Phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này
Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (ngày 20/9) đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển KTXH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong khoảng thời gian trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc rất khẩn trương, tiến hành hơn 10 phiên họp cho ý kiến giải quyết gần 100 vấn đề lớn theo thẩm quyền, trong đó tháo gỡ cơ bản những tồn đọng, vướng mắc và giải quyết nhiều vấn đề mới phát sinh.
Đến nay, chương trình làm việc của Bộ Chính trị và những vấn đề phát sinh cơ bản đã được giải quyết.
Nhấn mạnh tinh thần làm việc rất khẩn trương, Tổng Bí thư cho biết, nhiều cuộc họp diễn ra đến 12h trưa, 18h tối để kịp thời giải quyết công việc.
Theo Tổng Bí thư, Quốc hội - Chính phủ - Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp triển khai rất quyết liệt, nhịp nhàng để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, rào cản gây khó khăn cho phát triển KTXH, cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân...
Những việc làm trên bước đầu đã tạo ra sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, trước mắt là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2024 và năm 2025; tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
"Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời của chúng tôi là: Đã đủ.
Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa", Tổng Bí thư nói.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh thêm ba vấn đề với tinh thần "nói thẳng, nói thật".
Trong đó, về vấn KTXH, để đạt mục tiêu phát triển KTXH mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
Theo Tổng Bí thư, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
"Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian", ông nói và cho hay Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo ra những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...
Quy hoạch đồng bộ hạ tầng để kết nối với các phương thức vận tải khác
Chia sẻ đến đây, Tổng Bí thư bày tỏ rất cảm xúc, hào hứng với bài phát biểu của Thủ tướng và nhận định này đã được lãnh đạo Đảng lặp lại rất nhiều khi nói đến sự quyết liệt của Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu về phát triển KTXH.
"Tôi nghiên cứu và cảm thấy những con số được nêu trong báo cáo của Thủ tướng rất hay, cảm xúc và hào hứng lắm, tự nghĩ mình phải làm gì trong trách nhiệm này", Tổng Bí thư nói và lấy ví dụ về con số kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 800 tỷ USD; việc giảm thuế, lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đặc biệt là việc Chính phủ rất quyết liệt trong hoàn thành các mục tiêu, dự án trọng điểm, không để tồn đọng kéo dài.
Đơn cử, theo báo cáo, Chính phủ sẽ nỗ lực để có thể khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025 trước kế hoạch hai năm để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Tổng Bí thư đánh giá đây là hành động thiết thực, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, sớm đưa vào sử dụng hạ tầng, không để tiền đầu tư nằm ở dự án trong hai năm đó.
Song song, lãnh đạo Đảng yêu cầu phải có quy hoạch đồng bộ hạ tầng để kết nối với các phương thức vận tải khác, có các dự án phát triển xung quanh sân bay để mời "đại bàng làm tổ", từ đó phát triển kinh tế, đưa sân bay trở thành "ngã tư, ngã năm, ngã bảy của thế giới".
Cùng lúc, Tổng Bí thư đề nghị cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt như vậy vào dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
"Bởi con số 67,43 tỷ USD (tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án) là rất lớn mà để nằm đó thì lãng phí lắm, kéo dài năm nào thì năm đó còn lãng phí", theo Tổng Bí thư.
Cho rằng có thể phân đoạn để thực hiện, ông chỉ ra: "Nếu hoàn thành sớm đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh và người dân chỉ mất 1,5 tiếng để di chuyển thì mừng lắm. Kế hoạch thực hiện toàn dự án là 10 năm nhưng cố gắng đẩy nhanh, không để kéo dài vì nhân dân rất mong chờ".
Dẫu vậy, theo Tổng Bí thư, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và phía trước còn rất nhiều thách thức.
"Liều thuốc đủ mạnh" trị căn bệnh cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu, đổ lỗi thể chế
Đề cập về việc đổi mới, đột phá thể chế để đạt được các mục tiêu, người đứng đầu Đảng yêu cầu cần nhận thức rõ đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật.
"Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế…", Tổng Bí thư nói thêm và cho rằng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã khá đầy đủ; bây giờ là lúc phải hành động.
Trên cơ sở chủ trương chính sách chung của Đảng, Nhà nước, Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ trên chính mảnh đất của mình, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo.
Ông lưu ý hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, rất cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân, phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật chất và tinh thần trong Nhân dân và người dân phải cảm nhận được nhân dân là người hưởng thụ những thành quả đó thì mọi người sẽ chung sức đồng lòng cùng thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận