Các phóng viên là trẻ em đường phố của báo Balaknama |
Tờ báo “tiếng nói của trẻ em” đường phố
Tờ báo mang tên Balaknama có nghĩa là “Tiếng nói của trẻ em” theo tiếng Ấn Độ. Báo được bán với giá không đáng kể, chỉ 5 rupee (chưa đầy 2.000 VND). Báo chủ yếu được phát miễn phí tại các sở cảnh sát và thông qua các tổ chức phi Chính phủ đang làm việc vì trẻ em đường phố.
Ông Sanjay Gupta, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hành động vì trẻ em Ấn Độ (CHETNA), một tổ chức phi Chính phủ được thành lập năm 2012 là đơn vị gây quỹ cho tờ báo này cho biết: Mỗi tháng, báo Balaknama phát hành khoảng 8.000 bản, tiếng Ấn Độ.
Theo ông Sanjay Gupta, khi CHETNA mới bắt đầu thành lập Balaknama, họ đều phải hướng dẫn cũng như hỗ trợ tài chính nhưng hiện nay, các em nhỏ đã vận hành tờ báo này một cách hoàn toàn độc lập. Hiện, CHETNA chỉ còn có nghĩa vụ tổ chức cố vấn, khuyến khích hỗ trợ quỹ và đang hướng đến việc sẽ xuất bản báo Balaknama bằng cả tiếng Anh.
Giám đốc Trung tâm CHETNA cho biết thêm, vài tháng trở lại đây, tờ báo này bắt đầu gửi báo qua điện tử và đã có hơn 5.000 độc giả đăng ký thuê bao qua ứng dụng WhatsApp và email.
Shambhu |
Từ cậu bé rửa xe đến biên tập viên
Shambhu là tên một cậu bé thông minh sáng dạ, mới 17 tuổi nhưng đã là biên tập viên của tờ Balaknama. Một ngày của Shambhu bắt đầu từ rất sớm. Từ 6h, cậu rời nhà ở trong khu ổ chuột ở phía Tây New Delhi, đi thẳng tới một khu dân cư giàu có để làm công việc rửa xe trong 3 giờ đồng hồ, kiếm khoảng 50 USD/tháng.
Sau 3 giờ làm việc buổi sáng, cậu đến thẳng trung tâm CHETNA học trong vài giờ nữa. Hầu hết những đứa trẻ 17 tuổi khác ở Ấn Độ đều ở trường cả ngày, nhưng nhiều trường hợp trẻ em nghèo như Shambhu chỉ được học chừng đó. Cậu bé đến từ Biraul, một làng ở bang Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ. Khi lên 9, Shambhu chuyển lên Thủ đô giúp cha bán dưa chuột.
"Đôi khi chúng tôi tranh cãi rất nhiều trong cuộc họp vì mọi người đều muốn đưa câu chuyện của mình lên trang nhất. Tuy nhiên, tôi phải nhìn nhận từng câu chuyện và cân nhắc xem có đủ tầm quan trọng để trở thành câu chuyện mà mọi người đọc đầu tiên." Shambhu |
Tại Braul, Shambhu từng được theo học một trường công nhưng theo cậu, “ngôi trường này vô dụng, chúng cháu không được học hành gì”. Tri thức đến với cậu bé nghèo khi cậu tham gia trung tâm giáo dục tại Delhi. Ở đây, cậu bắt đầu được học đọc và viết. Từ đây, cậu khám phá ra niềm đam mê của mình, đó chính là báo chí. Thông qua trung tâm đào tạo, cậu đã nghe về Balaknama, một tờ báo do trẻ em đường phố điều hành.
“Trước đây, mọi người chỉ biết đến tôi với cái danh “Shambhu rửa xe” nhưng kể từ khi chúng tôi học tập và theo Balaknama, người cô sống gần nhà tôi, vị bác sĩ sống ở đầu khu phố đều gọi tôi là “anh biên tập”, Shambhu chia sẻ với hãng tin CNN.
“Mỗi tháng, khi chúng tôi ra mắt ấn phẩm mới, tôi sẽ phát hành báo tới từng nhà trong khu phố giàu có mà tôi vẫn làm thêm và rất nhiều người ở đây đã đóng góp hỗ trợ tiền”.
Tôn chỉ mục tiêu của tờ báo Balaknama là nhằm nâng cao hiểu biết về các vấn đề mà trẻ em đường phố và lao động phải gánh chịu. “Những câu chuyện được chọn lọc để đưa lên báo dựa trên tiêu chí mức độ nhận thức mà câu chuyện thể hiện đối với các vấn đề mà trẻ em phải đối mặt”, Shambhu chia sẻ.
Bài báo gần đây nhất là về những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong dây chuyền sản xuất và phân phối rượu lậu. “Các bạn ấy chỉ khoảng 10-15 tuổi. Vì làm trong môi trường đó nên các bạn phải uống rượu và trở thành những tay nghiện rượu từ sớm. Vì vậy, tôi cảm thấy, trách nhiệm của những người trẻ như chúng tôi là lên tiếng, kêu gọi sự chú ý của toàn xã hội”, Shambu bày tỏ.
Thống kê năm 2011 do tổ chức Save the Children thực hiện cho thấy, hơn 50.000 trẻ em đường phố đang sống tại Delhi. Hơn một nửa số đó là trẻ mù chữ; 87% số trẻ buộc phải kiếm sống bằng nghề nhặt rác, bán dạo trên đường hoặc ăn xin. Ước tính 50% trẻ em đường phố phải chịu đựng các hành vi lạm dụng tình dục, thể xác và bị chửi mắng, thống kê cho biết thêm.
Báo Balaknama được phát hành, bán cho các độc giả thường xuyên |
Năm ngoái, Ấn Độ đã sửa đổi Luật Lao động trẻ em, trong đó quy định việc thuê trẻ em dưới 14 tuổi làm việc là vi phạm pháp luật trừ trường hợp trẻ em phải lao động để giúp đỡ gia đình. Động thái này đã bị rất nhiều tổ chức vì trẻ em như UNICEF, nhà hoạt động xã hội chỉ trích vì luật pháp có thay đổi nhưng không đủ mạnh để chuyển biến tình hình hơn 10 triệu lao động trẻ em tại nước này.
Cũng như Shambhu, phần lớn trong nhóm 9 phóng viên “kỳ cựu” của tờ báo này đều không được tới trường trước khi tham gia làm việc trong tờ báo.
Nâng cao nhận thức về trẻ em đường phố
Kể về quá trình làm việc, Shambhu cho biết, nhóm phóng viên nhí cũng tổ chức họp giao ban, lên kế hoạch đề tài. Trong một cuộc họp gần đây, Shambhu là người chủ trì và 3 phóng viên nhí khác là thành viên. “Đôi khi chúng tôi tranh cãi rất nhiều trong cuộc họp vì mọi người đều muốn đưa câu chuyện của mình lên trang nhất. Tuy nhiên, tôi phải nhìn nhận từng câu chuyện và cân nhắc có đủ tầm quan trọng để trở thành câu chuyện mà mọi người đọc đầu tiên”, Shambhu cho biết.
Shambhu mới lên vị trí biên tập viên khoảng 1 năm. Lúc mới tham gia vào tờ báo, chàng trai này khoảng 10 tuổi, chủ yếu làm công việc phóng viên “baatuni” - thành viên trẻ, không thể tự viết câu chuyện của mình nhưng có thể tìm ý và làm một số công việc thu thập thông tin cơ bản.
Một số phóng viên nhí khác (Deepak, Joti và Chetan) trong tờ báo cũng có tuổi thơ khó nhọc tương tự biên tập viên Shambhu. Em Deepak, 17 tuổi, được đi học đến năm 11 tuổi nhưng buộc phải bỏ học và đi làm vì cha ốm nặng triền miên.
Joti, 17 tuổi, chưa bao giờ được đi học. Em từng sống tại nhà ga Nizammudin (Delhi) vất vưởng làm ăn xin, nhặt rác, thậm chí không ít lần dẫn đến bước đường trộm cắp. Kể từ khi bước chân vào Balaknama lúc 9 tuổi, cuộc đời của em đã hoàn toàn thay đổi và đã được đến trường.
|
Còn Chetan, 16 tuổi, làm việc tại Balaknama khi lên 8. Trước đó, em làm việc ở công trường xây dựng, còn nay, em phụ trách công việc dàn trang báo.
Qua công việc này, Shambhu và đội ngũ phóng viên nhí muốn giúp đỡ những bạn trẻ khác giống mình. Shambhu kỳ vọng muốn tiếp tục theo nghiệp báo chí về lâu dài. “Nếu không làm việc tại Balaknama, có lẽ cuộc đời tôi bao năm qua đã bị lãng phí. Có thể tôi đang làm việc trong một nhà hàng hay vẫn bán dưa chuột. Mọi thứ tôi có ngày hôm nay là nhờ Balaknama. Tờ báo này đã thay đổi cuộc đời tôi”, ông nói.
“Tất cả mọi người trên đất nước này đều nhìn những lao động trẻ em, trẻ em đường phố với con mắt khinh thường. Họ nhìn nhận những trẻ em đó không có tương lai. Tôi muốn cách nghĩ đó phải chấm dứt”. “Trẻ em đang đường phố đang cố tìm kiếm một cơ hội mà rất ít người sẵn sàng trao cho các em”, Shambhu chia sẻ.
Thực tế, những bài báo này đã có tác động không nhỏ tới người đọc. Chẳng hạn, một câu chuyện về trẻ em bị cảnh sát ép buộc làm công việc dọn thi thể của người gặp tai nạn rơi từ trên tàu xuống đường ray. Câu chuyện này đã được nhiều tờ báo lớn của Ấn Độ đăng tải lại và lên tiếng, buộc Chính phủ phải có động thái để chấm dứt tình trạng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận