Theo hãng thông tấn Yonhap, quyết định trên được các Thẩm phán Tòa án Hiến pháp đưa ra ngày 16/12 trong phiên họp thảo luận về tiến trình triển khai vụ việc, bao gồm thời gian diễn ra, luận điểm của các bên và bằng chứng có liên quan.
Tòa án Hiến pháp nhấn mạnh, các thẩm phán đặt vụ việc lên ưu tiên cao nhất đồng thời chỉ định Chánh án thông qua hệ thống rút thăm điện tử. Tuy nhiên, quy trình chỉ định sẽ được giữ kín.
Về nguyên tắc, Tòa án Hiến pháp không công khai thông tin về Chánh án trong phiên tòa về Hiến pháp. Việc công bố Chánh án trong phiên luận tội Tổng thống Park Geun-hye năm 2016 là ngoại lệ.
Bên cạnh việc chỉ định Chánh án, Tòa án Hiến pháp còn chỉ định thêm 2 thẩm phán chuyên trách xem xét bằng chứng cho phiên luận tội Tổng thống Yoon.
Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp thành lập một nhóm công tác gồm 10 quan chức nhằm đánh giá thông tin và những vấn đề pháp lý khác để cung cấp cho các thẩm phán trong quá trình xem xét kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon.
Liên quan đến việc Tòa án Hiến pháp hiện đang khuyết 3 ghế thẩm phán trên tổng số 9 theo quy định, Tòa án Hiến pháp cho biết tòa vẫn có thể xem xét kiến nghị luận tội ông Yoon chỉ với 6 thẩm phán.
Tuy nhiên, để kiến nghị luận tội ông Yoon của Quốc hội Hàn Quốc được thông qua, toàn bộ 6 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp sẽ phải chấp thuận kiến nghị này.
Hiện các đảng đối lập đã lựa chọn được 3 ứng viên cho vị trí thẩm phán còn trống tại Tòa án Hiến pháp.
Một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc đã được thành lập để tổ chức các phiên điều trần phê duyệt việc bổ nhiệm các thẩm phán nói trên.
Sau khi Quốc hội phê duyệt, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo sẽ chính chức bổ nhiệm thẩm phán. Quốc hội Hàn Quốc cho biết sẽ hoàn tất tiến trình này vào cuối năm nay.
Nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết chấp thuận kiến nghị luận tội của Quốc hội, ông Yoon sẽ trở thành Tổng thống thứ 2 bị phế truất sau bà Park Geun-hye năm 2017. Khi đó, Hàn Quốc sẽ phải tiến hành bầu cử sớm trong vòng 60 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận