Theo đó, Bộ Giáo dục và Văn hóa Nhật Bản gửi danh sách câu hỏi để xác minh hoạt động, nguồn thu và tổ chức vận hành của Giáo hội Thống nhất, yêu cầu tổ chức này gửi câu trả lời trước ngày 9/12.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản sử dụng quyền đặt câu hỏi điều tra với tổ chức tôn giáo theo Luật Tổ chức Tôn giáo kể từ khi điều khoản này có hiệu lực vào năm 1996.
Một số ý kiến chỉ trích tại Nhật Bản cho rằng Giáo hội Thống nhất có liên quan tới không ít vụ kiện suốt nhiều năm qua nhưng chính phủ nước này không can thiệp đúng mức.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh - AFP
Sau khi cố Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát, giới chức Nhật Bản buộc phải hành động mạnh mẽ hơn đối với Giáo hội Thống nhất bởi lẽ nghi phạm ám sát là con trai một cựu thành viên giáo hội. Hắn sát hại ông Abe vì nỗi hằn thù với Giáo hội Thống nhất, cho rằng mẹ của hắn đã quyên góp lượng lớn tài sản cho giáo hội khiến gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt. Và hắn nghi ngờ ông Abe có quan hệ với Giáo hội Thống nhất.
Hiện chưa rõ cuộc điều tra của Chính phủ Nhật Bản đối với Giáo hội Thống nhất sẽ kéo dài bao lâu. Theo hãng tin Reuters, sau khi thu thập bằng chứng, Bộ Giáo dục và Văn hóa Nhật Bản sẽ xác định có đệ đơn kiện để hủy bỏ tư cách pháp nhân của Giáo hội Thống nhất hay không.
Một luật sư thuộc Mạng lưới Luật sư Quốc gia Chống Mua bán Tâm linh của Nhật Bản cho biết đây không phải một cuộc điều tra hình sự, thành viên Giáo hội Thống nhất sẽ không bị cấm sinh hoạt tôn giáo.
Ông Takashi Yamaguchi, luật sư thuộc một văn phòng luật tại Tokyo cho rằng Giáo hội Thống nhất đã bị quy trách nhiệm trong nhiều phiên tòa xét xử nhưng chính phủ không hề hủy bỏ tư cách tổ chức tôn giáo của tổ chức này. Đây là tư cách cho phép Giáo hội Thống nhất được hưởng đặc quyền miễn thuế. Nếu bị hủy bỏ, Giáo hội Thống nhất sẽ gặp khó khăn trong việc gây quỹ.
Mạng lưới Luật sư Quốc gia Chống Mua bán Tâm linh của Nhật Bản cũng chỉ trích Chính phủ nước này quá chậm trễ trong việc can thiệp vào hoạt động của Giáo hội Thống nhất.
Trong thông báo trên trang web, tổ chức này cho biết: “Trong hơn 30 năm, Chính phủ hay quan chức của đảng cầm quyền không có bất kỳ động thái nào trước hoạt động của Giáo hội Thống nhất khi tổ chức này đang phá hoại rất nhiều gia đình. Chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ, kiệt quệ về kinh tế của nhiều người đã và đang là thành viên giáo hội cùng gia đình của họ".
Một số người cho biết, nhiều thành viên Giáo hội Thống nhất đã quyên góp những khoản tiền lớn cho tổ chức tới mức gia đình họ lâm vào cảnh khánh kiệt.
Trước thông tin về cuộc điều tra của Chính phủ Nhật Bản, Giáo hội Thống nhất tiếp tục bác bỏ cáo buộc nhằm vào tổ chức. Một đại diện của giáo hội (giấu tên) khẳng định tổ chức tôn giáo này không bao giờ ép buộc thành viên quyên góp mà do họ tin tưởng và tự nguyện làm nhưng sau khi rời tổ chức, họ lại nói dối rằng bị Giáo hội ép buộc.
Trong một diễn biến liên quan, một số nghị sĩ Nhật Bản đã đề xuất dự luật giới hạn số tiền quyên góp cho các tổ chức tôn giáo, cấm người dân vay nợ để quyên góp, cấm bán nhà của gia đình để quyên góp cho tổ chức tôn giáo.
Dự luật cũng bao gồm điều khoản cho phép vợ/chồng hoặc con cái của thành viên tổ chức tôn giáo hủy bỏ quyết định quyên góp nhằm đảm bảo con cái của những người này được cha mẹ hỗ trợ vật chất đầy đủ cho tới khi trưởng thành; Cấm hành vi ép buộc mua bán tâm linh, ép thành viên mua vật phẩm tâm linh với giá cao để cầu sức khỏe, may mắn; Cấm hành vi ngăn các cá nhân rời khỏi cơ sở tôn giáo nếu chưa quyên góp.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết điều tra hoạt động của Giáo hội Thống nhất trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của ông giảm sút sau khi nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, bao gồm một số bộ trưởng, được xác định có liên hệ với Giáo hội Thống nhất.
Sau vụ ám sát ông Abe, đã có hàng chục chính trị gia tại quốc gia này thừa nhận có liên hệ với Giáo hội Thống nhất, một số bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Kishida đã buộc phải từ chức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận