Luật Đường bộ 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định: Việc tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư, xây dựng đến giai đoạn quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ quy định cụ thể về tổ chức giao thông được thực hiện trong các giai đoạn: lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế (sau thiết kế cơ sở), trước khi đưa đường bộ vào khai thác và giai đoạn khai thác, sử dụng; quy định tổ chức giao thông tại các đoạn đường thi công xây dựng trên đường bộ đang khai thác; lập thẩm định phương án tổ chức giao thông đường cao tốc trước khi đưa vào khai thác.
Lý giải điều này, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho hay, tổ chức giao thông là tập hợp các biện pháp nhằm điều chỉnh các hoạt động giao thông quy định tại Luật Đường bộ như: phân làn, phân luồng, phân tuyến; quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ… nhằm tăng khả năng thông xe, hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Theo ông Điệp, tổ chức giao thông phải có nguyên tắc chung và được thực hiện ngay từ khâu tổ chức thiết kế, xây dựng mạng lưới giao thông theo từng vùng, miền, từng khu vực, từng đô thị gắn với tổ chức mạng giao thông trong cả nước… để đảm bảo cho hoạt động giao thông được an toàn, thuận tiện, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển.
Ông Lê Hồng Điệp cũng cho biết, trước đây, các bước tổ chức giao thông chưa được cụ thể hóa trong các văn bản phạm pháp luật. Nghị định lần này quy định các công việc cụ thể, là rõ các công việc phải làm trong tổ chức giao thông từ bước đầu tiên là giai đoạn lập dự án, thiết kế và đưa công trình vào khai thác. Ví dụ, số lượng, vị trí, loại biển báo hiệu sẽ được cụ thể hóa ở ngay khâu thiết kế, thuận tiện cho quá thi công.
Tổ chức giao thông trong giai đoạn quy hoạch bao gồm các yếu tố như đánh giá nhu cầu vận tải thời kỳ quy hoạch, xác định các tuyến đường, quy mô đường bộ trong các quy hoạch.
Giai đoạn thiết kế gồm: Thiết kế chi tiết các loại báo hiệu đường bộ đối với từng đoạn đường, nút giao, đảm bảo quy mô, kỹ thuật công trình thuộc về quy chuẩn báo hiệu đường bộ.
Tổ chức giao thông trong giai đoạn lập dự án, thiết kế công trình đường bộ bao gồm: Xác định mục tiêu phục vụ của dự án, phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ. Xác định quy mô, số lượng, hình thức nút giao; phương hướng bố trí báo hiệu đường bộ, chiếu sáng, hệ thống quản lý giao thông thông minh.
Trong giai đoạn khai thác yêu cầu quản lý, đơn vị quản lý theo dõi, phát hiện các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các bất cập về tổ chức giao thông, các điểm hay xảy ra ùn tắc để có giải pháp điều chỉnh khắc phục các bất cập.
"Các quy định tổ chức giao thông lần này được quy định toàn diện, cụ thể hơn, rõ người, rõ việc. Ở giai đoạn quy hoạch sẽ xác định tổng thể luồng tuyến, nhu cầu vận tải. Giai đoạn lập dự án sẽ xây dựng những giải pháp quy mô công trình, vị trí nút giao. Những công việc này thực hiện để đáp ứng mục tiêu ở giai đoạn quy hoạch. Cụ thể hóa bằng các bản vẽ, khối lượng cụ thể để đầu tư xây dựng công trình", ông Điệp cho hay.
Theo ông Đặng Văn Chung, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng siêu trường siêu trọng (Hiệp hội Vận tải ô tô VN), một trong những yêu cầu và điều kiện nghiêm ngặt khai thác đường bộ là phải đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông.
Do đó, cần tuân thủ nghiêm việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật từ các bước phê duyệt đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, đến khai thác, tổ chức giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận