cáo khảo sát giao thông mới có bảng thống kê kết quả phỏng vấn lái xe, không có kết quả khảo sát lưu lượng xe.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Bình được đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung khảo sát giao thông để chính xác lưu lượng xe phục vụ tính toán nhu cầu vận tải và phương án tài chính của dự án.
"Các bên liên quan cũng cần rà soát các kịch bản dự báo nhu cầu vận tải khi có các tuyến đường mới đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh Nam Định, Thái Bình như: đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định đang triển khai thi công, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành đã phê duyệt chủ trương đầu tư, cao tốc Hưng Yên - Thái Bình có tiến trình đầu tư sau năm 2030...", Cục Đường cao tốc khuyến cáo.
Cũng theo cơ quan thẩm định chuyên môn, theo hồ sơ trình lên, trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Nam Định, Thái Bình được bố trí 6 nút giao liên thông.
Mặc dù vậy, số liệu dự báo nhu cầu vận tải tính toán cho toàn bộ chiều dài đường cao tốc chưa phân tách kết quả dự báo cho từng đoạn tuyến theo phạm vi giữa các nút giao, chưa xác định nhu cầu vận tải trên từng nhánh nút giao để xác định sơ đồ nút giao, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật các nhánh trong nút giao.
"Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, hồ sơ trình thẩm định sử dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 theo quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nêu trên là kịch bản tăng trưởng trung bình nhưng hồ sơ trình sử dụng làm mức tăng trưởng theo kịch bản cao là chưa có cơ sở.
Các đơn vị liên quan rà soát thuyết minh phân tích, luận chứng kỹ để lựa chọn kịch bản tăng trưởng phù hợp, bổ sung tốc độ tăng trưởng các giai đoạn 5 năm để làm cơ sở dự báo nhu cầu vận tải phù hợp, cập nhật vào hồ sơ dự án; Đồng thời bổ sung tính toán hệ số tăng trưởng xe theo các giai đoạn làm cơ sở cập nhật tính toán kết cấu mặt đường", báo cáo thẩm định nêu rõ.
Làm rõ khả năng cung ứng vật liệu thi công của địa phương
Đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề vật liệu phục vụ thi công dự án, Cục Đường cao tốc VN cho biết, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, nhu cầu vật liệu của dự án rất lớn.
Trong đó, khối lượng đất đắp cần khoảng 1,9 triệu m3; Cát đắp cần tới hơn 13 triệu m3; Cấp phối đá dăm khoảng 0,79 triệu m3.
Riêng vật liệu cát đắp nền, trên địa bàn tỉnh Nam Định nhu cầu dự án khoảng gần 6,4 triệu m3 đề xuất sử dụng nguồn cát biển.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhu cầu cần khoảng 6,85 triệu m3, UBND tỉnh có văn bản cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án khai thác, thăm dò các mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng 5 triệu m3, còn thiếu khoảng 1,85 triệu m3 so với nhu cầu.
Đến nay, nhà đầu tư đề xuất dự án vẫn chưa xác định cụ thể chất lượng, trữ lượng (cát sông và cát biển) phục vụ dự án trên địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Đối với đất đắp và đá, trên địa bàn 2 tỉnh không có mỏ. Hồ sơ trình kiến nghị tận dụng đất đào của dự án để đắp báo và đất mua tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình; Đá mua các mỏ tại tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.
"Như vậy, hồ sơ trình thẩm định chưa xác định đầy đủ nguồn cung cấp vật liệu đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án", báo cáo nêu.
Cục Đường bộ VN lưu ý, thực tiễn triển khai các dự án đường cao tốc thời gian vừa qua cho thấy, nguồn cung cấp vật liệu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ hoàn thành, chậm giải ngân vốn đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư các dự án đường cao tốc.
Công tác điều tra khảo sát mỏ cung cấp vật liệu, bãi đổ thải vật liệu thừa trong quá trình thi công chưa sát với thực tế; UBND cấp tỉnh chưa xem xét và có ý kiến về hồ sơ mỏ vật liệu, bãi đổ thải... dẫn đến quá trình thi công phát sinh tình trạng thiếu vật liệu, công tác cấp phép khai thác mỏ, gia hạn khai thác mỏ, nâng trữ lượng mỏ... còn kéo dài, gây chậm tiến độ.
Khắc phục thực trạng đó, Cục Đường cao tốc đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, xác định cụ thể về nhu cầu vật liệu các loại; Rà soát xác định cụ thể về hiện trạng, quy hoạch các mỏ cát trên địa bàn tỉnh, xác định trữ lượng khai thác, điều kiện khai thác, thời hạn khai thác để làm rõ khả năng cung ứng đối với nguồn vật liệu cát của tỉnh.
Tỉnh Thái Bình cũng cần làm việc với UBND tỉnh Nam Định và các địa phương lân cận để xác định nguồn cát còn thiếu, bảo đảm đủ trữ lượng cát để thực hiện dự án
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận