Đường sắt

Tốc độ chạy tàu của đường sắt 10 năm qua có tăng?

13/04/2021, 17:59

Tốc độ chạy tàu trên hầu hết các tuyến đường sắt được nâng dần trong 10 qua, trong đó, tuyến Bắc - Nam bình quân đạt 76,58km/h...

img

Với việc đầu tư cho hạ tầng đường sắt, tốc độ chạy tàu bình quân trên các tuyến đã được cải thiện, nhưng không có đột phá

Tốc độ chạy tàu không tăng đột biến

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, 10 trở lại đây, tốc độ chạy tàu kĩ thuật bình quân trên các tuyến đường sắt được nâng dần, tuy nhiên không có đột phá.

Cụ thể, tuyến Bắc - Nam, nếu từ năm 2010-2012 tốc độ bình quân 72-73km/h; năm 2013 tăng lên 75,64km/h. Năm 2015 lên 76,35km/h. Tốc độ này gần như giữ nguyên và thay đổi không đáng kể trong các năm sau đó. Đến năm 2019 là 76,58km/h.

Tuyến Gia Lâm - Hải Phòng, 3 năm 2010-2012 tốc độ bình quân 68,75km/h, sau nâng dần qua các năm, đến 2017 là 70,56km/h và từ 2018 đến nay giữ tốc độ 71,11km/h.

Trong khi đó, tuyến Yên Viên - Lào Cai, trong 4 năm 2010-2014 giữ tốc độ bình quân trên 52 km/h. Đến năm 2015 nâng lên 54,37km/h. Năm 2016, sau khi dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 1 thông tuyến, tốc độ chạy tàu được cải thiện đáng kể, đạt 61,14km/h và giữ đến nay.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, từ năm 2010-2014 tốc độ bình quân 53-53km/h, năm 2015 nâng lên 59,94km/h và giữ đến nay.

Tuyến Đông Anh - Quán Triều, tốc độ chạy tàu được cải thiện vượt bậc, từ 57,45km/h trong 3 năm 2010-2012, chỉ đến năm 2015 đã đạt 74,90km/h. Tuy nhiên, tốc độ này duy trì đến nay, không cải thiện thêm.

Vốn đầu tư để tăng tốc độ chạy tàu bao nhiêu?

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc cải thiện tốc độ chạy tàu kĩ thuật bình quân trên các tuyến chủ yếu vào các năm 2015-2016. Lý giải, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây là kết quả của việc hoàn thành nhiều dự án, công trình hạ tầng đường sắt trong giai đoạn 2010-2015, mặc dù nguồn vốn hạn chế.

Giai đoạn này, vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt rất nhỏ, chỉ được hơn 9.227 tỷ đồng, bằng 11,77% so với kế hoạch ban hành theo Quyết định 682 phê duyệt kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2012-2015 là 72.252 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư được hơn 23.200 tỷ đồng, trung bình mỗi năm hơn 4.600 tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn trước. Tuy nhiên, nguồn vốn này không dành nhiều cho các dự án đầu tư phát triển đường sắt, không bố trí cho các dự án mới, mà chủ yếu trả nợ các dự án giai đoạn trước.

Các dự án từ nguồn vốn ODA cũng gần như kết thúc vào giai đoạn 2011-2015. Hiện, trên mạng đường sắt quốc gia, chỉ có dự án hiện đại hóa Trung tâm Điều hành GTVT đường sắt (OCC) chưa hoàn thành. Giai đoạn 2016-2020, không có dự án ODA nào dành cho hạ tầng đường sắt.

Giai đoạn 2021-2025 tới đây, nhu cầu vốn cho các dự án đường sắt ưu tiên đầu tư là hơn 23.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự kiến phân bổ cho đường sắt giai đoạn này chỉ được 6.500 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.