Chính trị

Toàn văn bài viết đặc biệt của ông Tập Cận Bình về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc có bài viết riêng cho báo Nhân dân về quan hệ hai nước nhân chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới Việt Nam. Tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) của Trung Quốc đã đăng lại toàn văn.

Bài viết có tựa đề "Xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam chia sẻ tương lai với ý nghĩa chiến lược, cùng nhau viết nên một chương mới trong nỗ lực hiện đại hóa của hai nước".

Trong đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ vui mừng trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam, đề cao mối quan hệ láng giềng hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em" của hai nước Việt - Trung.

Báo Giao thông giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình:

"Xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam chia sẻ tương lai với ý nghĩa chiến lược và cùng nhau viết nên một chương mới trong nỗ lực hiện đại hóa của hai nước".


Nhận lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tôi sẽ sớm có chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đây sẽ là chuyến thăm thứ ba của tôi tới đất nước xinh đẹp này kể từ khi tôi trở thành Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tôi có những cảm xúc như đang được hòa mình trong hơi ấm vốn chỉ có được khi tới thăm họ hàng, hàng xóm.

Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, tương cận về văn hóa, cùng chia sẻ những lý tưởng tương đồng và cùng hướng tới một tương lai phía trước.

Toàn văn bài viết đặc biệt của ông Tập Cận Bình về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam - Ảnh 1.

Bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đăng trên tờ People's Daily.

Lấy cảm hứng từ niềm tin, tầm nhìn chung và sự đồng cảm, đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo đi trước của hai Đảng và hai nước đã cùng nhau vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung với tinh thần "vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Chúng ta đã sát cánh bên nhau, hết lòng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.

Trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hợp tác, cùng nhau viết nên một dấu ấn lịch sử quan trọng cho tình hữu nghị Việt - Trung.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Dù cho tình hình thế giới có biến động ra sao, hai Đảng và hai nước chúng ta vẫn cùng nhau hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định, theo đuổi hợp tác phát triển, đồng thời thúc đẩy thịnh vượng và tiến bộ.

Chúng ta đã tìm ra con đường đầy hứa hẹn để cùng nhau xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại. Chúng ta đã tiến hành trao đổi với sự tin tưởng lẫn nhau. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước chúng ta thường xuyên thăm hỏi như người thân họ hàng.

Toàn văn bài viết đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Ảnh: Sputniks).

Tôi đã có những cuộc gặp tiếp xúc gần gũi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt năm qua. Chúng tôi cùng nhau vạch ra kế hoạch chi tiết cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, từ góc độ chiến lược và dài hạn, bổ sung thêm những khía cạnh mới cho mối quan hệ và nâng mối quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới.

Tôi đã gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trương Thị Mai có chuyến thăm song phương tới Trung Quốc hoặc tham dự các hội nghị quốc tế.

Hai bên đã tổ chức các phiên họp của Ban chỉ đạo hợp tác song phương, hội thảo lý luận giữa hai Đảng, hội nghị về kiểm soát tội phạm giữa hai Bộ Công an và các cuộc họp khác theo cơ chế song phương. Hợp tác liên ngành và địa phương cũng ngày càng chặt chẽ.

Hai nước cũng tăng cường lợi ích chung thông qua hợp tác cùng có lợi.

Trung Quốc từ lâu đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và lớn thứ 4 trên toàn cầu.

Theo lời mời của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba, Hội chợ Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ sáu, Hội chợ Triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ bảy và Hội chợ Triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bao gồm rau củ quả được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, trong khi nguyên liệu thô và thiết bị máy móc Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đã thúc đẩy hiệu quả lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông do một công ty Trung Quốc xây dựng, đến nay đã phục vụ gần 20 triệu lượt hành khách, giúp việc đi lại ở Hà Nội trở nên thuận tiện hơn.

Các chuyến tàu chở hàng xuyên biên giới Việt - Trung đang hoạt động thông suốt. Chương trình xây dựng cảng thông minh đã được triển khai, khả năng kết nối tại các cảng biên giới đất liền hai nước cũng được cải thiện nhanh chóng.

Toàn văn bài viết đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Việt Nam - Ảnh 2.

Tàu chở hàng Việt Nam - Trung Quốc khởi hành từ cảng quốc tế Tây An hôm 23/8 (Ảnh: Xinhua).

Việt Nam cũng là nơi các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng cụm công nghiệp quang điện lớn nhất ở ngoài Trung Quốc. Điều này cùng với các dự án điện gió do các công ty Trung Quốc xây dựng đã giúp ích rất lớn cho việc chuyển đổi sử dụng năng lượng ở Việt Nam.

Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng nhiều nhà máy biến rác thải thành năng lượng ở Hà Nội, Cần Thơ và các thành phố khác.

Chúng ta đã đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn thông qua các cuộc trao đổi hữu nghị.

Du lịch hai nước nhanh chóng phục hồi trong năm nay. Từ tháng 1 đến tháng 10/2023, hơn 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới du lịch Việt Nam. Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Bản Giốc - Đức Thiên đã bắt đầu hoạt động thí điểm.

Các hoạt động giao lưu hữu nghị cũng đạt được nhiều thành công lớn, trong đó có giao lưu hữu nghị giữa các ủy ban trung ương và địa phương của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đêm hội của người dân vùng biên giới hai nước.

Bên cạnh một số tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc là cái tên quen thuộc ở Việt Nam, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình đương đại của Trung Quốc cũng được khán giả Việt Nam yêu thích.

Tương tự như vậy, một số bài hát nhạc pop của Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, trong khi các ca sĩ Việt Nam xuất hiện trên các chương trình truyền hình Trung Quốc đã thu hút được nhiều người hâm mộ Trung Quốc.

Những dòng sông nhỏ của sự tương tác ngày càng gần gũi giữa con người với con người đang hội tụ thành một dòng sông hùng vĩ của mối quan hệ hữu nghị hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Chúng ta luôn đối xử lẫn nhau bằng sự chân thành. Là hai quốc gia ủng hộ chủ nghĩa đa phương, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đề cao tầm quan trọng của đối thoại, tham vấn và hợp tác hòa bình, đồng thời kiên quyết ủng hộ các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, được củng cố bởi các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Chúng ta tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của mỗi nước, đồng thời duy trì phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế.

Việt Nam là một thành viên quan trọng trong Nhóm Bạn bè về Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), đóng góp vào Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), đồng thời ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đã 10 năm kể từ lần đầu tiên tôi đưa ra tầm nhìn về một cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cùng các nguyên tắc thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Để xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai, nên bắt đầu từ châu Á.

Một bài hát nổi tiếng của Trung Quốc có câu: "Ở Châu Á chúng tôi, rễ cây liên kết với nhau; ở Châu Á chúng tôi, ngay cả mây trôi cũng song hành".

Lời bài hát phản ánh nhận thức cơ bản của người Trung Quốc về châu Á như một cộng đồng chia sẻ tương lai. Châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta. Các nước láng giềng luôn ở đó.

Giúp đỡ hàng xóm là giúp đỡ chính mình. Hàng xóm tốt luôn chúc nhau những điều tốt lành.

Trung Quốc sẵn sàng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của các nước láng giềng và cùng nhau hợp tác để xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc với tinh thần "tình bằng hữu, tình anh em" thực sự sâu sắc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc luôn coi việc phát triển quan hệ với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao láng giềng. Chúng tôi chân thành mong rằng hai dân tộc chúng ta sẽ luôn trân trọng tình hữu nghị truyền thống, luôn ghi nhớ tầm nhìn và sứ mệnh chung, cùng nhau tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa, kiên định thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược.

Chúng ta cần duy trì trao đổi chiến lược và củng cố nền tảng chính trị cho cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam cùng chia sẻ tương lai. Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì trao đổi chiến lược ở mức cao để đảm bảo con tàu quan hệ Trung Quốc - Việt Nam có thể vượt sóng và tiếp tục đạt được bước tiến ổn định.

Chúng ta cần kiên quyết ủng hộ nhau đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với thực tế đất nước.

Chúng ta nên phối hợp hai ưu tiên đó là phát triển và an ninh, đồng thời cùng hành động vì GDI, GSI và GCI.

Chúng ta cần tăng cường trao đổi sâu sắc về lý thuyết và thực tiễn phát triển xã hội chủ nghĩa, cùng nhau chống lại những rủi ro và thách thức bên ngoài, đồng thời đảm bảo tiến bộ ổn định và bền vững trong nỗ lực đi lên xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta cần tận dụng tốt các thế mạnh  để củng cố nền tảng hợp tác vì cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam chia sẻ tương lai.

Trung Quốc đang thúc đẩy mô hình phát triển mới thông qua mở cửa chất lượng cao và Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Cả hai nên phát huy tối đa tiềm năng từ sự gần gũi về mặt địa lý và tính chất bổ sung tương hỗ lẫn nhau của các ngành công nghiệp.

Trong số những vấn đề khác, chúng ta nên tăng tốc phối hợp chiến lược BRI và chiến lược Hai hành lang và Một vành đai kinh tế, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối, cải cách doanh nghiệp nhà nước, năng lượng xanh và khoáng sản quan trọng, nhằm phục vụ tốt hơn sự phát triển của từng quốc gia và mang lại lợi ích cho người dân hai nước.

Chúng ta cần tăng cường trao đổi hữu nghị để củng cố sự ủng hộ rộng rãi cho cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam vì một tương lai cùng chia sẻ.

Một người hàng xóm gần gũi tốt hơn một người họ hàng xa.

Người dân chính là cội nguồn, là huyết mạch và là nguồn sức mạnh của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.

Chúng ta nên tăng cường hợp tác và trao đổi hữu nghị, đồng thời tận dụng tối đa các cơ chế trao đổi đối tác như giữa các cơ quan truyền thông trung ương, giữa tổ chức nghiên cứu, các bộ văn hóa và du lịch, các nhà xuất bản cũng như các cơ quan phát thanh, điện ảnh và truyền hình.

Hai nước nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục tiếng Trung, giáo dục nghề nghiệp, thể thao và y tế.

Chúng ta cũng cần ủng hộ nhau đảm bảo các sự kiện quan trọng như Diễn đàn Nhân dân Trung Quốc - Việt Nam và Gặp gỡ Hữu nghị Thanh niên Trung Quốc - Việt Nam diễn ra thành công nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng ta cũng nên tăng cường các chuyến bay trực tiếp hơn nữa giữa hai nước.

Trung Quốc sẽ khuyến khích nhiều du khách đến thăm Việt Nam để trải nghiệm nét đẹp độc đáo của văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Chúng ta cần quản lý hợp lý những khác biệt và mở rộng sự đồng thuận vì một cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam chia sẻ tương lai.

Cả hai bên cần hành động dựa trên những hiểu biết chung mà các nhà lãnh đạo hai đảng và hai nước đã đạt được, giải quyết hợp lý những khác biệt trong các vấn đề hàng hải và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp mà các bên cùng chấp nhận.

Hai nước cần chú trọng đến sự thịnh vượng bền vững của nhân dân hai nước và luôn cam kết phấn đấu vì lợi ích chung, hợp tác cùng có lợi.

Hai bên cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và thực hiện những nỗ lực hợp lý để xây dựng một môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của hai nước, hiện thực hóa sự ổn định và an ninh lâu dài trong khu vực.

Thế giới ngày nay đang diễn ra những thay đổi nhanh chóng trên quy mô chưa từng thấy trong một thế kỷ.

Chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Hòa bình và phát triển trong khu vực đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về sự bất ổn và khó đoán định.

Đứng trên nền tảng lịch sử của một nền văn minh lâu đời, Châu Á đang đi đến thời khắc quan trọng của sự phát triển.

Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Lịch sử đã nhiều lần chứng minh một quốc gia, một khu vực chỉ có thể thịnh vượng khi đi theo logic của lịch sử và bắt kịp xu thế của thời đại.

Tương lai của châu Á không nằm trong tay ai ngoài người châu Á. Trong thập kỷ qua, người dân châu Á ngày càng nhận ra họ chỉ có thể theo kịp xu hướng hòa bình, phát triển và tiến bộ bằng cách cùng nhau hành động trên các nguyên tắc hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và toàn diện cũng như thúc đẩy các giá trị hòa bình, hợp tác, bao trùm và hội nhập.

Chúng ta chỉ có thể làm thông thoáng hơn hoạt động kinh tế khu vực và dần dần mang lại nhiều lợi ích hơn cho người châu Á qua việc duy trì cam kết hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy BRI theo nguyên tắc lập kế hoạch, xây dựng và cùng hưởng lợi, đồng thời mở cửa rộng hơn với thế giới.

Chúng ta chỉ có thể củng cố một ngôi nhà hòa bình, yên bình, thịnh vượng, xinh đẹp, thân thiện và hài hòa ở châu Á khi tất cả cùng nhau nỗ lực làm việc vì một cộng đồng châu Á chia sẻ tương lai và biến sự phát triển của một quốc gia trở thành một phần của sự phát triển chung của tất cả các quốc gia khác.

Một triết gia Trung Quốc cổ đại từng nhận xét: "Cây có rễ khỏe sẽ phát triển tốt, nỗ lực đi đúng hướng sẽ thành công".

Cho dù thế giới có phát triển mạnh mẽ đến đâu, Trung Quốc vẫn sẽ luôn đi đúng hướng.

Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại về mọi mặt và thúc đẩy phục hưng đất nước trên mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển chất lượng cao và mở cửa theo tiêu chuẩn cao, đồng thời tiến nhanh hơn tới mô hình phát triển mới. Chúng tôi sẽ nhất quán với chính sách ngoại giao láng giềng, cam kết thực hiện các nguyên tắc phát triển tình hữu nghị và quan hệ đối tác với các nước láng giềng, thúc đẩy một khu vực thân thiện, an toàn và thịnh vượng.

Đồng thời, chúng tôi sẽ nỗ lực bổ sung những nhân tố mới bên cạnh các nguyên tắc thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện.

Chúng tôi sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước láng giềng thông qua công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc, cùng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa châu Á và mang lại những cơ hội phát triển mới cho Việt Nam và các nước châu Á khác.

Tôi tin rằng một cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam chia sẻ tương lai sẽ mang ý nghĩa chiến lược. Qua đó, thu hút nhiều quốc gia hơn đến với công cuộc vĩ đại đó là xây dựng một cộng đồng châu Á chia sẻ tương lai cũng như một cộng đồng chia sẻ tương lai chung nhân loại.

Điều này sẽ tiếp thêm năng lượng tích cực cho những nỗ lực của chúng ta vì sự phát triển lâu dài và quan hệ láng giềng tốt đẹp ở châu Á, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và phát triển của thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.